Mỹ - Ukraine ký thỏa thuận khoáng sản
Hãng Reuters đưa tin: vào ngày 30.4, Mỹ và Ukraine đã ký kết thỏa thuận khoáng sản sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, với sự không chắc chắn tồn tại đến phút cuối.
Thỏa thuận này đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực hàn gắn mối quan hệ giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky với người đồng cấp Donald Trump sau cuộc tranh cãi nảy lửa tại Nhà Trắng tháng 2 trước. Giới chức Ukraine hy vọng viện trợ quân sự từ Mỹ được đảm bảo.
Đăng ảnh lễ ký thỏa thuận cùng Phó thủ tướng Ukraine Yulia Svyrydenko trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuyên bố: “Nhờ nỗ lực không mệt mỏi của Tổng thống Trump nhằm đem lại hòa bình lâu dài, tôi vui mừng thông báo hai nước đã ký kết một thỏa thuận đối tác mang tính lịch sử. Thỏa thuận gửi đến Nga thông điệp rõ ràng rằng chính quyền Tổng thống Trump cam kết theo đuổi tiến trình hòa bình lâu dài hướng đến Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng lâu dài”.

Phái đoàn hai nước Mỹ - Ukraine ký kết thỏa thuận khoáng sản - Ảnh: Yulia Svyrydenko/X
Theo thỏa thuận, hai nước thiết lập quỹ đầu tư tái thiết được quản lý chung một cách bình đẳng. Ukraine - Mỹ cùng đóng góp cho quỹ. Viện trợ quân sự từ Washington được coi là đóng góp nhưng các khoản trước đó không tính. 50% số tiền thu được từ dự án khai thác khoáng sản hay dầu khí cấp phép mới ở Ukraine cũng sẽ trở thành nguồn đóng góp.
Bà Svyrydenko nhấn mạnh Ukraine vẫn nắm quyền quyết định khai thác gì và khai thác ở đâu. Khoáng sản, cơ sở hạ tầng cùng khu vực khai thác vẫn thuộc sở hữu Ukraine. Nước này cũng không có nghĩa vụ “trả nợ” cho Mỹ.
Ukraine sở hữu khoảng 20 loại khoáng sản và kim loại quan trọng với thế giới, trong đó có titanium (dùng cho ngành quốc phòng, ngành hàng không vũ trụ), lithium (thành phần quan trọng của pin xe điện) cùng uranium (vật liệu hạt nhân). Theo Tổng thống Zelensky, chưa đến 20% khoáng sản cũng như 50% trữ lượng đất hiếm của nước này nằm ở các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng. Nhiều mỏ titanium được phát hiện ở phía tây bắc Ukraine, cách rất xa tiền tuyến.
Theo bản dự thảo mà Reuters xem được, thỏa thuận xóa bỏ đòi hỏi Ukraine trả lại mọi khoản viện trợ trước đây và chẳng đưa ra bảo đảm an ninh cụ thể nào cho Kyiv. Thay vào đó Mỹ chỉ đảm bảo “liên kết chiến lược dài hạn” và giúp thu hút thêm đầu tư lẫn công nghệ. Ý tưởng tiếp quản nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia mà Tổng thống Trump từng nêu ra cũng không có.