Mỹ tuyên bố rút khỏi UNESCO

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump một lần nữa tuyên bố rút Mỹ khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), chỉ khoảng hai năm sau khi Mỹ tái gia nhập tổ chức này dưới thời Tổng thống Joe Biden.

UNESCO là cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc với sứ mệnh thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa. Tổ chức này được biết đến rộng rãi với danh sách Di sản Thế giới – công nhận các địa điểm có giá trị văn hóa hoặc tự nhiên đặc biệt.

Ngày 22/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết trong một tuyên bố rằng việc tham gia UNESCO "không phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ", đồng thời cáo buộc cơ quan này đang thúc đẩy các "nguyên nhân xã hội và văn hóa gây chia rẽ".

Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay, bày tỏ sự thất vọng nhưng cho biết quyết định này đã được dự đoán từ trước. Theo bà Azoulay, việc rút khỏi UNESCO của Mỹ sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2026.

"Quyết định này đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa đa phương và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều đối tác của chúng tôi tại Mỹ – từ các cộng đồng đang tìm cách ghi danh di sản thế giới, xin công nhận Thành phố sáng tạo, đến các trường đại học giữ ghế UNESCO" - bà Azoulay nhấn mạnh trong thông cáo báo chí.

UNESCO hiện có 194 quốc gia thành viên và giám sát hơn 1.200 địa điểm Di sản Thế giới, trong đó có 26 địa điểm nằm trên lãnh thổ Mỹ, bao gồm Tượng Nữ thần Tự do, Vườn quốc gia Yosemite và Grand Canyon. Các địa điểm được đưa vào danh sách Di sản Thế giới sẽ nhận được hỗ trợ tài chính quốc tế để bảo tồn và bảo vệ.

Trong các lý do được đưa ra cho quyết định rút khỏi UNESCO, bà Bruce chỉ trích việc tổ chức này "quá tập trung" vào các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc như xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và năng lượng sạch. Bà gọi đây là "một chương trình nghị sự toàn cầu mang tính ý thức hệ, mâu thuẫn với chính sách đối ngoại ưu tiên nước Mỹ".

Bà Bruce cũng nêu rõ rằng chính quyền Trump phản đối quyết định của UNESCO vào năm 2011 khi tổ chức này kết nạp Nhà nước Palestine làm thành viên. "Việc UNESCO công nhận 'Nhà nước Palestine' là một thành viên chính thức là vấn đề nghiêm trọng, trái với chính sách của Mỹ và góp phần làm lan rộng luận điệu chống Israel trong tổ chức" - bà nói.

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Trump rút khỏi UNESCO. Trước đó, vào năm 2018, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump cũng đã đưa ra quyết định tương tự vì những lo ngại liên quan đến quan điểm chống Israel trong tổ chức.

Đến năm 2023, chính quyền Biden đã tái gia nhập UNESCO và cam kết chi trả hơn 600 triệu USD tiền đóng góp còn nợ từ các năm trước.

Việc công nhận Palestine là thành viên của UNESCO đã gây tranh cãi trong nhiều năm. Vào năm 2011, chính quyền Obama cũng từng phản đối động thái này và cắt nguồn tài trợ cho tổ chức.

Việt Vũ

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/my-tuyen-bo-rut-khoi-unesco.html
Zalo