Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Syria
Bước đầu Mỹ tạm dừng các hạn chế đối với Syria trong các hoạt động nhân đạo, một động thái được coi là bước đi quan trọng hướng tới việc nới lỏng lệnh trừng phạt của phương Tây đối với quốc gia Tây Á sau hàng thập kỉ nội chiến.
Bộ Tài chính Mỹ vừa cấp một giấy phép chung có thời hạn 6 tháng, cho phép thực hiện một số giao dịch nhất định với chính phủ mới ở Syria, bao gồm một số giao dịch năng lượng và các giao dịch ngẫu nhiên.
Động thái này được thiết kế để cho phép viện trợ nhân đạo vào Syria, sau khi Mỹ nhận thấy một số tiến triển trong nỗ lực của Hayat Tahrir al-Sham (HTS), nhóm vũ trang đã lãnh đạo cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống al-Assad vào tháng trước và hiện đang lãnh đạo quá trình chuyển đổi của Syria.
Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ được đưa ra sau cuộc gặp tại Damascus giữa thủ lĩnh HTS, Ahmed al-Sharaa, người từng liên kết với al-Qaeda, với trợ lí Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Cận Đông, Barbara Leaf.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, mặc dù Washington chưa gỡ bỏ bất kì lệnh trừng phạt nào nhưng động thái sẽ đảm bảo khai thông cản trở các hoạt động đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân Syria, bao gồm việc cung cấp các dịch vụ công hoặc hỗ trợ nhân đạo.
“Trong giai đoạn chuyển tiếp này, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ viện trợ nhân đạo và tiến trình quản trị có trách nhiệm tại Syria.”. Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nói.
Mỹ cũng như Liên minh châu Âu, đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt đối với ông al-Assad và chính phủ của ông với cáo buộc tội ác chiến tranh và vi phạm nhân quyền.
Tuy nhiên, bất chấp việc chính quyền của Tổng thống al-Assad bị lật đổ, các lệnh trừng phạt vẫn được giữ nguyên.
Các quan chức châu Âu gần đây lưu ý, các lệnh trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi giới lãnh đạo mới ở Syria chứng tỏ họ sẽ bảo vệ các nhóm thiểu số và chia sẻ quyền lực.
Ngày 6/1, quyền Bộ trưởng Thương mại Syria Maher Khalil al-Hasan nhấn mạnh, Damascus không thể thực hiện các thỏa thuận nhập khẩu nhiên liệu, lúa mì và các mặt hàng thiết yếu khác do lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của Mỹ.
Ông al-Hasan nói rằng, chính quyền mới của Syria đã xoay xở để trữ đủ lúa mì và nhiên liệu cho vài tháng, nhưng đất nước này sẽ phải đối mặt với thảm họa nếu lệnh trừng phạt không sớm được dỡ bỏ.
Mỹ và LHQ từ lâu đã chỉ định HTS là một tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, Washington đã có những điều chỉnh kể từ khi chính quyền của ông al-Assad bị lật đổ, bao gồm cả việc dỡ bỏ treo thưởng 10 triệu đô la cho thông tin dẫn đến việc bắt giữ thủ lĩnh al-Sharaa.
Động thái là một dấu hiệu cho thấy đã có những thay đổi mạnh mẽ về quan điểm và cách “ứng xử” của Mỹ đối với HTS, cũng như với cá nhân thủ lĩnh của nhóm này al-Sharaa.
Ngày 10/12/2024, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nêu ra các tiêu chí cho quá trình chuyển đổi chính trị ở Syria, lưu ý, Washington sẽ công nhận một chính phủ Syria trong tương lai là một cơ quan quản trị đáng tin cậy, bao trùm và phi tôn giáo.
Trong khi một số nhà lập pháp ở Quốc hội Mỹ đang thúc đẩy chính quyền xem xét dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria, bao gồm các lệnh trừng phạt liên quan cụ thể đến HTS, để đổi lấy việc nhóm này đáp ứng một số yêu cầu nhất định của Washington.
Nhiều thành viên Quốc hội Mỹ tỏ rõ ý hướng rằng, cần phải hỗ trợ một chính phủ chuyển tiếp ở Syria kết nối với nền kinh tế toàn cầu và xây dựng lại đất nước bị tàn phá sau nhiều thập kỉ xung đột. Trong khi các lệnh trừng phạt của Washignton đang ngăn cản mục tiêu đó.
Trong một diễn biến tích cực khác cho chính quyền mới của Syria, các chuyến bay quốc tế đến quốc gia Tây Á đã được nối lại vào ngày 7/1.
Vào sáng 7/1, 2 chuyến bay đã khởi hành từ sân bay quốc tế Damascus đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Trong khi chuyến bay đầu tiên đến từ Qatar hạ cánh xuống Damascus vào trưa cùng ngày.
Tuần trước, hãng hàng không Qatar Airways thông báo sẽ nối lại các chuyến bay tới Damascus sau gần 13 năm gián đoạn, với tần suất trước mắt 3 chuyến mỗi tuần.