Mỹ bác bỏ cáo buộc CIA liên quan đến âm mưu ám sát Tổng thống Venezuela

Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác bỏ cáo buộc về sự liên quan của CIA trong một âm mưu ám sát Tổng thống Maduro sau khi các quan chức Venezuela tuyên bố bắt giữ 3 người Mỹ, 2 người Tây Ban Nha và 1 người Séc vào ngày 14/9/2024. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, cáo buộc đó là 'hoàn toàn sai sự thật'.

Những cáo buộc về một âm mưu chống lại Tổng thống Maduro, người vừa tái đắc cử gần đây - đã được Bộ trưởng Nội vụ Venezuela Diosdado Cabello đưa ra trên truyền hình nhà nước. Ông Cabello cho biết những công dân nước ngoài bao gồm một thành viên hải quân Mỹ là một phần của âm mưu do CIA chỉ đạo nhằm lật đổ chính phủ Venezuela và giết một số thành viên lãnh đạo của nước này. Trong chương trình truyền hình, ông Cabello đã chiếu hình ảnh những khẩu súng trường tịch thu được từ một số kẻ chủ mưu bị cáo buộc.

Tổng thống Nicolás Maduro tại một sự kiện ở Caracas, Venezuela. Ảnh: Ariana Cubillos.

Tổng thống Nicolás Maduro tại một sự kiện ở Caracas, Venezuela. Ảnh: Ariana Cubillos.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận việc 1 thành viên quân đội Mỹ bị bắt giữ vào cuối ngày 14/9 và đã biết về “các báo cáo chưa được xác nhận việc 2 công dân Mỹ khác bị bắt giữ tại Venezuela”. “Bất kỳ cáo buộc nào về sự liên quan của Mỹ trong một âm mưu lật đổ Maduro đều hoàn toàn sai sự thật. Mỹ tiếp tục ủng hộ giải pháp dân chủ cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela”. Những tuyên bố này được đưa ra 2 ngày sau khi Bộ Tài chính Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với 16 đồng minh của ông Maduro, những người bị Chính phủ Mỹ cáo buộc cản trở việc bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela gây tranh cãi ngày 28/7 và vi phạm nhân quyền.

Trong tuần qua, Quốc hội Tây Ban Nha đã công nhận ứng cử viên phe đối lập Edmundo Gonzalez là người chiến thắng trong cuộc bầu cử, khiến các đồng minh của ông Maduro tức giận và kêu gọi Chính phủ Venezuela đình chỉ quan hệ thương mại và ngoại giao với Tây Ban Nha. Căng thẳng giữa Chính phủ Venezuela và Mỹ cũng gia tăng sau cuộc bầu cử, kết quả cuộc bầu cử đã làm dấy lên các cuộc biểu tình tại Venezuela, trong đó hàng trăm nhà hoạt động đối lập đã bị bắt giữ.

Tổng chưởng lý Venezuela Tarek William Saab. Ảnh: FEDERICO PARRA/via Getty Images.

Tổng chưởng lý Venezuela Tarek William Saab. Ảnh: FEDERICO PARRA/via Getty Images.

Hội đồng Bầu cử Venezuela cho biết ông Maduro đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với 52% số phiếu bầu nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về kết quả. Các nhà hoạt động đối lập đã khiến chính phủ bất ngờ khi thu thập các bảng kiểm phiếu từ 80% máy bỏ phiếu. Các bảng kiểm phiếu này đã được công bố trực tuyến và chỉ ra rằng ứng cử viên phe đối lập Edmundo Gonzalez đã giành chiến thắng với số phiếu bầu gấp đôi so với ông Maduro. Trong bối cảnh một số nước lên án tình trạng thiếu minh bạch, Tòa án Tối cao Venezuela, với sự tham gia của những người trung thành với đảng cầm quyền, vốn từ lâu đã ủng hộ ông Maduro, xác nhận chiến thắng của ông vào tháng 8.

Tổng chưởng lý Venezuela Tarek William Saab sau đó đệ đơn cáo buộc âm mưu chống lại ứng cử viên của phe đối lập Gonzalez. Ông đã phải chạy trốn sang Tây Ban Nha sau khi biết ông sẽ bị bắt trong bối cảnh lực lượng an ninh Venezuela bao vây Đại sứ quán Argentina tại thủ đô Caracas (nơi này đồng thời có 6 nhân vật đối lập khác đang trú ẩn). Ứng cử viên đối lập Edmundo González đã tuyên thệ sẽ “tiếp tục đấu tranh” cho nền dân chủ tại Venezuela, sau khi được cấp quyền tị nạn tại Tây Ban Nha.

Ông Edmundo Gonzalez tên đầy đủ là Edmundo Gonzalez Urrutia, 75 tuổi, một nhà ngoại giao nghỉ hưu, đã trở thành tâm điểm chú ý của chính trường khi đảng đối lập Unity Platform chọn ông để thách thức ông Maduro sau khi ứng cử viên đối lập chính, Maria Corina Machado bị cấm tham gia tranh cử. Ông Gonzalez không liên kết với bất kỳ đảng phái nào.

Trong khi đó, Tổng thống Maduro đã bác bỏ yêu cầu từ một số quốc gia, bao gồm cả các chính phủ cánh tả của Colombia và Brazil, về việc cung cấp bảng thống kê chứng minh ông đã thắng. Ông Maduro, người đã nắm quyền từ năm 2013, nhiều lần tuyên bố rằng Mỹ đang cố gắng lật đổ ông thông qua các lệnh trừng phạt và hoạt động bí mật. Chính quyền ông Maduro trước đây đã sử dụng những người Mỹ bị giam giữ ở Venezuela để đạt được sự nhượng bộ.

Trong một thỏa thuận năm 2023, ông Maduro đã thả 10 người Mỹ và 1 kẻ chạy trốn bị Chính phủ Mỹ truy nã để đảm bảo lệnh ân xá của tổng thống cho Alex Saab, một đồng minh thân cận của ông bị giam giữ tại Florida, Mỹ vì tội rửa tiền. Theo các công tố viên Mỹ, Alex Saab cũng đã giúp Maduro tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ thông qua một mạng lưới phức tạp gồm các công ty vỏ bọc.

Nhiều người dân Venezuela phản đối kết quả cuộc bầu cử tổng thống tháng 7/2024. Ảnh: Maxwell Briceno/Reuters.

Nhiều người dân Venezuela phản đối kết quả cuộc bầu cử tổng thống tháng 7/2024. Ảnh: Maxwell Briceno/Reuters.

Trước đó, Mỹ đã ban hành lệnh trừng phạt mới đối với 16 đồng minh của Tổng thống Venezuela, lệnh trừng phạt cáo buộc họ cản trở cuộc bầu cử ngày 28/7 và hỗ trợ cuộc đàn áp sau cuộc bỏ phiếu được cho là đã bị “đánh cắp”. Những người bị nhắm mục tiêu bao gồm các thành viên của Tòa án Tối cao và Hội đồng Bầu cử Venezuela - bao gồm cả những người đứng đầu tương ứng của họ, Caryslia Rodríguez và Antonio Jose Meneses - “những người đã cản trở quy trình bầu cử minh bạch và việc công bố kết quả bầu cử chính xác”, Bộ Tài chính Mỹ cho biết vào ngày 12/9 vừa qua. Những người khác trong danh sách trừng phạt mới là các nhà lãnh đạo quân đội, quan chức tình báo và viên chức chính phủ “chịu trách nhiệm tăng cường đàn áp thông qua đe dọa, bắt giữ bừa bãi và kiểm duyệt”, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) chia sẻ.

Trong số những người bị trừng phạt có những người lãnh đạo chiến dịch Tun Tun - “chiến dịch Knock Knock” - một loạt các cuộc đột kích trong đó những người được cho là đối thủ của chính phủ đã bị những kẻ bắt giữ mặc đồ đen, có vũ trang hạng nặng từ các cơ quan tình báo hoặc cảnh sát vây bắt. Trong số đó có Asdrubal Jose Brito Hernandez, một giám đốc trong đơn vị phản gián quân đội, người được mô tả là “kẻ tra tấn” trong báo cáo năm 2022 của Liên hợp quốc. Theo OFAC, đơn vị của Hernandez “đã chỉ đạo “chiến dịch Knock Knock” được phối hợp để quấy rối, giam giữ và bắt giữ tùy tiện các thành viên đối lập và xã hội dân sự sau cuộc bầu cử”.

Khi công bố các lệnh trừng phạt mới, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết: “Hôm nay, Mỹ đang có hành động quyết liệt chống lại Maduro và những người đại diện của ông ta vì đã đàn áp người dân Venezuela và phủ nhận quyền được bầu cử tự do và công bằng của công dân họ”. Adeyemo nói thêm rằng Bộ Tài chính đang “nhắm mục tiêu vào các quan chức chủ chốt có liên quan đến các tuyên bố chiến thắng gian lận và bất hợp pháp của Maduro và cuộc đàn áp tàn bạo của ông ta đối với quyền tự do ngôn luận sau cuộc bầu cử, vì phần lớn người dân Venezuela kêu gọi thay đổi”.

Bản thân ông Maduro đã bị Mỹ trừng phạt kể từ năm 2017. Các lệnh trừng phạt mới được đưa ra chỉ vài ngày sau khi González buộc phải rời khỏi Venezuela dưới sự đe dọa bắt giữ của chế độ. Trong một tuyên bố vào ngày 12/9, ông González đã viết: “Cam kết của tôi đối với nhiệm vụ mà tôi nhận được từ người dân có chủ quyền của Venezuela là không thể hủy bỏ... Cuộc đấu tranh sẽ tiếp tục cho đến cùng”.

Nền kinh tế Venezuela tăng trưởng trở lại sau khi suy giảm mạnh (Tỷ lệ phần trăm thay đổi hằng năm của tổng sản phẩm quốc nội thực tế, GDP). Nguồn: International Monetary Fund.

Nền kinh tế Venezuela tăng trưởng trở lại sau khi suy giảm mạnh (Tỷ lệ phần trăm thay đổi hằng năm của tổng sản phẩm quốc nội thực tế, GDP). Nguồn: International Monetary Fund.

Venezuela, nơi có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, là một nghiên cứu điển hình về những nguy cơ khi trở thành một quốc gia dầu mỏ. Kể từ khi được phát hiện tại quốc gia này vào những năm 1920, dầu mỏ đã đưa Venezuela vào một chuyến đi bùng nổ và suy thoái đầy phấn khích nhưng nguy hiểm, mang đến bài học cho các quốc gia giàu tài nguyên khác. Nhiều thập kỷ quản lý kém đã đẩy một trong những quốc gia thịnh vượng nhất Mỹ Latinh vào cảnh phá sản về kinh tế và chính trị.

Trong những năm gần đây, Venezuela đã phải chịu sự sụp đổ kinh tế, với sản lượng giảm đáng kể và siêu lạm phát tràn lan góp phần gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa cơ bản, chẳng hạn như thực phẩm và thuốc men. Trong khi đó, tình trạng quản lý yếu kém của chính phủ và các lệnh trừng phạt của Mỹ đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh mẽ trong sản lượng dầu và tình trạng thiếu đầu tư nghiêm trọng vào lĩnh vực này.

Mặc dù Washington đã nới lỏng một số lệnh trừng phạt đối với ngành dầu khí của Venezuela vào năm 2023, báo hiệu một sự hòa hoãn tiềm tàng, nhưng việc Caracas không đáp ứng được các điều kiện cho một cuộc bầu cử công bằng đã thúc đẩy Chính phủ Mỹ áp đặt lại các lệnh trừng phạt vào năm 2024. Trong cuộc khủng hoảng ở Venezuela, Mỹ đã áp dụng lệnh trừng phạt đối với các thực thể và cá nhân cụ thể của Chính phủ Venezuela có liên quan đến chính quyền ông Nicolás Maduro, cùng với các lệnh trừng phạt do Liên minh châu Âu, Canada, Mexico, Panama và Thụy Sĩ áp dụng. Tính đến tháng 4/2019, Mỹ đã trừng phạt hơn 150 công ty, tàu thuyền và cá nhân, ngoài ra còn thu hồi thị thực của 718 cá nhân.

Ông Edmundo González Urrutia, Ứng cử viên của phe đối lập trong cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela. Ảnh: Efe.

Ông Edmundo González Urrutia, Ứng cử viên của phe đối lập trong cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela. Ảnh: Efe.

Một số chỉ số ảm đạm cho thấy câu chuyện căng thẳng của Venezuela như “sự phụ thuộc vào dầu mỏ” - xuất khẩu dầu đã tài trợ cho gần hai phần ba ngân sách của chính phủ. Ước tính cho năm 2024 đưa ra con số này thấp hơn một chút, ở mức 58%. “Sản lượng giảm” do thiếu đầu tư và bảo trì đầy đủ, sản lượng dầu tiếp tục giảm nói chung, đạt mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, xuất khẩu đã tăng khoảng 12% vào năm 2023, một phần là do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu khí của nước này được nới lỏng.

“Nền kinh tế hỗn loạn”, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Venezuela đã giảm khoảng ba phần tư trong giai đoạn 2014-2021. Tuy nhiên, nền kinh tế đã tăng trưởng 5% vào năm 2023 và Chính phủ Venezuela dự báo sẽ đạt 8 vào năm 2024. “Nợ tăng vọt”, Venezuela ước tính gánh nặng nợ là 150 tỷ USD hoặc cao hơn. “Siêu lạm phát”, lạm phát hằng năm tăng vọt lên hơn 130.000% vào năm 2018 (khi Chính phủ Venezuela phát hành đồng tiền mới có tên Bolivar Soberano, trị giá bằng 100.000 Bolivar cũ, nhằm đơn giản hóa các giao dịch) và mặc dù đã chậm lại kể từ đó, nhưng vẫn ở mức 190% vào năm 2023 (theo Ngân hàng Trung ương Venezuela).

Những vấn đề này cùng với các lệnh trừng phạt quốc tế và hậu quả của đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy một cuộc khủng hoảng nhân đạo tàn khốc, với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nước uống, xăng dầu và vật tư y tế. Theo một cuộc khảo sát vào tháng 11/2022, 50% trong số 28 triệu cư dân của Venezuela sống trong cảnh nghèo đói, mặc dù con số này đã giảm so với mức 65% của năm 2021.

Huyền Thanh Thanh (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/my-bac-bo-cao-buoc-cia-lien-quan-den-am-muu-am-sat-tong-thong-venezuela-i744340/
Zalo