Mỹ báo động căn cứ quân sự Trung Quốc rải khắp thế giới
Mỹ ngày càng lo ngại quân đội Trung Quốc lập các căn cứ tiếp viện quân sự trên toàn cầu, thông qua dự án đầu tư Vành đai - Con đường (BRI) nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng.
Trung Quốc còn được cho là xây các căn cứ để cải thiện khả năng triển khai quân đội bảo vệ các tuyến hàng hải, cũng như sẵn sàng chiến đấu.
Trung Quốc đa dạng hóa chiến lược lập căn cứ ở nước ngoài
Trong báo cáo hằng năm công bố tháng 12.2020, Ủy ban An ninh và kinh tế Mỹ - Trung (USCC, một bộ phận tư vấn của Quốc hội Mỹ) viết quân đội Trung Quốc (PLA) trong 10-15 năm tới “nhắm đến khả năng tham gia một cuộc chiến tranh hạn chế ở nước ngoài, nhằm bảo vệ khoản quyền lợi ở các nước có tham gia BRI”. BRI là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đầy tham vọng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.
Báo cáo của USCC còn nêu đến giữa thế kỷ này, PLA “nhắm đến khả năng nhanh chóng triển khai lực lượng ở bất kỳ nơi nào trên thế giới”.
Báo cáo cho biết tính đến tháng 2.2020, có 94 cảng biển trên thế giới do Trung Quốc sở hữu một phần, hoặc do các công ty Trung Quốc điều hành.
Báo Nhật Yomiuri Shimbun nêu ông Tập Cận Bình đang muốn mở rộng thế lực Trung Quốc ra vùng “sân sau” của nước này, tức Đông Nam Á và Đông Á.
Việc triển khai quân sự ở Nam Thái Bình Dương sẽ cho phép Trung Quốc hoạt động hải quân tại “chuỗi đảo thứ hai” kéo dài từ đảo Izu của Nhật đến đảo Guam (Mỹ) và Papua New Guinea, cải thiện khả năng tiếp tục chiến đấu nếu xảy ra chiến tranh. Các hoạt động này cũng giúp Trung Quốc dễ kiềm chế các hoạt động của Úc, nước đã củng cố quan hệ với Nhật và Mỹ.
Đó là lý do Mỹ lo ngại khả năng các cảng này sẽ được dùng làm cơ sở để PLA triển khai quân ở nước ngoài. Washington ngày càng được thuyết phục rằng Bắc Kinh phát triển các cơ sở quân sự và căn cứ ở nước ngoài, bên cạnh việc xây dựng các sân bay và cảng biển thương mại “lưỡng dụng”, tức có thể sử dụng cho mục đích quân sự hoặc dân sự.
Trong báo cáo hằng năm về sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2021, Lầu Năm Góc công bố danh sách 14 quốc gia, trong đó có Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Kenya, Sri Lanka, Myanmar, Campuchia là những địa điểm mà PLA đánh giá để phát triển “các căn cứ hoặc cơ sở hậu cần quân sự”.
Báo cáo nêu việc Trung Quốc giúp phát triển quân cảng Ream của Campuchia là một động thái “đa dạng hóa chiến lược lập căn cứ ở nước ngoài” của Bắc Kinh.
Hồi năm 2017, Trung Quốc lập một căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên ở cảng Doraleh của Djibouti tại Đông Phi, dùng để hỗ trợ các tàu chiến Trung Quốc tham gia hoạt động "chống hải tặc Somalia". Hồi tháng 4.2021, một quan chức quân sự Mỹ nói Trung Quốc đã mở rộng phần kè của căn cứ trên, nhằm cho phép một tàu sân bay cập cảng.
Mỹ lo đối phó Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Bắc Kinh đã lên kế hoạch lập thêm nhiều căn cứ quân sự ở khắp thế giới, vào lúc nước này muốn tự khẳng định là một siêu thế lực của toàn cầu. Một khi đã lập được một căn cứ, Trung Quốc sẽ mở rộng căn cứ này và chức năng của nó sẽ chuyển đổi.
Trên Ấn Độ Dương, Bắc Kinh đã khuyến khích lập các cảng ở Pakistan và Bangladesh, vì đấy là một phần trong chiến lược hàng hải “Chuỗi ngọc” của Trung Quốc, nhằm mục tiêu kiềm chế Ấn Độ vốn có tranh chấp biên giới với Trung Quốc.
Khi chính quyền Sri Lanka không trả được nợ vay từ BRI để xây cảng Hambantota ở phía nam Sri Lanka, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát cảng này.
Ngày 16.8 tới, tàu khảo sát Yuan Wang 5 của Trung Quốc sẽ cập cảng Hambatota, sau khi có sự cho phép của chính quyền Sri Lanka.
Các nhà phân tích an ninh nước ngoài mô tả tàu này là tàu theo dõi thế hệ mới nhất của Trung Quốc, thường giám sát các vụ phóng vệ tinh, tên lửa và tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Trung Quốc cũng mở rộng tầm với tới các đảo quốc trên Thái Bình Dương. Một thỏa thuận hồi tháng 4 được cho là cho phép Trung Quốc đưa quân và lực lượng an ninh đến quốc đảo Solomon, tàu chiến có thể cập cảng ở đó. Động thái này gây lo ngại Solomon có thể trở thành một chân đứng mới của Trung Quốc.
Mỹ không chịu ngồi yên, đã đặt mục tiêu đối phó Trung Quốc bằng cách hợp tác với Nhật, châu Âu cùng các nước khác trên lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng. Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nước G7 đã mở sáng kiến Đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII), qua đó cam kết quyên góp 600 tỉ USD trong 5 năm để tài trợ cho sự phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, nhằm làm đối trọng với BRI.
Mỹ cũng đang tăng tốc các nỗ lực củng cố quan hệ với các đảo quốc trên Thái Bình Dương. Hồi tháng 6, Mỹ, Nhật, Anh, New Zealand và Úc tuyên bố lập một cơ chế hợp tác không chính thức với tên gọi Đối tác Thái Bình Dương Xanh (PBP) nhằm tăng cường hỡ trợ hiệu quả các ưu tiên của các đảo quốc.