Mỹ mở lối cho 'taxi bay'

Những người ủng hộ taxi bay cho đây là giải pháp thay thế 'sạch' đối với máy bay chở khách đốt nhiên liệu phản lực.

Các cơ quan quản lý liên bang tại Mỹ đã thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển taxi bay chạy bằng điện thông qua việc ban hành quy định cuối về việc vận hành máy bay và cách đào tạo phi công.

Cụ thể, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) mới đây đã hoàn thiện các quy tắc đào tạo toàn diện và cấp chứng chỉ phi công cho taxi bay. Động thái này giải quyết một rào cản quan trọng đối với việc triển khai máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng chạy bằng điện.

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) mới đây đã hoàn thiện các quy tắc đào tạo toàn diện và cấp chứng chỉ phi công cho taxi bay. Ảnh: Vertical Aerospace

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) mới đây đã hoàn thiện các quy tắc đào tạo toàn diện và cấp chứng chỉ phi công cho taxi bay. Ảnh: Vertical Aerospace

FAA gọi quy tắc này là "mảnh ghép cuối cùng trong câu đố để đưa những chiếc máy bay này vào hoạt động an toàn trong tương lai gần". Một số công ty hàng không hy vọng sẽ bắt đầu chở khách thương mại sớm nhất là vào năm 2025.

Máy bay đô thị tầm thấp hay còn gọi là eVTOL đã thu hút sự quan tâm lớn trên toàn cầu, với nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm này như Joby Aviation và Archer Aviation. Cổ phiếu Joby tăng 7% , trong khi Archer tăng 3% trong phiên giao dịch ngày 22/10.

FAA cho biết, "tiềm năng để sử dụng các dòng máy bay chuyên chở này rất lớn, từ vận chuyển hành khách ở khu vực đô thị và các hoạt động chặng ngắn như dịch vụ xe cứu thương hàng không và hoạt động vận chuyển hàng hóa cho đến khả năng phục vụ các cộng đồng quy mô nhỏ hơn theo thời gian".

Các hãng hàng không và doanh nghiệp khác đang xem xét phát triển các dịch vụ vận chuyển bằng máy bay chạy pin có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng để đưa hành khách đến sân bay hoặc các chuyến đi ngắn trong thành phố. Quyết định này cũng giúp hành khách tránh được tình trạng tắc đường trong giờ cao điểm.

Cựu quyền quản trị viên FAA Billy Nolen, hiện là giám đốc an ninh tại Archer, cho biết thông báo này là một cột mốc quan trọng đối với việc triển khai taxi bay. "Bây giờ chúng tôi đã có lộ trình", ông Billy Nolen khẳng định với Reuters.

Theo ông Mike Whitaker, quy định sẽ công nhận taxi bay là một loại máy bay hoàn toàn mới và sớm gia nhập cùng máy bay và trực thăng trên "thị trường" trên không.

Những chiếc máy bay này cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng, giống như trực thăng, nhưng bay như máy bay cánh cố định. Nhiều công ty đang nỗ lực đưa chúng ra thị trường, nhưng vẫn còn bị kìm hãm do thiếu các chế tài rõ ràng trong việc quản lý sử dụng máy bay.

Ông Whitaker cho biết FAA đang nhấn mạnh đến vấn đề an toàn khi nỗ lực đưa loại máy bay mới này vào không phận quốc gia. Theo đó, "máy bay nâng hạ bằng động cơ" là loại máy bay mới đầu tiên trong gần 80 năm, kể từ khi trực thăng ra đời và quy định này sẽ cho phép chúng được vận hành rộng rãi.

Những người ủng hộ taxi bay cho đây là giải pháp thay thế "sạch" cho máy bay chở khách đốt nhiên liệu phản lực. Tuy nhiên, với công nghệ hiện tại, kích cỡ của các chiếc máy bay chở khách này vẫn còn bị hạn chế và có khả năng sẽ được tối ưu hóa sử dụng ở các khu vực đô thị.

Một trong những công ty trong lĩnh vực mới này - Joby Aviation có trụ sở tại California, đã ca ngợi quy định FAA mới thông qua. Tổng giám đốc điều hành JoeBen Bevirt cho biết các quy định này "sẽ đảm bảo Mỹ tiếp tục đóng vai trò lãnh đạo toàn cầu trong việc phát triển và áp dụng chuyến bay sạch".

Các hãng hàng không hiện coi taxi bay là công cụ tiềm năng để chuyên chở hành khách đến các sân bay. Delta Air Lines cho biết vào năm 2022 sẽ đầu tư 60 triệu USD vào Joby, trong khi Toyota tháng này mới công bố khoản đầu tư 500 triệu USD. United Airlines đang phối hợp với một công ty khác có trụ sở tại California, Archer Aviation, với đơn đặt hàng 200 máy bay họ tiết lộ có thể trị giá 1 tỷ USD.

Liên Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/my-mo-loi-cho-taxi-bay.html
Zalo