Mỹ chuẩn bị rút quân khỏi một số căn cứ ở Iraq

Mỹ vừa công bố việc đạt được thỏa thuận với Chính phủ Iraq để kết thúc nhiệm vụ quân sự của liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu ở Iraq. Theo đó, Mỹ sẽ rút quân khỏi một số căn cứ ở Iraq mà họ đã hiện diện suốt 2 thập kỷ qua.

Lực lượng an ninh Iraq dỡ hàng viện trợ nhân đạo tại sân bay quân sự gần Baghdad, ngày 24/1. (Ảnh: AP)

Lực lượng an ninh Iraq dỡ hàng viện trợ nhân đạo tại sân bay quân sự gần Baghdad, ngày 24/1. (Ảnh: AP)

Chính quyền của Tổng thống Biden từ chối cung cấp thông tin chi tiết, rằng bao nhiêu trong tổng số khoảng 2.500 lính Mỹ sẽ trở về, hay thỏa thuận này có phải dẫn đến việc Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi Iraq hay không.

Thông báo này được đưa ra vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm ở Trung Đông, khi xung đột leo thang giữa Israel và hai lực lượng thân Iran ở Li-băng và Dải Gaza, đe dọa mở rộng thành một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn.

Các căn cứ là nơi binh lính và nhân viên của lực lượng Mỹ làm việc thường xuyên trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng dân quân thân Iran trong mấy năm qua, và số vụ tấn công gia tăng từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra gần 1 năm trước.

Trong nhiều năm, các quan chức Iraq nhiều lần kêu gọi lực lượng liên minh rút quân khỏi nước này.

Trong giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận mới, kéo dài đến tháng 9/2025, nhiệm vụ của liên minh chống lại lực lượng khủng bố IS sẽ kết thúc và liên quân sẽ rời khỏi một số căn cứ.

Sau cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới đây, lực lượng Mỹ sẽ bắt đầu khởi hành từ căn cứ không quân Ain al-Asad ở miền Tây Iraq và từ sân bay quốc tế Baghdad, các quan chức Chính phủ Iraq nói với hãng tin AP. Lực lượng này sẽ được chuyển đến căn cứ Hareer ở Erbil, thuộc khu vực Kurdistan, phía bắc Iraq.

Trong giai đoạn thứ hai, Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động đến năm 2026 để hỗ trợ các hoạt động chống IS ở Syria, một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và một quan chức quốc phòng cấp cao cho biết.

Cuối cùng, sứ mệnh quân sự của Mỹ sẽ chuyển sang mối quan hệ an ninh song phương. Chưa rõ điều này có ý nghĩa gì đối với số lượng lính Mỹ ở lại Iraq trong tương lai.

Mỹ đưa quân tấn công Iraq vào tháng 3/2003, tàn phá nhiều khu vực rộng lớn của quốc gia này và mở đường cho bộ binh Mỹ tập trung về Baghdad. Cuộc xâm lược dựa trên những tuyên bố sai sự thật, rằng nhà lãnh đạo Saddam Hussein thời điểm đó đang giấu vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng kết quả là không có vũ khí nào như vậy được tìm thấy.

Năm 2014, sự trỗi dậy của lực lượng khủng bố IS ở Iraq và Syria dẫn đến việc Mỹ và các đối tác quay lại Iraq theo lời mời của chính phủ nước này, để giúp xây dựng và đào tạo lại các đơn vị cảnh sát và quân đội đã tan rã.

Sau khi IS mất quyền kiểm soát lãnh thổ, các hoạt động quân sự của liên minh kết thúc năm 2021.

Hiện, có khoảng 2.500 binh sĩ ở lại Iraq để huấn luyện và tiến hành các hoạt động hợp tác chống IS với quân đội Iraq.

Mỹ duy trì hiện diện đó để gây áp lực cho các lực lượng dân quân thân Iran ở Iraq và Syria. Sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở Iraq cũng khiến Iran gặp khó khăn hơn trong việc chuyển vũ khí qua Iraq và Syria vào Li-băng để hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm của họ, bao gồm Hezbollah.

Bình Giang

Theo AP

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/my-chuan-bi-rut-quan-khoi-mot-so-can-cu-o-iraq-post1677292.tpo
Zalo