Mỹ quay lưng với Ukraine: Châu Âu bẽ bàng trước chiến lược Trump 2.0

Cuộc chiến Ukraine đang đứng trước một ngã rẽ lịch sử khi nước Mỹ dưới thời Trump 2.0 bất ngờ chuyển hướng chiến lược ngoại giao, hướng tới một trật tự thế giới đa cực. Không chỉ Ukraine, các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Âu bàng hoàng nhận ra mình chỉ là quân bài mặc cả trong ván cờ địa chính trị toàn cầu khi Tổng thống Donald Trump thúc đẩy các chính sách 'Nước Mỹ trên hết' triển khai các biện pháp ngoại giao theo chủ nghĩa thực dụng kiểu Mỹ.

Ukraine giữa những toan tính thực dụng kiểu Mỹ

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, ông Donald Trump từng khẳng định: “Tôi sẽ làm những gì tốt nhất cho đất nước chúng ta, không phải cho bất kỳ ai khác. Nếu điều này phải thay đổi các liên minh truyền thống, tôi cũng sẽ làm”.

Kể từ khi Donald Trump lên nắm quyền lần đầu vào năm 2017, chính sách đối ngoại của Mỹ đã có nhiều thay đổi rõ rệt so với các chính quyền trước đó. Chính quyền Trump, trong nhiều trường hợp, đã ưu tiên bảo vệ lợi ích quốc gia nước Mỹ trên hết, và giảm cam kết trách nhiệm với các đồng minh truyền thống ở châu Âu, giảm thiểu sự can thiệp vào các cuộc xung đột quốc tế mà không mang lại lợi ích rõ ràng cho Mỹ.

Ngày 14/2/2025, tại Hội nghị An ninh Munich, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã phát biểu một cách thẳng thắn rằng Mỹ không còn sẵn sàng duy trì sự hiện diện lâu dài trong các xung đột quân sự như cuộc chiến Ukraine nếu hành động này không mang lại hiệu quả trực tiếp cho nước Mỹ. Trong phát ngôn gây sốc này, Vance đã "dạy dỗ" cả châu Âu về giá trị thực sự của một nền dân chủ theo kiểu Mỹ, rằng họ cần phải tự vác cây thập tự giá của mình, tự lo liệu cho các vấn đề của chính mình, thay vì dựa dẫm vào sự hỗ trợ vô điều kiện từ Mỹ.

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Đức ngày 14/2. Ảnh: AP

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Đức ngày 14/2. Ảnh: AP

Lời tuyên bố này phản ánh rõ ràng một sự chuyển hướng chiến lược trong các chính sách ngoại giao của Mỹ trong giai đoạn mới, theo đó Mỹ sẽ không tiếp tục cam kết duy trì trách nhiệm hỗ trợ vô điều kiện với các quốc gia đồng minh truyền thống, nếu không thấy được lợi ích chiến lược từ những “khoản đầu tư” của chính quyền Mỹ.

Phát ngôn của JD Vance tại Munich không chỉ đơn thuần là một lời nhắc nhở đối với các quốc gia châu Âu mà còn là một lời khẳng định rõ ràng của chính quyền Trump về chiến lược "nước Mỹ trên hết". Trong khi đó, các lãnh đạo châu Âu, từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho đến Thủ tướng Đức Olaf Scholz, đều phản ứng với sự lo ngại và thậm chí bày tỏ sự bất mãn, cho rằng đây là dấu hiệu của sự giảm bớt cam kết từ phía Mỹ.

Sự chia rẽ này cũng không phải là điều quá bất ngờ khi xét đến sự khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề đối ngoại giữa chính quyền Trump và các chính quyền tiền nhiệm. Trong khi chính quyền Obama, luôn nhấn mạnh cam kết vững chắc với NATO và châu Âu, và chính quyền Biden cam kết hỗ trợ Ukraine mạnh mẽ, thì chính quyền Trump đang thay đổi hẳn cách tiếp cận của mình đối với các vấn đề quốc tế.

Một phiên họp kín của Hội nghị An ninh Munich, ngày 14/2/2025. Ảnh: AP.

Một phiên họp kín của Hội nghị An ninh Munich, ngày 14/2/2025. Ảnh: AP.

Trump 2.0 đang giảm bớt sự can thiệp và ủng hộ cho các quốc gia khác, bao gồm cả việc đóng cửa USAID – tổ chức tài trợ lớn nhất thế giới cho các quốc gia bên ngoài, chuyển hướng mạnh mẽ với các biện pháp "cắt giảm chi phí" trong quan hệ quốc tế.

Rõ ràng chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời chính quyền Trump 2.0, với trọng tâm là chiến lược "Nước Mỹ trên hết" và sự trỗi dậy của chủ nghĩa thực dụng, đang tác động sâu sắc đến diễn biến của cuộc chiến tại Ukraine cũng như tương lai quan hệ giữa Mỹ và châu Âu.

Hội nghị An ninh Munich là phép thử đầu tiên của Tổng thống Donald Trump với các chiến lược quan hệ quốc tế, đồng thời cho thấy Mỹ đang thay đổi mạnh mẽ trong các chính sách ngoại giao, một trật tự thế giới đa cực đang dần hình thành rõ nét, định hình lại cấu trúc và cán cân quyền lực toàn cầu cũng như vai trò của các cường quốc trong các mối quan hệ và ảnh hưởng địa chính trị.

Châu Âu – Từ đồng minh truyền thống tới quân cờ của nước Mỹ

Mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu luôn là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ sau Thế chiến II. Tuy nhiên, dưới thời Trump, và đặc biệt là trong bối cảnh hiện tại, mối quan hệ này đang dần trở nên căng thẳng và có các dấu hiệu rạn nứt. Trong khi Mỹ đang dần chuyển sang chiến lược đa cực, các quốc gia châu Âu, đặc biệt là các thành viên NATO, đang gặp phải những thử thách lớn, thậm chí đã xuất hiện các dấu hiệu rạn nứt và chia rẽ trong việc duy trì khối liên minh đoàn kết.

“Châu Âu cần phải tự lực cánh sinh hơn nữa, không thể chỉ dựa vào Mỹ để bảo vệ mình. Chúng ta phải có khả năng tự bảo vệ an ninh và lợi ích chiến lược của mình”

Angela Merkel (cựu Thủ tướng Đức).

Tại Hội nghị An ninh Munich 2025, các lãnh đạo châu Âu đã thẳng thắn bày tỏ sự lo ngại về chiến lược "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump. Trong khi Tổng thống Macron kêu gọi một "châu Âu tự chủ hơn trong vấn đề quốc phòng", Thủ tướng Scholz nhấn mạnh rằng NATO vẫn là nền tảng của an ninh châu Âu, thì thực tế, sự đoàn kết ngay trong nội bộ NATO đang gặp rất nhiều thử thách. Các quốc gia như Ba Lan, Latvia hay các quốc gia Đông Âu vẫn duy trì quan điểm ủng hộ mạnh mẽ Ukraine và thể hiện rõ mong muốn sự can thiệp của NATO vào cuộc chiến này. Trong khi các quốc gia Tây Âu như Đức và Pháp có phần thận trọng hơn.

“Chúng tôi tin rằng việc tạo dựng một châu Âu mạnh mẽ, độc lập về mặt chiến lược là một nhiệm vụ quan trọng trong tương lai. Mỹ đã có những điều chỉnh, và chúng ta không thể đứng yên”

Emmanuel Macron (Tổng thống Pháp).

Châu Âu đang đối diện với vấn đề nghiêm trọng. Liệu họ có thể duy trì sự phụ thuộc vào Mỹ trong một thế giới đa cực, nơi các cường quốc như Trung Quốc và Nga đang khẳng định vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu? Và liệu Mỹ có sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ khi những lợi ích chiến lược không còn rõ ràng như trước?

Với những gì đang diễn ra thực tế tại châu Âu trong thời gian diễn xung đột tại Ukraine trong vòng ba năm qua, các nhà quan sát đều có thể dễ dàng chung một nhận định: việc châu Âu tìm kiếm một vai trò độc lập trong trật tự thế giới hiện nay là một điều gần như không thể. Châu Âu đã quá phụ thuộc vào Mỹ trong suốt nhiều thập kỷ qua, và sự thay đổi này không chỉ đơn giản là một lựa chọn chiến lược, mà là một cuộc đấu tranh với chính những giá trị và lợi ích mà họ đã gắn bó quá lâu.

Một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu châu Âu có đủ sức mạnh và sự thống nhất để tự đứng vững hay không? Nếu châu Âu thực sự nghiêm túc với ý định trở thành một đối trọng độc lập, họ sẽ phải chấp nhận rủi ro lớn. Sự đổ vỡ trong quan hệ với Mỹ có thể không chỉ làm suy yếu an ninh châu Âu mà còn tạo ra những cơ hội không thể đảo ngược cho các cường quốc khác trong một sự chuyển đổi sang thế giới đa cực.

Chiến tranh Ukraine kết thúc sẽ mở ra một trật tự thế giới mới?

Cuộc chiến tại Ukraine kéo dài sẽ khiến Mỹ và Nga phải đối mặt với những thách thức lớn. Trong khi Mỹ đang muốn rũ bỏ gánh nặng vì phải bỏ ra rất nhiều nguồn lực để duy trì hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Zelensky, thì Nga lại đang cần tìm kiếm những giải pháp để giảm bớt tác động từ các biện pháp trừng phạt. Nhu cầu lợi ích của Mỹ và Nga đối với cuộc chiến này đang tiến lại nhau trong chiến lược đa cực hóa của Mỹ dưới thời Trump 2.0.

Cuộc chiến tại Ukraine kéo dài sẽ khiến Mỹ và Nga phải đối mặt với những thách thức lớn. Ảnh: Getty.

Cuộc chiến tại Ukraine kéo dài sẽ khiến Mỹ và Nga phải đối mặt với những thách thức lớn. Ảnh: Getty.

Vào ngày 18/2/2025, phái đoàn của Mỹ và Nga gặp nhau trong một cuộc đàm phán tại Arab Saudi, một cuộc đối thoại có thể thay đổi hoàn toàn cán cân quyền lực toàn cầu. Mặc dù các quốc gia phương Tây vẫn cho rằng việc chấm dứt chiến tranh mà không đạt được những điều kiện cụ thể từ Nga sẽ là một thất bại, nhưng chính quyền Trump lại có một quan điểm khác. Một thỏa thuận giữa Mỹ với Nga vể việc kết thúc chiến tranh tại Ukraine có thể mang lại lợi ích chiến lược lâu dài cho Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ đang muốn tập trung vào các vấn đề địa chính trị khác như Trung Quốc và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định: “Mỹ và phương Tây cần phải hiểu rằng, chúng tôi sẽ không đứng yên trước những bước đi đe dọa đến lợi ích của Nga. Ukraine là một vấn đề sống còn đối với chúng tôi”.

Trong khi đó, cố vấn quốc gia về an ninh của Tổng thống Trump khẳng định: “Mỹ sẽ chỉ can dự vào những vấn đề có lợi cho lợi ích quốc gia của mình, và chiến lược đối với Ukraine cần phải tính toán lại trong bối cảnh chiến lược toàn cầu.”

Phái đoàn Nga do Ngoại trưởng Sergei Lavrov dẫn đầu đến Saudi Arabia để đàm phán với Mỹ. Ảnh: Reuters.

Phái đoàn Nga do Ngoại trưởng Sergei Lavrov dẫn đầu đến Saudi Arabia để đàm phán với Mỹ. Ảnh: Reuters.

Phát ngôn từ các quan chức Mỹ và Nga trước cuộc đàm phán này cho thấy sự khéo léo trong việc tìm kiếm một thỏa thuận mà cả hai bên đều có thể chấp nhận. Mỹ muốn giảm bớt gánh nặng tài chính và quân sự, trong khi Nga cũng cần một lối thoát khỏi cuộc chiến để tránh những hậu quả kinh tế và quân sự lâu dài. Điều này sẽ đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, khi họ sẵn sàng hợp tác với một đối thủ cũ để đạt được các mục tiêu chiến lược.

Cuộc đàm phán giữa phái đoàn ngoại giao của Mỹ và Nga tại Arab Saudi vào ngày 18/2/2025 có thể sẽ tạo ra những bước ngoặt quan trọng trong việc giải quyết cuộc chiến Ukraine. Và kết quả của cuộc đàm phán này có thể sẽ trở thành một sự kiện đánh dấu sự chuyển đổi với tốc độ rất nhanh của trật tự thế giới sang trạng thái thái đa cực. Cùng với đó, rất nhiều chính sách quan hệ quốc tế, rất nhiều mặc định về trạng huống ổn định, hòa bình trong ổn định, phát triển trong ổn định của các khối liên minh liên kết hay những hiệp ước giữa các quốc gia, rất có thể tới đây sẽ chỉ còn tồn tại trong các sách giáo khoa về lịch sử.

Liệu rằng thế giới và các quốc gia đã thực sự sẵn sàng cho những chuyển biến mang tính bước ngoặt của lịch sử nhân loại này? Liệu sự thay đổi này có mang lại một trật tự thế giới mới tốt đẹp hơn? Có lẽ chỉ thời gian mới trả lời được.

Dương Minh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/my-quay-lung-voi-ukraine-chau-au-be-bang-truoc-chien-luoc-trump-20-303733.htm
Zalo