Mỹ-Iran nối lại đàm phán hạt nhân sau thời gian dài gián đoạn

Ngày 12/4, Mỹ và Iran bắt đầu đàm phán hạt nhân tại Oman, đánh dấu cuộc đối thoại đầu tiên kể từ khi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran đổ vỡ vào năm 2018.

Dẫn đầu hai phái đoàn là Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi và Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff.

Cờ Iran và Mỹ trong cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna, Áo, ngày 14/7/2015. (Nguồn: Getty Images)

Cờ Iran và Mỹ trong cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna, Áo, ngày 14/7/2015. (Nguồn: Getty Images)

Theo phía Iran, cuộc đàm phán sẽ không diễn ra trực tiếp mà được trung gian bởi Oman. Tuy nhiên, Nhà Trắng lại gọi đây là một cuộc thảo luận trực tiếp.

Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố, Mỹ cần ghi nhận thiện chí của Tehran khi chấp nhận đối thoại, bất chấp những tuyên bố cứng rắn không ngừng từ Washington.

Iran nhấn mạnh mong muốn khôi phục Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và yêu cầu bổ sung điều khoản trừng phạt bất kỳ bên nào đơn phương rút khỏi thỏa thuận trong tương lai.

Về phía Mỹ, Washington yêu cầu Iran không chỉ hạn chế các hoạt động hạt nhân có thể phục vụ mục đích quân sự, mà còn phải tháo dỡ toàn bộ cơ sở hạt nhân hiện có. Ngoài ra, Mỹ yêu cầu Tehran chấm dứt hỗ trợ cho các lực lượng đồng minh trong khu vực và thu hẹp chương trình phát triển tên lửa đạn đạo.

Iran phản đối mạnh mẽ những yêu cầu này, cho rằng đó là "sự can thiệp vào chính sách đối ngoại và quyền tự vệ chính đáng của nước này". Tehran khẳng định quyền phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích dân sự.

Năm 2015, Iran cùng với Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ đã ký JCPOA, nhằm giải quyết khủng hoảng kéo dài từ năm 2002, sau khi phương Tây cáo buộc Iran theo đuổi vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, đến năm 2018, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt toàn bộ các lệnh trừng phạt.

Đáp lại, năm 2020, Iran tuyên bố thu hẹp cam kết trong khuôn khổ JCPOA và hạn chế quyền giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận này, diễn ra tại Vienna từ 2021 đến 2022, đã không đạt được kết quả cuối cùng.

Sau khi trở lại Nhà Trắng vào năm 2025, ông Trump ký sắc lệnh tái thực hiện chiến lược "gây sức ép tối đa" đối với Iran, thậm chí đe dọa hành động quân sự nếu Tehran không đồng ý với một thỏa thuận mới.

Ngày 7/3, Tổng thống Trump tuyên bố đã gửi thông điệp đến lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, đề nghị khởi động đàm phán về chương trình hạt nhân. Tehran từ chối đối thoại trực tiếp, nhưng chấp nhận các cuộc thảo luận thông qua bên trung gian.

Đáng chú ý, ngày 18/10 tới, các nước phương Tây có thể kích hoạt cơ chế khôi phục lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Iran. Trong trường hợp đó, Tehran tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), dù nước này hiện vẫn bị ràng buộc bởi sắc lệnh cấm phát triển vũ khí hạt nhân do ông Khamenei ban hành từ năm 2003.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/my-iran-noi-lai-dam-phan-hat-nhan-sau-thoi-gian-dai-gian-doan-16925041217585364.htm
Zalo