Mỹ đề xuất thỏa thuận với Israel: Không tấn công các mục tiêu của Iran để đổi lấy viện trợ

Mỹ đang nỗ lực đạt được thỏa thuận với Israel nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công trả đũa vào Iran sau vụ tấn công ngày 1/10 của Tehran. Đổi lại, Israel sẽ nhận được viện trợ quân sự bổ sung và hỗ trợ ngoại giao.

Các tên lửa phóng từ Iran bị hệ thống phòng không Israel đánh chặn trên bầu trời Jerusalem ngày 1/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Các tên lửa phóng từ Iran bị hệ thống phòng không Israel đánh chặn trên bầu trời Jerusalem ngày 1/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Những nỗ lực ngoại giao gần đây của Mỹ đã tập trung vào việc đề xuất một thỏa thuận với Israel nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công trả đũa vào Iran. Đài phát thanh Israel Kan đưa tin rằng Nhà Trắng đang nỗ lực đạt được thỏa thuận với Israel để nước này không tấn công các mục tiêu của Iran nhằm đáp trả vụ phóng gần 200 tên lửa của Tehran vào ngày 1/10.

Đổi lại, Mỹ đề nghị Israel một gói viện trợ bổ sung bao gồm viện trợ quân sự và hỗ trợ ngoại giao. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán kéo dài nhiều ngày mà vẫn chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng giữa các bên. Giới phân tích cho rằng Mỹ đang cố gắng ngăn chặn leo thang căng thẳng ở Trung Đông, đặc biệt là khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.

Theo hãng thông tấn AP, từ ngày 7/10/2023 đến 7/10/2024, Mỹ đã cung cấp cho Israel 17,9 tỷ USD viện trợ quân sự. Gói viện trợ này bao gồm tài trợ trực tiếp, thiết bị quân sự như đạn pháo, tên lửa phá boongke và đạn dược. Đây là một phần trong nỗ lực củng cố quan hệ đồng minh giữa Washington và Tel Aviv, đồng thời giúp Israel đối phó với các mối đe dọa an ninh từ khu vực.

Một trong những lý do chính khiến Mỹ hối thúc Israel không tấn công các mục tiêu chiến lược của Iran là để tránh nguy cơ leo thang không kiểm soát được. Nhà nghiên cứu cao cấp Nikolay Surkov tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông cho biết, một cuộc tấn công trả đũa từ Israel có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Iran có thể phản ứng bằng cách đóng cửa eo biển Hormuz, tuyến đường quan trọng đối với thương mại dầu khí toàn cầu. Điều này sẽ gây ra những tác động lớn đến thị trường dầu mỏ thế giới, mà không cần đến các cuộc tấn công trực tiếp từ Tehran.

Ngoài những lo ngại về kinh tế và an ninh khu vực, leo thang căng thẳng ở Trung Đông sẽ có tác động tiêu cực đến chiến dịch tranh cử tổng thống sắp tới của đảng Dân chủ tại Mỹ. Một cuộc khủng hoảng lớn tại Trung Đông sẽ khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với lời chỉ trích mạnh mẽ về việc thất bại trong chính sách đối ngoại. Chuyên gia Surkov nêu rõ: "Một cuộc khủng hoảng lớn ở Trung Đông không phải là điều mà chính quyền Mỹ cần. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024".

Tuy nhiên, chuyên gia Surkov cũng nhấn mạnh rằng dù Mỹ đang cố gắng ngăn chặn căng thẳng, Israel vẫn có thể tự quyết định hành động của mình, đặc biệt là khi đảng Dân chủ cần sự ủng hộ từ cử tri Do Thái tại các bang quan trọng trong cuộc bầu cử. Do đó, khả năng Washington gây áp lực mạnh mẽ lên Tel Aviv là rất thấp.

Về phần mình, chuyên gia Kirill Semenov tại Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga cũng nhận định rằng, dù Mỹ đang kêu gọi Israel kiềm chế, không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Một sự leo thang căng thẳng do các hành động quân sự của Israel có thể gây ra những tác động tiêu cực trong bối cảnh chính trị tại Mỹ, đặc biệt là trong giai đoạn nhạy cảm của cuộc bầu cử tổng thống. Các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nếu tình hình Trung Đông vượt ngoài tầm kiểm soát.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo TASS)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-de-xuat-thoa-thuan-voi-israel-khong-tan-cong-cac-muc-tieu-cua-iran-de-doi-lay-vien-tro-20241009233702405.htm
Zalo