Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris: Trung Quốc lo ngại, EU muốn thương lượng

Trung Quốc nhấn mạnh không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, còn Chủ tịch EC tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng thương lượng với Mỹ trong vấn đề này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp ngày 20/1. (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp ngày 20/1. (Ảnh: AP)

Ngày 21/1, Trung Quốc đã bày tỏ "lo ngại" về việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Quách Gia Khôn cho biết: "Biến đổi khí hậu là thách thức chung mà toàn thể nhân loại phải đối mặt và không quốc gia nào có thể không bị ảnh hưởng hoặc tự mình giải quyết vấn đề."

Ông nhấn mạnh: "Trung Quốc sẽ hợp tác với tất cả các bên... để chủ động giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu."

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng thương lượng với Mỹ, đồng thời khẳng định cam kết của châu Âu đối với Hiệp định Paris.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) ngày 21/1, bà von der Leyen nhấn mạnh: "Hiệp định Paris tiếp tục là hy vọng tốt nhất của toàn nhân loại. Vì vậy, châu Âu sẽ duy trì vững lập trường và tiếp tục hợp tác với tất cả các nước muốn bảo vệ thiên nhiên và ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu."

Trong khi đó, Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của EU Wopke Hoekstra bày tỏ trên nền tảng X: "Đây thực sự là diễn biến đáng tiếc khi nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ, và một trong những đồng minh thân cận nhất của chúng ta trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, lại rút khỏi Hiệp định Paris."

Trước đó, ngày 20/1 theo giờ Mỹ, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris.

Ông Trump cũng ban bố "tình trạng khẩn cấp về năng lượng quốc gia," để mở rộng hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch tại quốc gia sản xuất dầu khí hàng đầu thế giới này.

Ông cho biết sẽ loại bỏ các tiêu chuẩn khí thải của xe cộ và tuyên bố sẽ dừng các trang trại điện gió ngoài khơi.

Ông Trump cũng đã ký một lệnh chỉ thị các cơ quan liên bang từ chối các cam kết tài trợ khí hậu quốc tế được đưa ra dưới thời chính quyền tiền nhiệm và đã gửi một lá thư chính thức tới Liên hợp quốc thông báo về quyết định của Washington rời khỏi Hiệp định Paris.

Theo các quy định, Mỹ sẽ chính thức rời khỏi thỏa thuận trong vòng 1 năm.

Những người chỉ trích cảnh báo động thái này làm suy yếu sự hợp tác toàn cầu trong việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và có thể khuyến khích các nước như Trung Quốc và Ấn Độ giảm các cam kết của họ, trong khi Argentina đang cân nhắc việc "đánh giá lại" sự tham gia của mình.

Động thái trên xảy ra khi nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 2 năm qua lần đầu tiên vượt qua ngưỡng ấm lên quan trọng là 1,5 độ C, cho thấy tính cấp thiết của hành động vì khí hậu.

Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump cũng đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris. Mặc dù vậy, thỏa thuận được 195 nước và khu vực thông qua vào năm 2015 này dường như vẫn sẽ tồn tại.

Bà Laurence Tubiana, một "kiến trúc sư chính" của thỏa thuận cho biết: "Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris là điều không may, nhưng hành động vì khí hậu đa phương đã chứng tỏ khả năng phục hồi và mạnh mẽ hơn bất kỳ chính sách và nền chính trị nào của một quốc gia."

Về phần mình, người đứng đầu về khí hậu của Liên hợp quốc, ông Simon Stiell nói thêm rằng "cánh cửa vẫn mở" cho Washington./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/my-rut-khoi-hiep-dinh-paris-trung-quoc-lo-ngai-eu-muon-thuong-luong-post1008722.vnp
Zalo