Mỹ quyết theo đuổi dự án tên lửa hạt nhân Sentinel dù chi phí đội lên gần gấp đôi
Lầu Năm Góc vẫn sẽ tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa LGM-35A Sentinel nhưng yêu cầu Không quân phải tái cấu trúc nhằm kiểm soát chi phí đang đội lên rất cao.
Đội vốn gần gấp đôi
Theo thông báo từ Lầu Năm Góc, để phát triển dòng tên lửa Sentinel do tập đoàn Northrop Grumman thực hiện, dù đã cải hoán ở mức hợp lý, chi phí thực hiện cũng có thể lên đến 140,9 tỷ USD, cao hơn tới 81% so với chi phí ước tính ban đầu là 77, tỷ USD.
Trong khi đó, nếu vẫn tiếp tục phát triển theo lộ trình hiện tại mà không tiến hành tái cấu trúc và cải hoán, chi phí sẽ đội lên khoảng 160 tỷ USD.
Mặt khác, các chuyên gia quân sự cảnh báo quá trình tái cấu trúc sẽ khiến chương trình tên lửa Sentinel bị hoãn tới vài năm.
Tờ Defense News dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ William LaPlante cho biết dù hiểu rất rõ ảnh hưởng từ chi phí tăng cao nhưng bộ này cũng nhận thức rõ nguy cơ nếu không hiện đại hóa lực lượng hạt nhân, giải quyết những mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sentinel được kỳ vọng sẽ thay thế tên lửa hạt nhân Minuteman III của Không quân Mỹ đã gần 50 năm tuổi và sắp "hết đát".
Hồi tháng 1, Không quân Mỹ đã thông báo, dự kiến chi phí phát triển tên lửa Sentinel sẽ vượt hạn mức ngân sách, đến ngưỡng Washington phải kích hoạt tiến trình rà soát chi phí được biết đến với tên gọi Đạo luật vi phạm Nunn-McCurdy.
Tiến trình rà soát nói trên có thể dẫn đến việc chương trình tên lửa Sentinel bị hủy bỏ.
Song, trong ngày 8/7, Thứ trưởng LaPlante tuyên bố sẽ vẫn đi đến cùng để triển khai chương trình tên lửa Sentinel sau khi kết luận chương trình này đáp ứng nhiều tiêu chí, bao gồm sự cần thiết đối với an ninh quốc gia và hiện chưa có lựa chọn nào để thay thế với chi phí thấp hơn mà vẫn đảm bảo yêu cầu vận hành của quân đội.
Dù vậy, Thứ trưởng LaPlante khẳng định chương trình tên lửa Sentinel sẽ phải có những thay đổi lớn.
Ông hủy bỏ phê chuẩn Lộ trình B của Sentinel được công bố hồi tháng 9/2020 trong đó chấp thuận cho chương trình này chuyển sang giai đoạn phát triển sản xuất.
Thứ trưởng LaPlante cũng ra lệnh cho Không quân Mỹ tiến hành tái cấu trúc chương trình tên lửa Sentinel để giải quyết gốc rễ nguyên nhân gây tăng chi phí quá cao đồng thời phải đảm bảo chương trình có được cấu trúc quản lý phù hợp, hướng tới giảm giá thành trong tương lai.
Ban đầu, tổng chi phí cho mỗi quả tên lửa Sentinel ước tính khoảng 118 triệu USD vào năm 2020 nếu đáp ứng được tất cả các mục tiêu được đặt ra. Khi Đạo luật vi phạm Nunn-McCurdy được công bố hồi tháng 1, chi phí cho mỗi quả tên lửa Sentinel đã tăng lên ít nhất 37% ở mức 162 triệu USD.
Ông Andrew Hunter, Thứ trưởng Không quân Mỹ phụ trách quản lý mua sắm, công nghệ và hậu cần, cho biết chi phí cho mỗi quả tên lửa Sentinel (kể cả một số thành phần bổ sung) dự kiến sẽ lên đến khoảng 214 triệu USD.
Thứ trưởng Hunter nhất trí với quyết định của ông LaPlante và cam kết sẽ sớm vạch kế hoạch tái cấu trúc chương trình tên lửa Sentinel trong vài tháng tới để có thể sớm được phê chuẩn chuyển sang giai đoạn sản xuất. Toàn bộ quá trình này có thể kéo dài từ 18-2 tháng.
Nhận diện vấn đề để xử lý
Cả hai ông LaPlante và Hunter đều chỉ rõ chi phí tăng cao chủ yếu đến từ hệ thống điều khiển và phóng của tên lửa Sentinel bao gồm hầm chứa tên lửa cùng trung tâm điều khiển bệ phóng nơi các quân nhân vận hành tên lửa.
Việc tái cấu trúc những hệ thống nói trên sẽ đóng một phần quan trọng trong việc kiểm soát chi phí của Không quân đồng thời cải thiện các yếu tố kỹ thuật, thay đổi cấu trúc hợp đồng phát triển chương trình tên lửa Sentinel.
Theo ông LaPlante, các thay đổi bao gồm: thu hẹp quy mô hệ thống phóng tên lửa Sentinel về mức nhỏ hơn, đơn giản hơn, hiệu quả chi phí hơn. Ngoài ra, việc này cũng giúp rút ngắn lộ trình cần thiết để chuyển đổi từ hệ thống tên lửa Minuteman III hiện tại sang hệ thống Sentinel mới.
Bên cạnh đó, Không quân Mỹ sẽ thiết lập một ủy ban do các tướng lĩnh cao cấp nhất điều hành để giám sát chương trình hạt nhân của binh chủng, bao gồm các loại máy bay ném bom, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cùng các sở chỉ huy và điều hành.
Đồng thời, Không quân Mỹ sẽ chỉ định một sĩ quan chỉ huy chuyên trách tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, thiết lập Trung tâm Hạt nhân và thăng cấp lãnh đạo Trung tâm Vũ khí Hạt nhân Không quân Mỹ từ tướng 2 sao lên tướng 3 sao, ông Hunter cho biết.
Còn theo Tướng Jim Slife, Phó Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, nguy cơ đội chi phí phát triển tên lửa Sentinel sẽ khó xảy ra trong vòng 5 năm tới. Họ sẽ chỉ phải đưa ra những lựa chọn khó nhất đó là cắt giảm một số hạng mục sau khi thông qua tính toán sơ bộ chi phí dành cho chương trình mới.