Mỹ hỗ trợ Việt Nam 3,25 triệu USD phát triển thương mại số
Hoạt động với tên gọi 'Hoạt động thương mại số Việt Nam' là một phần trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện được công bố trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng 9/2023.
Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam và Bộ Công thương vừa khởi động một hoạt động trị giá 3,25 triệu USD do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ nhằm thúc đẩy thương mại số thông qua ký kết một bản ghi nhớ giữa USAID và Bộ Công thương Việt Nam.
Với tên gọi “Hoạt động thương mại số Việt Nam”, đây là một phần trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện được công bố trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng 9 vừa qua.
Giám đốc quốc gia USAID tại Việt Nam Aler Grubbs cho biết: “Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, Tổng thống Biden đã nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc hỗ trợ Việt Nam tăng cường tính cạnh tranh trong nền kinh tế số toàn cầu. Biên bản ký với Bộ Công thương là hoạt động hợp tác đầu tiên được triển khai trong khuôn khổ quan hệ đối tác mới được nâng tầm giữa hai nước".
Biên bản ghi nhớ về hoạt động thương mại số tại Việt Nam được xây dựng và triển khai nhằm góp phần củng cố hệ sinh thái thương mại số của Việt Nam đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp hai nước, đồng thời nâng cao năng lực trong công tác xây dựng khung chính sách và pháp luật về thương mại số..
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng khẳng định: "Thúc đẩy hoạt động thương mại số là biện pháp cụ thể thực hiện chủ trương của Đảng về “phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”
Đồng thời, việc thực hiện chuyển đổi số và số hóa hoạt động thương mại sẽ tiếp tục mở rộng không gian tăng trưởng mới, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại xuyên biên giới và giúp Việt Nam tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu trong thời gian tới.
Trong ba năm tới, USAID sẽ hỗ trợ Bộ Công thương triển khai các khung chính sách tạo thuận lợi cho thương mại số với sự tham gia đóng góp ý kiến từ khu vực tư nhân, qua đó giúp hình thành một ngành thương mại điện tử, nơi các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể hưởng lợi.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được khuyến khích tham gia vào thương mại số bằng cách giới thiệu các mô hình kinh doanh mới và các thực tiễn tốt nhất. Chẳng hạn, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tạo điều kiện kết nối xuyên biên giới giữa các doanh nghiệp thông qua nền tảng xúc tiến thương mại số DECOBIZ của Bộ Công thương.
USAID cũng sẽ hỗ trợ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) thúc đẩy thương mại số trên cả nước, hướng đến các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các cộng đồng thiểu số nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm.
Hoạt động Thương mại số tại Việt Nam của USAID thúc đẩy Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) mà Việt Nam và Mỹ cùng nhau hợp tác để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và theo đuổi những quy tắc mang tính chuẩn mực cao của nền kinh tế số, nhằm thúc đầy tăng trưởng liên tục.