Mỹ phẩm giả tràn lan trên sàn thương mại điện tử - Bài 1: Nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe người tiêu dùng
Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Từ việc mua sắm quần áo, đồ gia dụng cho đến mỹ phẩm, mọi thứ đều trở nên dễ dàng hơn chỉ với vài cú click chuột. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi, nguy cơ tiềm ẩn từ những sản phẩm giả, kém chất lượng, đặc biệt là mỹ phẩm giả, ngày càng gia tăng, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Mua gì cũng có
Sự bùng nổ của các sàn TMĐT như Shopee, Lazada và sự phổ biến của mạng xã hội như Facebook, TikTok đã tạo ra một môi trường lý tưởng cho việc kinh doanh mỹ phẩm. Theo báo cáo từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), gần 75% người dùng internet tại Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến và mỹ phẩm là một trong những sản phẩm được tiêu thụ nhiều nhất.
Thống kê ghi nhận mới nhất, trong 6 tháng năm 2024, tổng doanh số ngành hàng làm đẹp trên các sàn TMĐT đã đạt 26.000 tỷ đồng, tăng hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng bán ra cũng đạt mức khủng, với 257 triệu sản phẩm mỹ phẩm được tiêu thụ trên toàn quốc. Đặc biệt, sàn TMĐT Shopee chiếm đến 80% doanh số, trở thành nền tảng được ưa chuộng nhất tại thị trường Việt Nam.
Điều này cho thấy, ngành mỹ phẩm đang chứng kiến sự gia tăng không ngừng nhờ vào khả năng tiếp cận sản phẩm dễ dàng trên các sàn TMĐT. Chỉ với vài cú click chuột, người tiêu dùng đã có thể đặt hàng và nhận sản phẩm tại nhà mà không cần ra ngoài. Sản phẩm thuộc phân khúc giá 100.000 - 200.000 đồng là loại được người tiêu dùng ưa chuộng nhất, chiếm 26,7% doanh số toàn ngành. Những phân khúc giá khác như dưới 100.000 đồng và trên 500.000 đồng đều ghi nhận doanh số ổn định trong khoảng 20% - 21%.
Tuy nhiên, chính sự dễ dàng trong việc mua bán mỹ phẩm trên các sàn TMĐT đã kéo theo nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Nhiều người mua đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như mua phải mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điều đáng lo ngại, việc đăng ký bán hàng trên các nền tảng TMĐT hiện nay vô cùng đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể trở thành người bán chỉ sau vài bước đăng ký mà không cần trải qua quá trình kiểm tra khắt khe về chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, những sản phẩm giả mạo các thương hiệu lớn thường xuất hiện trên các sàn TMĐT với giá cực rẻ và chiến lược khuyến mãi hấp dẫn như “xả kho,” “sale cuối tuần” hoặc “giảm giá đến 50%”. Nhiều người tiêu dùng đã bị lôi cuốn bởi mức giá rẻ với những đánh giá tích cực mà không kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc sản phẩm hoặc thông tin về giấy phép lưu hành, chứng nhận chất lượng. Do đó, người mua dễ bị rơi vào bẫy của những gian thương khi mua phải hàng kém chất lượng.
Trên thực tế, dù hiện nay các sàn TMĐT đều thực hiện chính sách đồng kiểm, nhưng việc kiểm tra vỏ bên ngoài cũng khó có thể nhận biết rõ, chỉ đến khi sử dụng thì người mua mới biết chất lượng không giống như hàng thật; hoặc thậm chí, có người không biết là hàng giả vì chưa từng sử dụng hàng thật. Ngoài ra, các sản phẩm mỹ phẩm giả cũng thường được “đội lốt” hàng xách tay từ nước ngoài, khiến người tiêu dùng khó phân biệt với hàng chính hãng. Đến khi bị dị ứng, kích ứng da, người dùng mới chỉ dám nghi ngờ và còn cho rằng, do cơ địa mỗi người khác nhau. Chính vì vậy, ít có người tố cáo, khiếu nại hay trả hàng khi “lỡ” mua phải mỹ phẩm kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả trên mạng xã hội hoặc các sàn TMĐT.
Lo ngại hơn, nhiều đối tượng gian lận đã lập ra các gian hàng ảo, thực hiện giao dịch giả và lợi dụng các chương trình khuyến mãi để chiếm đoạt tiền của người tiêu dùng. Điều này không chỉ gây thiệt hại về tài chính cho người mua, mà còn làm mất lòng tin của người tiêu dùng vào các nền tảng TMĐT.
Rủi ro từ mỹ phẩm giả
Mỹ phẩm là loại sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với da, đặc biệt là vùng mặt nhạy cảm, do đó việc sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Thời gian gần đây, đã có nhiều trường hợp người tiêu dùng gặp phải các biến chứng nặng nề sau khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, được quảng cáo tràn lan trên các sàn TMĐT và mạng xã hội.
Trường hợp của chị D.B.T.L., 28 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh là một điển hình. Theo đó, sau khi xem một livestream trên TikTok, chị đã đặt mua một “combo tái sinh làn da” với lời quảng cáo hứa hẹn sẽ xóa sạch tàn nhang, tái tạo làn da và trẻ hóa tức thì. Tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày sử dụng, da mặt chị L. bắt đầu sưng đỏ, ngứa ngáy và chảy dịch. Dù đã liên hệ với cửa hàng để yêu cầu hướng dẫn giải quyết, nhưng tình trạng của chị vẫn tiếp tục tồi tệ hơn. Kết quả là chị phải nhập viện điều trị nội trú do viêm da dị ứng kèm bội nhiễm vi khuẩn.
Trường hợp của chị L. chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân gặp phải biến chứng sau khi sử dụng mỹ phẩm giả. Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh, nhiều bệnh nhân đã tự mua các sản phẩm tẩy da hoặc kem dưỡng từ các gian hàng không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, dẫn đến tình trạng da bị bong tróc, mụn nước, nhiễm trùng và thậm chí có nguy cơ để lại sẹo vĩnh viễn.
Sự nguy hiểm từ việc sử dụng mỹ phẩm giả càng nghiêm trọng hơn khi nhiều sản phẩm trong số này chứa các hóa chất độc hại như thủy ngân, corticoid hoặc các chất tẩy mạnh. Những hóa chất này không chỉ gây tổn thương da ngay lập tức mà còn để lại hậu quả lâu dài như da mỏng dần, mất đi lớp bảo vệ tự nhiên dẫn đến nhiễm trùng và viêm da mãn tính. Với những sản phẩm chứa nồng độ hóa chất cao, việc sử dụng lâu dài có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe tổng thể của người dùng, không chỉ ở làn da mà còn ở các cơ quan khác trong cơ thể.
Điều đáng lo ngại, không phải lúc nào người tiêu dùng cũng có thể phát hiện ra mình đang sử dụng một sản phẩm kém chất lượng cho đến khi xảy ra biến chứng. Nhiều người chỉ nhận ra khi đã quá muộn và khi đó, việc điều trị có thể tốn kém và phức tạp hơn rất nhiều so với chi phí mua sản phẩm.
Trước những hiểm họa từ mỹ phẩm giả tràn lan trên các sàn TMĐT và mạng xã hội, các cơ quan chức năng cảnh báo, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác khi mua sắm trực tuyến, không nên dễ dàng bị cuốn hút bởi những quảng cáo hấp dẫn hay mức giá rẻ bất ngờ. Việc kiểm tra kỹ lưỡng thông tin sản phẩm như nguồn gốc, thành phần, giấy chứng nhận an toàn và giấy phép lưu hành là vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của bản thân.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên ưu tiên mua các sản phẩm mỹ phẩm từ các cửa hàng uy tín hoặc các đại lý phân phối chính hãng, tránh mua hàng từ những nguồn không rõ ràng. Ngoài ra, việc tham khảo ý kiến từ các chuyên gia hoặc bác sĩ da liễu trước khi sử dụng các sản phẩm mới cũng là một biện pháp giúp giảm thiểu rủi ro.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh mỹ phẩm giả và kém chất lượng đang tràn lan, không chỉ người tiêu dùng mà các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp quyết liệt hơn để kiểm soát thị trường. Cụ thể, cơ quan quản lý cần thắt chặt quy định về việc kinh doanh mỹ phẩm trên các sàn TMĐT, cũng như tăng cường công tác hậu kiểm và xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm. Chỉ có sự thận trọng từ cả người tiêu dùng lẫn cơ quan quản lý mới có thể hạn chế được nguy cơ từ mỹ phẩm giả và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Bài 2: Kiểm soát chặt từ cơ sở sản xuất đến kinh doanh