Mỹ bắt đầu Chương trình cho thuê thềm lục địa khai thác dầu khí
Bộ Nội vụ Mỹ (DOI) vừa công bố kế hoạch khởi động Chương trình cho thuê thềm lục địa quốc gia để khai thác dầu khí ngoài khơi lần thứ 11, theo thông báo đăng tải trên website chính thức.

Một cơ sở dầu khí ngoài khơi nước Mỹ. Ảnh AFP
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mỹ Doug Burgum đã giao cho Cục Quản lý Năng lượng Đại dương (BOEM) tiến hành bước đầu trong quá trình tham vấn công chúng, nhằm xây dựng kế hoạch mới cho các đợt đấu giá quyền khai thác dầu khí ngoài khơi tại Mỹ.
Sắp tới, BOEM sẽ công bố một văn bản có tên “Yêu cầu cung cấp thông tin và ý kiến” trên Công báo Liên bang. Văn bản này mở ra giai đoạn lấy ý kiến công khai kéo dài 45 ngày, là bước đầu tiên trong quá trình lập kế hoạch kéo dài nhiều năm cho chương trình thuê lần thứ 11.
Theo quy định trong Đạo luật Đất đai Thềm Lục địa Ngoài khơi, Bộ Nội vụ có trách nhiệm tham khảo ý kiến của các bên liên quan và các đối tượng bị ảnh hưởng khi xây dựng chương trình quốc gia. DOI nhấn mạnh rằng quá trình tham vấn này là bắt buộc và mang tính nền tảng.
Khi hoàn thiện, Chương trình lần thứ 11 sẽ thay thế chương trình hiện hành (giai đoạn 2024–2029), vốn chỉ bao gồm 3 đợt đấu giá trong vòng 5 năm và tất cả đều diễn ra tại Vịnh Mexico.
Thông báo cũng cho biết thêm, trong khi BOEM vẫn đang hoàn tất các phiên đấu giá thuộc chương trình hiện tại, thì quá trình xây dựng chương trình mới vẫn sẽ được triển khai song song.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ lưu ý rằng tài liệu “yêu cầu thông tin” lần này chưa bao gồm lịch đấu giá cụ thể, cũng chưa xác định cụ thể các khu vực sẽ đưa vào chương trình.
“Thay vào đó, chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến từ các bên liên quan về cơ hội khai thác, các mối bận tâm, cũng như những hoạt động có khả năng bị ảnh hưởng bởi việc khai thác ngoài khơi”, DOI cho biết.
Đáng chú ý, BOEM cũng vừa có một số thay đổi trong phạm vi quản lý thềm lục địa ngoài khơi. Cụ thể, một khu vực lập kế hoạch mới ở vùng Bắc Cực Cao ngoài khơi Alaska vừa được thành lập, nâng tổng số khu vực lập kế hoạch thuộc thềm lục địa ngoài khơi lên 27 khu vực.
Ngoài ra, ranh giới của một số khu vực lập kế hoạch hiện có cũng đang được điều chỉnh để phù hợp với quyền hạn mới của BOEM.
Trong thông cáo báo chí mới nhất, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mỹ Doug Burgum khẳng định việc khởi động Chương trình cho thuê khai thác dầu khí ngoài khơi quốc gia lần thứ 11 là một bước đi mạnh mẽ nhằm củng cố vị thế dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng.
Bộ này mô tả thềm lục địa ngoài khơi (OCS) là “một nguồn tài nguyên quốc gia thiết yếu”. Tính đến ngày 1/4/2025, BOEM đang giám sát 2.227 hợp đồng thuê khai thác dầu khí còn hiệu lực, với tổng diện tích khoảng 12,1 triệu mẫu Anh tại các vùng OCS. Trong số này, 469 hợp đồng đang trong giai đoạn khai thác thực tế.
DOI nhấn mạnh: “Những hợp đồng này không chỉ mang lại hàng tỷ USD cho ngân sách liên bang và các bang, mà còn tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho người dân Mỹ”.
Riêng trong năm tài khóa 2024, sản lượng dầu khai thác từ các hợp đồng OCS chiếm khoảng 14% sản lượng dầu nội địa và 2% sản lượng khí đốt của Mỹ, góp phần đem về 7 tỷ USD cho ngân sách liên bang, theo thông cáo.
Bộ Nội vụ cũng vừa công bố một cập nhật đáng chú ý: Trữ lượng dầu khí tại thềm lục địa ngoài khơi Vịnh Mexico đã tăng đáng kể theo ước tính mới.
Trước đó, trong một tuyên bố khác được công bố đầu tháng này, Bộ trưởng Burgum đã yêu cầu BOEM tổ chức đợt đấu giá tiếp theo cho quyền khai thác dầu khí tại Vịnh Mexico, dự kiến sẽ công bố bản dự thảo thông báo đấu giá vào tháng 6/2025.
Phản hồi về thông tin này, ông Erik Milito, Chủ tịch Hiệp hội Các ngành công nghiệp đại dương quốc gia Mỹ (NOIA), phát biểu trong thông cáo gửi cho AFP vào thứ Sáu tuần trước: “Chúng tôi hoan nghênh Bộ trưởng Burgum và chính quyền, vì đã có bước đi kịp thời và dứt khoát để bắt đầu chương trình cho thuê dầu khí ngoài khơi lần thứ 11”.
Ông Milito nhấn mạnh vai trò quan trọng của Vịnh Mexico và các khu vực ngoài khơi khác: “Khu vực này đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định cho đất nước, đóng góp gần 33 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Mỹ, tạo ra gần 400.000 việc làm và góp phần củng cố an ninh năng lượng quốc gia”.
Ông cũng cho biết thêm: “Chúng tôi mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nhà hoạch định chính sách, để thúc đẩy tiến trình này và hướng tới một tương lai năng lượng vững mạnh, ổn định cho toàn thể người dân Mỹ”.