Mỹ sẽ làm gì trước khi rút chân ra khỏi hòa đàm Nga-Ukraine?
Mỹ có thể đang cân nhắc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga như một phần trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm với Ukraine, trước khi rút lui hoàn toàn khỏi tiến trình hòa đàm.
Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã chính thức xác nhận rằng Washington sẽ không còn đảm nhận vai trò trung gian trong tiến trình hòa đàm giữa Moscow và Kiev - một động thái cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong cách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine.
Phát ngôn viên Tammy Bruce cho biết, Mỹ đang điều chỉnh “cách thức đóng góp” vào tiến trình hòa đàm và sẽ không còn “bay khắp thế giới bất cứ lúc nào” để tham dự các vòng đàm phán như trước.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cảnh báo rằng xung đột tại Ukraine khó có khả năng sớm kết thúc, đồng thời nhấn mạnh rằng đã đến lúc Kiev và Moscow phải cùng nhau đạt được một thỏa thuận thực chất.
Trong bối cảnh ấy, một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Nga có thế sẽ là nỗ lực cuối cùng của Washington nhằm đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột đã kéo dài 3 năm giữa Nga và Ukraine.

Ông JD Vance. Ảnh: Reuters
Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt kinh tế mới với Nga?
NDTV đưa tin, chính quyền Mỹ đã hoàn tất một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhắm vào Nga, đặc biệt là trong các lĩnh vực ngân hàng và năng lượng. Động thái này được cho là nhằm gia tăng áp lực buộc Điện Kremlin chấp nhận một thỏa thuận hòa bình do Mỹ đề xuất, NDTV dẫn lời ba quan chức Mỹ và một nguồn tin thân cận với Nhà Trắng cho biết.
Một quan chức trong chính quyền đương nhiệm tiết lộ các gói trừng phạt mới dự kiến sẽ giáng đòn mạnh mẽ vào gã khổng lồ năng lượng Gazprom, cùng nhiều tổ chức lớn hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng. Tuy nhiên, chưa rõ liệu Tổng thống Trump có phê duyệt gói trừng phạt này hay không, khi vẫn còn nhiều đồn đoán xung quanh khả năng Mỹ sẽ rút chân khỏi tiến trình hòa đàm giữa Moscow và Kiev.
Trước đó, ngày 1/5, Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko tới Washington ký khung thỏa thuận khoáng sản với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, thiết lập Quỹ Đầu tư Tái thiết do hai nước quản lý. Động thái được xem là một phần phần trong sáng kiến rộng lớn nhằm chấm dứt xung đột và có thể là dấu hiệu cho thấy Mỹ thể hiện một lập trường cứng rắn hơn đối với Moscow.
Cựu Đặc phái viên Mỹ tại NATO, ông Kurt Volker - người từng đại diện Mỹ trong các cuộc đàm phán về Ukraine, nhận định: “Ông Trump đã tạo mọi cơ hội để ông Putin có thể tuyên bố chấm dứt xung nhưng cho tới nay Tổng thống Nga vẫn chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng. Đây là giai đoạn tiếp theo nhằm gia tăng áp lực”.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt nhiều tầng lớp trừng phạt nhắm vào nền kinh tế thời chiến của Nga. Mặc dù các biện pháp này gây ra nhiều tổn thất, Moscow vẫn tìm ra cách xoay sở để tiếp tục duy trì chiến sự.
Từ khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, ông Trump đã thực hiện nhiều bước đi nhằm thúc đẩy Nga tham gia vào tiến trình hòa bình, bao gồm việc giải tán lực lượng đặc nhiệm thuộc Bộ Tư pháp chuyên trách thực thi các lệnh trừng phạt đối với các nhà tài phiệt thân cận với Điện Kremlin. Cũng trong thời gian đó, ông Trump đã đưa ra nhiều phát biểu gây tranh cãi, bao gồm chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky “khơi mào xung đột” với Nga.

Ông Trump. Ảnh: Reuters
Bên cạnh đó, đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff được cho là đã ủng hộ một kế hoạch hòa bình, có thể bao gồm việc công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bốn khu vực tại Ukraine (Lugansk, Donetsk, Kherson, Zaporizhzhia). Ông Wiftkoff đã có bốn cuộc gặp riêng với Tổng thống Putin để thảo luận về vấn đề Ukraine, lần gần nhất chỉ cách đây một tuần.
Tuy nhiên, ba ngày sau cuộc gặp đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố tái khẳng định các yêu sách về lãnh thổ của Moscow, trong bối cảnh giao tranh giữa Moscow và Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp.
Reuters từng đưa tin vào tháng 3/2025 rằng Washington đang xem xét khả năng nới lỏng trừng phạt như một phần trong nỗ lực thúc đẩy hòa đàm. Nhưng những tuần gần đây, ông Trump ngày càng tỏ ra thiếu kiên nhẫn với cả hai bên tham chiến, đặc biệt sau khi Nga mở cuộc tấn công lớn vào. Cuối tuần trước, tại lễ tang Giáo hoàng Francis ở Vatican, ông Trump bất ngờ ngồi xuống nói chuyện riêng với nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky tại Vatican, với nội dung đối thoại xoay quanh cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.
Ngay ngày hôm sau, ông Trump đăng trên trang cá nhân Truth Social rằng mình “đang cân nhắc nghiêm túc các biện pháp trừng phạt quy mô lớn đối với lĩnh vực ngân hàng, tài chính và thuế quan của Nga” và những biện pháp đó sẽ vẫn được duy trì cho đến khi đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và hòa bình đầy đủ.
Theo ông Volker, một trong những yếu tố then chốt khác là việc Nga tiếp tục kiếm được nguồn ngoại tệ mạnh từ hoạt động xuất khẩu dầu khí sang các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc. Ông Volker nhấn mạnh rằng việc Trump áp đặt các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các giao dịch này sẽ “rất đáng kể”.
Lệnh trừng phạt thứ cấp, tức trừng phạt cả các quốc gia thứ ba vì giao dịch với Nga, sẽ khai thác lợi thế về quy mô và sức mạnh kinh tế của Mỹ. Điều này có thể trở thành một đòn bẩy quan trọng trong việc cắt đứt các nỗ lực duy trì xung đột với Ukraine của Điện Kremlin.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia, ông James Hewitt, cho biết: “Ngay từ đầu, Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh cam kết đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện và bền vững". Tuy nhiên, một nguồn tin am hiểu vấn đề khác cho biết Hội đồng An ninh Quốc gia đang nỗ lực điều phối các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga nhưng “quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay Tổng thống Mỹ”.
"Quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay ông Trump", nguồn tin này nhấn mạnh.