Mỹ dự chi gần 1.000 tỷ USD để duy trì và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân

Mỹ dự kiến chi gần 1.000 tỷ USD trong thập kỷ tới để duy trì và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân, nhằm bảo đảm ưu thế chiến lược và khả năng răn đe toàn cầu trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ (CBO) mới đây công bố báo cáo dự báo chi phí lực lượng hạt nhân giai đoạn 2025–2034, theo đó Washington dự kiến chi gần 1.000 tỷ USD - cụ thể là 946 tỷ USD - nhằm duy trì và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân.

Trung bình mỗi năm, chính phủ Mỹ sẽ phân bổ khoảng 95 tỷ USD cho chương trình này. So với dự báo trước đó cho giai đoạn 2023–2031, con số hiện tại đã tăng thêm 190 tỷ USD. Cao điểm của chi tiêu dự kiến sẽ diễn ra trong thập niên 2030, chủ yếu do việc phát triển và triển khai tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới LGM-35A Sentinel, nhằm thay thế hệ thống Minuteman III hiện nay.

Báo cáo cũng đưa ra phân bổ chi tiết cho khoản chi tiêu dự kiến. Trong tổng số 946 tỷ USD, có 454 tỷ USD được dành cho vũ khí hạt nhân chiến lược, bao gồm: 228 tỷ USD cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM); 140 tỷ USD cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM); 65 tỷ USD cho các máy bay ném bom chiến lược; 21 tỷ USD cho các hệ thống và hoạt động khác.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật chỉ chiếm một phần nhỏ, với 15 tỷ USD, nhằm hỗ trợ cho các quả bom trọng lực trang bị cho máy bay F-35 và phát triển tên lửa hành trình phóng từ biển mang đầu đạn hạt nhân (SLCM-N).

Ngoài ra, 154 tỷ USD được phân bổ cho hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc và cảnh báo sớm (NC3). Các phòng thí nghiệm hạt nhân và các hoạt động hỗ trợ, bao gồm việc bảo trì đầu đạn, sẽ nhận được 193 tỷ USD. Một khoản dự phòng trị giá 129 tỷ USD được dành cho các chi phí phát sinh và vượt ngân sách.

Trident II D5 (hay còn gọi là UGM-133A) là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm do tập đoàn Lockheed Martin nghiên cứu và phát triển từ năm 1983. Ảnh: Defence Express

Trident II D5 (hay còn gọi là UGM-133A) là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm do tập đoàn Lockheed Martin nghiên cứu và phát triển từ năm 1983. Ảnh: Defence Express

Báo cáo cũng phân loại chi tiêu theo chức năng. Trong tổng số 946 tỷ USD có 357 tỷ USD (44%) được sử dụng để vận hành và duy trì các lực lượng hạt nhân hiện có và tương lai cùng hệ thống hạ tầng hỗ trợ, chiếm tỷ trọng lớn nhất; 309 tỷ USD (38%) được chi cho việc hiện đại hóa các đầu đạn và phương tiện mang; 79 tỷ USD (10%) dành cho việc nâng cấp hệ thống NC3 và hệ thống cảnh báo sớm; 72 tỷ USD (9%) dùng để hiện đại hóa các tổ hợp vũ khí hạt nhân và cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm.

Tính đến năm 2024, Mỹ được ước tính sở hữu khoảng 3.700 đầu đạn hạt nhân, trong đó khoảng 1.770 đầu đạn chiến lược đã được triển khai. Các đầu đạn này được phân bố trên 400 tên lửa Minuteman III đặt trong hầm phóng cố định, 294 tên lửa Trident II SLBM bố trí trên tàu ngầm, cùng với các tên lửa hành trình và bom trọng lực triển khai bằng đường không.

Mặc dù là nước đứng thứ 2 về sở hữu số lượng vũ khí hạt nhân nhưng Mỹ lại là nước có kho vũ khí đắt đỏ nhất thế giới. Quy mô chi tiêu này phản ánh nỗ lực duy trì ưu thế chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gia tăng, đồng thời báo hiệu những thách thức tài chính lớn lao mà nước Mỹ sẽ phải đối mặt trong thập niên tới.

Giang Bùi/VOV.VN (biên dịch) Theo: Defence Express

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/my-du-chi-gan-1000-ty-usd-de-duy-tri-va-hien-dai-hoa-luc-luong-hat-nhan-post1195162.vov
Zalo