Mỹ: Chính sách kinh tế sẽ thay đổi toàn diện
Ngày 6/11, ông Donald Trump tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024. Theo đó, các đề xuất chính sách của ông gần như đảo ngược chính sách của chính quyền hiện tại có thể sẽ sớm được thực thi.
Ông Donald Trump sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2025, bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai giữ cương vị chủ nhân Nhà Trắng, sau nhiệm kỳ 2016 - 2020.
Không chỉ người của Đảng Cộng hòa sẽ giữ vị trí cao nhất trong chính quyền, mà đảng này còn giành lại quyền kiểm soát Thượng viện, qua đó thúc đẩy triển vọng cắt giảm thuế toàn diện, bao gồm giảm thuế doanh nghiệp từ 21% xuống 15%, giúp đồng USD tăng vọt.
Ngược lại, khi kết quả cuộc bầu cử Thống thống Mỹ 2024 ngã ngũ, đồng Euro ngay lập tức giảm 2% so với USD và được ghi nhận là ngày tồi tệ nhất của tiền chung châu Âu trong hơn 4 năm qua.
Cùng với đó, chỉ số cổ phiếu ngành ô tô châu Âu (Stoxx Europe 600 Automobiles) giảm điểm mạnh nhất phiên 6/11, trong đó cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô Đức như BMW giảm gần 7%, Mercedes-Benz giảm 6,4%.
Cổ phiếu ngành năng lượng tái tạo cũng lao dốc, bao gồm các doanh nghiệp như Vestas Wind Systems, Orsted, EDP, mức giảm tới 11%, do lo ngại chính quyền mới của Mỹ có thể tạm dừng phê duyệt các dự án mới.
Theo ông Frederique Carrier, Trưởng bộ phận Chiến lược đầu tư tại RBC Wealth Management, về dài hạn, châu Âu sẽ được hưởng lợi từ đồng USD mạnh hơn, nhưng tác động từ chính sách thuế quan mới dự kiến sẽ được ban hành sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ đang là mối lo ngại lớn nhất.
Giới phân tích đánh giá, các đề xuất ông Trump mạnh tay hơn rất nhiều so với bà Kamala Harris. Trong khi bà Harris ưu tiên các thay đổi nhỏ, thì ông Trump gần như sẽ đảo ngược các chính sách của chính quyền hiện tại.
Trong đó, việc ông Trump đề xuất áp mức thuế 10% lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ châu Âu có thể ảnh hưởng đến giao dịch thương mại của Mỹ với EU, đặc biệt là Đức và Ý - hai nước có giá trị xuất khẩu sang Mỹ lớn nhất năm 2023, chủ yếu là xe hơi, máy móc, phụ tùng. Với hàng hóa từ Trung Quốc, ông Trump muốn áp thuế ở mức 60%.
Ông Trump cho rằng, việc đánh thuế từ 10 - 20% lên hàng hóa sản xuất ngoài Mỹ khiến giá thành các sản phẩm nhập khẩu tăng cao, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất về Mỹ.
Riêng với Mexico, các hãng xe có nhà máy sản xuất tại đây khi bán sản phẩm sang Mỹ cần bị áp thuế lên tới 200%. Mục tiêu của ông Trump là thu hút các nhà máy quay trở lại đất Mỹ, tạo thêm công ăn việc làm và giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.
Không ít nhà kinh tế lo ngại, ông Trump áp thuế nhập khẩu với toàn bộ hàng hóa vào Mỹ sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025 - 2029 có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại mới, tạo ra một chu kỳ căng thẳng leo thang gây hại cho nền kinh tế của các bên liên quan.
Ngoài ra, chủ trương giảm thuế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước của ông Trump có thể làm dấy lên lo ngại lạm phát sẽ tăng, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất chậm lại so với kỳ vọng của thị trường từ hồi tháng 9/2024.
Thị trường kỳ vọng rằng, với lạm phát được kiểm soát ở mức 2 - 2,3% và tỷ lệ thất nghiệp 4,2 - 4,4%, Fed sẽ cắt giảm lãi suất theo lộ trình như trong biên bản cuộc họp tháng 9. Lãi suất được kỳ vọng giảm thêm 0,5% trong quý IV/2024 (thực tế đã giảm 0,25% vào ngày 6/11) và 1% trong năm 2025.
Trong tháng 10, khi tỷ lệ dự báo ông Trump đắc cử tăng, chỉ số DXY đại diện cho sức mạnh đồng USD đã tăng gần 3,3%, giá hợp đồng tương lai vàng tăng 5,5%, lập đỉnh mới và các dự báo về lộ trình giảm lãi suất trong năm 2025 của Fed được giãn ra.
Với thị trường chứng khoán, việc tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu sẽ khiến cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng, tập trung vào các tập đoàn đa quốc gia phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài. Ngân hàng Đầu tư UBS dự báo, thuế nhập khẩu 10% nếu được áp dụng có thể dẫn tới chỉ số S&P 500 giảm 10% trong năm tới.