Mỹ sẽ không đưa vũ khí hạt nhân cho Ukraine để răn đe Nga
Ngày 1/12, trả lời phỏng vấn Đài ABC News, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định, Mỹ không có ý định cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine.
“Những gì chúng tôi đang làm là tăng cường cung cấp các loại vũ khí truyền thống cho Ukraine để họ có thể tự phòng vệ và chiến đấu với Nga chứ không phải là trao cho Ukraine vũ khí hạt nhân”, ông Sullivan tuyên bố.
Tuyên bố của ông Sullivan được đưa ra trong bối cảnh chỉ 2 tuần trước, tờ New York Times giới chức Mỹ cho hay Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể cho phép Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân một lần nữa giống như thời điểm trước khi Liên Xô tan rã.
Tờ New York Times mô tả việc Ukraine có thể sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ giúp quốc gia Đông Âu này có khả năng răn đe ngay lập tức và vô cùng mạnh mẽ trước Nga. Song, New York Times lưu ý bước đi này sẽ khiến cuộc xung đột Nga – Ukraine trở nên vô cùng phức tạp đi kèm với những hệ lụy khôn lường.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev đã lên tiếng cảnh báo việc chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine sẽ bị coi là khởi động cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Nga theo học thuyết hạt nhân mà Nga vừa mới thông qua.
Học thuyết hạt nhân mới này cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp Nga bị tấn công hạt nhân vào lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng hay chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí truyền thống.
Bên cạnh đó, học thuyết hạt nhân mới nêu rõ Nga có quyền coi một cuộc tấn công từ một quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân được một cường quốc hạt nhân hậu thuẫn tương đương với hành động tấn công hạt nhân trực tiếp từ cả 2 quốc gia.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích thông tin từ New York Times là toan tính cực kỳ vô trách nhiệm của những người có hiểu biết nghèo nàn về tình hình thực tế và không nhận thức được hệ lụy từ đề xuất của họ.
Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine vẫn còn sở hữu khoảng 1.700 đầu đạn hạt nhân giúp nước này trở thành quốc gia sở hữu hạt nhân lớn thứ 3 thế giới. Song việc vận hành số vũ khí này lại thuộc quyền kiểm soát của Nga.
Ukraine từ bỏ việc sở hữu số đầu đạn hạt nhân nói trên vào năm 1994 theo Bản ghi nhớ Budapest có sự tham gia của Mỹ, Anh và Nga trong đó cam kết đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky hồi năm 2022 bày tỏ hối tiếc với quyết định nói trên đồng thời tuyên bố Ukraine hoàn toàn có quyền đảo ngược quyết định này.
Mới đây nhất, hồi tháng 10, ông Zelensky nhấn mạnh chỉ có 2 lựa chọn có thể giúp bảo vệ an ninh cho Ukraine đó là gia nhập NATO hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân. Song sau đó chính ông Zelensky thừa nhận trở thành thành viên NATO là lựa chọn duy nhất.
Tuy nhiên, khoảng 1 tháng sau, một viện nghiên cứu quân sự của Ukraine đã kêu gọi ông Zelensky tận dụng plutoni từ các lò phản ứng hạt nhân trong nước để chế tạo ra một quả bom nguyên tử giống như loại bom Mỹ thả xuống Nagasaki trong Thế chiến thứ 2.
Tại thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố Kiev sẽ không chấp thuận đề xuất nói trên và không có ý định sản xuất vũ khí hạt nhân.