Mỹ nhập khẩu tôm Việt tăng tháng thứ 7 liên tiếp bất chấp rủi ro thuế quan
Trong 5 tháng đầu năm 2025, Mỹ đã nhập khẩu 340.955 tấn tôm, trị giá gần 2,84 tỷ USD, tăng lần lượt 15% và 24% so với cùng kỳ năm trước, theo VASEP. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp Mỹ gia tăng nhập khẩu mặt hàng này, bất chấp các bất ổn thuế quan dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, từ ngày 5/4/2025, Mỹ áp mức thuế đối ứng 10% đối với nhiều mặt hàng, bao gồm cả tôm, nhập khẩu từ hầu hết các nước. Tuy vậy, lượng tôm nhập vào Mỹ vẫn tăng mạnh, đặc biệt trong tháng 4 với mức tăng 38% về khối lượng và 47% về giá trị. Tháng 5, dù tốc độ tăng trưởng chững lại, Mỹ vẫn nhập 65.044 tấn tôm, đạt kim ngạch 538 triệu USD (tăng 2% về lượng và 11% về giá trị).
Đáng chú ý, hoạt động nhập khẩu được đẩy mạnh trước mốc ngày 9/7 – thời điểm dự kiến áp dụng thêm mức thuế theo từng quốc gia, có thể lên tới 36%. Riêng với Việt Nam, Tổng thống Trump tuyên bố trên mạng xã hội ngày 2/7 rằng hàng hóa từ Việt Nam sẽ chịu thuế suất 20%, trong khi hàng trung chuyển sẽ bị áp thuế 40%, dù hiện chưa có văn bản chính thức từ chính phủ Mỹ.

(Ảnh minh họa)
Xét theo chủng loại, tôm đông lạnh bóc vỏ vẫn là sản phẩm được Mỹ ưa chuộng nhất, với tổng lượng nhập khẩu trong 5 tháng đạt 173.209 tấn (tăng 21%). Trong tháng 5, dòng sản phẩm này đạt 35.357 tấn (tăng 13%). Tôm nấu chín và tôm ướp đạt 51.138 tấn (tăng 25%), nhưng tháng 5 tăng trưởng chững lại (+3%). Tôm nguyên vỏ biến động mạnh, sau khi tăng 52% trong tháng 4 thì lại giảm 12% trong tháng 5, còn 15.960 tấn. Riêng tôm tẩm bột nhập khẩu giảm 15% trong tháng 5.
VASEP nhận định xu hướng nhập khẩu tăng trong bối cảnh rủi ro thuế phản ánh sự chủ động "né thuế" của các quốc gia xuất khẩu, đồng thời thể hiện tâm lý phòng thủ của nhà nhập khẩu Mỹ trước các biến động chính sách và giá cả.
Trong số các quốc gia xuất khẩu tôm vào Mỹ, Ấn Độ vẫn dẫn đầu với 133.257 tấn (tăng 21%), theo sau là Ecuador với 95.133 tấn (tăng 11%). Indonesia cũng ghi nhận tăng trưởng 9% trong 5 tháng, dù riêng tháng 5 giảm 21%. Việt Nam chỉ đạt 21.140 tấn (tăng 4%), thậm chí giảm 4% trong tháng 5 so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, xét về giá trị, tôm Việt vẫn giữ lợi thế. Giá trung bình tôm Việt Nam tại Mỹ tháng 5 đạt 5,10 USD/pound – cao nhất trong nhóm các nước cung cấp chính. Điều này cho thấy vị thế cao cấp và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt.
Dù vậy, ngành tôm Việt Nam đang đối mặt đồng thời với ba rủi ro thuế quan lớn: thuế đối ứng (dự kiến 20%), thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD). Đáng chú ý, theo kết quả sơ bộ kỳ xem xét hành chính lần thứ 19 (POR19) công bố ngày 6/6, một số doanh nghiệp Việt Nam có thể chịu mức thuế AD lên tới hơn 35%, buộc họ phải trích lập dự phòng lớn cho các đơn hàng xuất sang Mỹ.
Ngoài ra, VASEP cũng cảnh báo tình hình dịch bệnh trong nuôi tôm đang đẩy chi phí sản xuất tại Việt Nam lên cao, làm giảm năng lực cạnh tranh.
Triển vọng cho nửa cuối năm 2025 vẫn phụ thuộc lớn vào kết quả đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, cũng như quyết định cuối cùng của DOC về các mức thuế. Nếu các mức thuế được giữ ở ngưỡng "chấp nhận được", cơ hội giữ vững thị phần tại thị trường Mỹ vẫn còn.
PV