Mỹ hay Trung Quốc sẽ 'xuống nước' trước trong cuộc chiến thuế quan?

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - đang trong thế bế tắc sau khi cả Washington và Bắc Kinh phớt lờ những lời cảnh báo về thuế quan 'ăn miếng trả miếng'.

 Cả Washington và Bắc Kinh đều đang phớt lờ những lời cảnh báo về thuế quan "ăn miếng trả miếng". Ảnh: Reuters.

Cả Washington và Bắc Kinh đều đang phớt lờ những lời cảnh báo về thuế quan "ăn miếng trả miếng". Ảnh: Reuters.

Hôm 2/4, Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế đối ứng với các đối tác thương mại mà ông cho rằng "đang lợi dụng" Mỹ. Trong đó, Trung Quốc bị áp mức 34%. Con số này cộng dồn với thuế 20% với mọi hàng hóa Trung Quốc do Nhà Trắng công bố trước đó, nâng hàng rào thuế quan lên 54%.

Bắc Kinh nhanh chóng đáp trả ngược lại, thêm 34% với hàng hóa Mỹ. Ngày 7/4, ông Trump đe dọa áp chồng thêm 50% nếu Trung Quốc không gỡ bỏ quyết định trước ngày 8/4. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt xác nhận Mỹ sẽ bắt đầu thu thuế 104% với Trung Quốc từ ngày 9/4 do Bắc Kinh không thực hiện theo yêu cầu.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định "kiên quyết phản đối" lời đe dọa. "Lời đe dọa tăng thuế với Trung Quốc của Mỹ là sai lầm chồng chất sai lầm", Straits Times dẫn tuyên bố cho hay. "Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận. Nếu Mỹ khăng khăng theo cách của riêng mình, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng".

Ngay ngày 9/4, Bắc Kinh thông báo nâng mức thuế đối với hàng hóa Mỹ lên 84%, áp dụng luôn từ 10/4. Sau đó, trên nền tảng Truth Social, ông Trump tuyên bố sẽ hoãn thuế có đi có lại trong 90 ngày cho hầu hết quốc gia. Song, Trung Quốc không nằm trong danh sách này. Thuế quan với hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ tăng lên tới 125% và "có hiệu lực ngay lập tức".

Không ai chịu ai

Giáo sư Dennis Wilder - thành viên cấp cao của Sáng kiến Đối thoại Mỹ - Trung về các Vấn đề Toàn cầu tại Đại học Georgetown - nhận định cuộc chiến thương mại "đích thực" đang ở ngay trong tầm mắt. Và cả ông Trump lẫn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có ý định lùi bước trước.

"Cả hai người đều nhận thấy quyền lãnh đạo đi đầu của họ đang bị đối phương công khai thách thức", giáo sư Wilder nói. "Ông Trump khăng khăng ông Tập phải nói chuyện trực tiếp với mình trước khi khởi động đàm phán thương mại. Ông Tập lại cực kỳ cảnh giác trước yêu cầu này vì ông Trump kể từ khi nhậm chức tỏ ra thiếu tôn trọng với các nhà lãnh đạo khác".

"Bắc Kinh cũng lo ngại ông Trump sẽ tiết lộ cuộc gặp theo cách thiên vị và bóp méo sự thật trên mạng xã hội Truth Social", ông nói thêm.

 Chuyên gia nhận định cả lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều không có ý định lùi bước trước để hạ nhiệt căng thẳng. Ảnh: Reuters.

Chuyên gia nhận định cả lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều không có ý định lùi bước trước để hạ nhiệt căng thẳng. Ảnh: Reuters.

Bà Wendy Cutler - Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á - cho biết ý định muốn leo thang chiến tranh thương mại của ông Trump rất rõ ràng.

"Những diễn biến này phản ánh chiến thuật của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, khi thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc tăng vọt sau loạt động thái ăn miếng trả miếng", bà nhấn mạnh. "Mặc dù thỏa thuận Giai đoạn I đóng vai trò quan trọng trong việc đóng băng, và thậm chí giảm thuế trong một số trường hợp, triển vọng về chiến lược đàm phán trong thời kỳ Trump 2.0 có vẻ phức tạp theo từng ngày".

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc, từ mức 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa vào tháng 7/2018, sau đó leo thang lên hơn 550 tỷ USD vào năm 2019 với mức chủ yếu là 25%.

Trung Quốc trả đũa bằng cách áp thuế với 185 tỷ USD hàng hóa Mỹ, nhắm vào các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành và thịt lợn, cũng như các sản phẩm công nghiệp như ôtô và hóa chất. Nước này cũng hạn chế xuất khẩu khoáng chất đất hiếm quan trọng với ngành công nghiệp quốc phòng và năng lượng sạch.

Vào tháng 1/2020, hai bên đạt được thỏa thuận "Giai đoạn một", trong đó Bắc Kinh cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ và cải thiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc cuối cùng không đạt được mục tiêu mua sắm. Còn các vấn đề mang tính cấu trúc như cáo buộc Trung Quốc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ vẫn chưa được giải quyết.

Như "sàn đấu vật sumo"

Người dân cả hai quốc gia đều chịu tổn hại. Người tiêu dùng Mỹ đối mặt với chi phí cao hơn và nông dân cần tới 28 tỷ USD tiền cứu trợ. Trong khi đó, Trung Quốc giảm thiểu tác động thông qua các biện pháp kích thích trong nước và chuyển hướng thương mại.

Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, còn căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn ở mức cao và kéo dài sang cả chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden.

Nhưng Trung Quốc sẽ không "xuống nước" trước trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump.

Ông William Reinsch - thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - cho biết hiện tại vẫn chưa rõ liệu ông Trump có thực sự thực hiện những lời đe dọa hay không. Dường như Bắc Kinh đang "thử" đợi xem ông Trump có hành động.

"Chuyện này khiến tôi liên tưởng đến đấu vật sumo - hai gã khổng lồ cố gắng đẩy đối phương ra khỏi sàn đấu", ông nói.

Ông Reinsch nhận thấy phản ứng của Bộ Thương mại Trung Quốc không nằm ngoài dự đoán.

"Họ vẫn thường nói vậy, có khả năng để thách thức ông Trump. Tôi đoán nước cờ tiếp theo của Nhà Trắng sẽ là hoặc áp thêm thuế, hoặc không. Nếu ông Trump làm thật, chúng ta sẽ xem Trung Quốc ra sao", vị chuyên gia nhận định.

Trí Ân

Nguồn Znews: https://znews.vn/my-hay-trung-quoc-se-xuong-nuoc-truoc-trong-cuoc-chien-thue-quan-post1544494.html
Zalo