Mỹ - Ukraine sắp ký thỏa thuận khoáng sản lịch sử: Cơ hội hay cạm bẫy?

Sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, Mỹ và Ukraine tiến gần đến một thỏa thuận lịch sử về tài nguyên thiên nhiên, làm dấy lên kỳ vọng kinh tế nhưng cũng đặt ra những câu hỏi về lợi ích và độc lập quốc gia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp tại Vatican, Italy ngày 26/4/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp tại Vatican, Italy ngày 26/4/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN

Sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, Mỹ và Ukraine đang tiến gần đến việc ký kết một thỏa thuận khoáng sản lịch sử, mở ra cơ hội khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của Ukraine, nhưng cũng đặt ra những thách thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia.

Theo tờ Financial Times (FT) ngày 28/4, thỏa thuận này, bao gồm toàn bộ tài nguyên thiên nhiên của Ukraine - dầu mỏ, khí đốt và các kim loại đất hiếm, có thể được ký kết ngay trong tuần này. Đây là một bước tiến lớn sau những bất đồng trước đó giữa hai bên, đặc biệt là yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Ukraine sử dụng doanh thu từ tài nguyên để trả lại viện trợ của Mỹ.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết, sau cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessant, hai bên đã đạt được "tiến triển tốt". "Điều quan trọng là chúng tôi đã xác định rõ ràng các ranh giới đỏ của mình, thỏa thuận phải tuân thủ các nghĩa vụ của châu Âu và cũng không được mâu thuẫn với Hiến pháp và luật pháp của Ukraine. Nó phải được Quốc hội phê chuẩn. Các thỏa thuận đã đạt được xác định là tài liệu này không bao gồm hỗ trợ được cung cấp trước khi ký kết", ông Shmyhal nói.

Bước đột phá này đạt được dường như sau cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Vatican. Tổng thống Trump sau đó nói rằng ông Zelensky "hiểu tình hình và muốn đạt được thỏa thuận". Tuy nhiên, ông Trump cũng bày tỏ sự thất vọng với cả Ukraine và Nga, cho rằng cả hai nước "không muốn nhượng bộ để chấm dứt xung đột".

Thỏa thuận khoáng sản này được xem là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm gây áp lực lên Tổng thống Zelensky về các cuộc đàm phán hòa bình rộng rãi hơn, đồng thời tìm cách thu hồi hàng tỷ USD viện trợ quân sự mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine dưới thời chính quyền Biden.

Tuy nhiên, yêu cầu của Mỹ về việc sử dụng doanh thu từ thỏa thuận để trả lại viện trợ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các quan chức Ukraine. Họ cho rằng điều này có thể làm suy yếu chủ quyền của Ukraine và ảnh hưởng đến nỗ lực gia nhập EU của nước này. Nhiều đại biểu quốc hội Ukraine cũng bày tỏ lo ngại và tuyên bố sẽ không ủng hộ một "thỏa thuận tồi".

Về phần mình, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, Mike Walz, bày tỏ sự tin tưởng rằng thỏa thuận sẽ được ký kết. "Các nhà đàm phán đã làm việc chăm chỉ vào cuối tuần. Tổng thống Trump quyết tâm thực hiện điều này", ông Walz nói.

Hãng thông tấn độc lập UNIAN của Ukraine cũng lưu ý, thỏa thuận khoáng sản trên dự kiến sẽ dẫn đến một quan hệ đối tác kinh tế lâu dài giữa Mỹ và Ukraine. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những câu hỏi về việc Ukraine sẽ quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình như thế nào, cũng như về sự cân bằng quyền lực giữa hai quốc gia. Do đó, điều quan trọng là thỏa thuận phải được thực hiện một cách minh bạch và công bằng, đảm bảo lợi ích của cả hai bên và không gây tổn hại đến chủ quyền của Ukraine.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-ukraine-sap-ky-thoa-thuan-khoang-san-lich-su-co-hoi-hay-cam-bay-20250428232757057.htm
Zalo