Đức thay đổi quan điểm, Ukraine chuẩn bị nhận thêm nhiều hệ thống phòng không Patriot
Theo thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius, Đức và Mỹ đã đạt được thỏa thuận chuyển giao năm hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine.

Tên lửa cho các hệ thống phòng không Patriot (ảnh) là một trong những thiết bị quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ cam kết viện trợ cho Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN
Trang tin European Pravda cho biết thông báo nêu trên được đưa ra ngày 21/7, trong bối cảnh Liên bang Nga đang leo thang các cuộc tấn công tầm xa vào Ukraine, bao gồm cả tên lửa đạn đạo – loại vũ khí mà chỉ hệ thống phòng không Patriot tiên tiến mới có khả năng đánh chặn.
Báo The Kyiv Independent cho biết thêm rạng sáng ngày 21/7, các lực lượng Liên bang Nga đã tiến hành một cuộc tấn công đường không quy mô lớn nhằm vào Ukraine.
Trong cuộc tấn công này, Moskva (Moscow) được cho là đã sử dụng 426 thiết bị bay không người lái (UAV) cảm tử loại Shahed và nhiều loại tên lửa khác nhau, trong đó có cả tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Kinzhal, tên lửa hành trình Kalibr và Kh-101.
Phát biểu tại cuộc họp lần thứ 29 của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine (còn được biết đến với tên gọi “Nhóm Ramstein” - tên căn cứ quân sự Mỹ tại Đức), Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết ông đã đạt được thỏa thuận với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth trong chuyến thăm gần đây tới Washington.
Ông Pistorius nói thêm rằng việc điều phối với các đối tác về quá trình chuyển giao các hệ thống phòng không Patriot này sẽ tiếp tục diễn ra trong vài ngày tới.
Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere cũng cho biết trong chuyến thăm chính thức tới Berlin rằng Na Uy sẽ tham gia tài trợ cho việc chuyển giao này.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng thông báo rằng Oslo đã đề xuất mua một hệ thống Patriot để tặng Ukraine.
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans cũng cho biết tại hội nghị Ramstein rằng Hà Lan đang thảo luận với Mỹ và các đồng minh khác về việc cung cấp thêm vũ khí, bao gồm cả hệ thống Patriot, cho Ukraine.
Các hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất là một phần quan trọng trong hệ thống phòng không đa tầng của Ukraine, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo và hành trình, đồng thời bảo vệ các thành phố khỏi các cuộc tấn công quy mô lớn.
Mỗi tên lửa Patriot được cho là có giá khoảng 4 triệu USD, và ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ hiện sản xuất khoảng 500 quả mỗi năm. Theo quy trình phòng thủ của Mỹ, thông thường cần ít nhất hai tên lửa để bắn hạ một mục tiêu bay đến.
Xem video Bộ Quốc phòng Liên bang Nga công bố ngày 22/5/2025 ghi lại cuộc tấn công nhằm vào một vị trí ở vùng Dnepropetrovsk của Ukraine đã tiêu diệt một radar đa chức năng AN/MPQ-65, một đơn vị điều khiển, cũng như hai bệ phóng Patriot . Nguồn: Bộ Quốc phòng Liên bang Nga/RT
Cam kết hôm 21/7 về việc cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine được đưa ra sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 14/7 về một sáng kiến do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) hậu thuẫn, theo đó các thành viên của liên minh sẽ mua hệ thống vũ khí do Mỹ sản xuất để cung cấp cho Ukraine.
Ngày 16/7, ông Trump cho biết các lô hàng Patriot dành cho Ukraine đã bắt đầu được chuyển giao.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Donald Trump trước đó, ông đã yêu cầu được cung cấp “10 hệ thống Patriot cùng với số lượng tên lửa cần thiết”.
Theo trang thông tin United24media, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh rằng khi nào nhà sản xuất và phía Mỹ xác nhận thời gian giao hàng, các đối tác châu Âu khác sẽ tham gia hỗ trợ thêm.
“Khi chúng tôi nhận được phản hồi rõ ràng từ nhà sản xuất và xác nhận từ Mỹ về lịch trình bàn giao, các đối tác châu Âu khác cũng sẽ tham gia. Đó là mô hình tài trợ hiện nay”, ông Zelensky giải thích trong một phát biểu đưa ra trước báo giới tại Hội nghị Phục hồi Ukraine ở Rome ngày 10/7.
Về phía Đức, ban đầu, Bộ trưởng Pistorius khẳng định Berlin sẽ không cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus hoặc hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine.
"Chúng tôi chỉ còn 6 hệ thống Patriot ở Đức. Con số này thực sự quá ít, đặc biệt là khi xét đến các mục tiêu năng lực của NATO mà chúng tôi phải đáp ứng. Chúng tôi chắc chắn không thể cung cấp thêm nữa”, đài Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Pistorius trong một cuộc phỏng vấn đăng ngày 14/7.
Trước đó, theo quan chức cấp cao này, Đức đã cung cấp cho Ukraine ba hệ thống Patriot, trong khi hai hệ thống khác đã cho Ba Lan mượn và ít nhất một hệ thống luôn không thể sử dụng vì bảo trì hoặc huấn luyện.
Bộ trưởng Pistorius lưu ý ông sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Pete Hegseth tại Washington. Trong cuộc họp, lộ trình đảm bảo an ninh châu Âu của Mỹ sẽ được thảo luận. Theo ông Pistorius, hai bộ trưởng cũng sẽ thảo luận về việc Mỹ bán hai hệ thống Patriot cho Đức và dự kiến hai hệ thống này dành cho Ukraine.
Tuy nhiên, sau đó, theo báo The Kyiv Independent, một phát ngôn viên chính phủ Đức cho biết các cuộc đàm phán giữa các đồng minh vẫn đang diễn ra nhằm chuyển giao hơn ba hệ thống Patriot cho Ukraine.
Theo báo The New York Times của Mỹ, các hệ thống Patriot đầu tiên của Mỹ đã được chuyển đến Ukraine vào tháng 4/2023, nhưng đến đầu năm 2024, Ukraine đã bắt đầu gặp tình trạng thiếu tên lửa cho các hệ thống này.
The New York Times cho biết thêm vào tháng 5/2025, Ukraine có tám hệ thống Patriot nhưng chỉ sáu hệ thống đang hoạt động, hai hệ thống còn lại đang được bảo dưỡng hoặc sửa chữa định kỳ.