Mỹ áp trừng phạt mới lên Nga có khiến thị trường thiếu dầu mỏ?

Giá dầu đã đạt mức cao nhất trong nhiều tháng qua vào thứ Hai tuần này khi lo ngại về gián đoạn nguồn cung từ Nga khiến tâm lý thị trường tăng cao.

Mỹ áp trừng phạt mới lên Nga có khiến thị trường thiếu dầu mỏ? Hình minh họa

Mỹ áp trừng phạt mới lên Nga có khiến thị trường thiếu dầu mỏ? Hình minh họa

Các lệnh trừng phạt mới đối với dầu thô của Nga có khả năng thắt chặt thêm thị trường giao ngay ở Trung Đông, nơi nhu cầu đang tăng từ các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ.

Vào thứ Sáu tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên các tập đoàn dầu mỏ lớn của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegaz, cùng với đó là các lệnh trừng phạt đối với các công ty bảo hiểm Ingosstrakh và Alfastrakhovanie Group.

Mỹ cũng đã trừng phạt 183 tàu vận chuyển dầu Nga, thuộc đội tàu bí mật của nước này.

Bộ Tài chính Mỹ cũng cấm các công ty dịch vụ dầu mỏ của Mỹ hoạt động tại Nga. Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ ngày 27/2/2025.

Vào thứ Sáu tuần trước, Mỹ đã công bố một loạt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với ngành năng lượng Nga, khiến giá dầu Brent tăng vượt mốc 80 USD/thùng. Vào thứ Hai tuần này, giá đã đạt mức 81,67 USD/thùng, cao nhất trong hơn 5 tháng qua.

Giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) trên sàn giao dịch New York cũng đạt mức cao nhất trong hơn 3 tháng là 77,48 USD/thùng.

Theo báo cáo gần nhất, cả hai chỉ số chuẩn đều cao hơn khoảng 1,3% so với mức đóng cửa trước đó.

Những tác động đối với nguồn cung dầu

Các chuyên gia tin rằng các lệnh trừng phạt mới có thể gây tác động lớn đến dòng chảy dầu của Nga.

Trước khi các lệnh trừng phạt mới được áp đặt vào thứ Sáu tuần trước, thị trường đã ghi nhận một số gián đoạn trong xuất khẩu dầu từ Nga và Iran.

“Thị trường dầu vật chất Trung Đông đã mạnh hơn khi người mua tìm kiếm các loại dầu thay thế. Tại Trung Quốc, trước khi các lệnh trừng phạt mới được công bố, Tập đoàn Cảng Shandong đã cấm các tàu chở dầu bị Mỹ trừng phạt cập cảng”, Warren Patterson, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ING Group, cho biết.

Ước tính, đội tàu “bí mật” của Nga vận chuyển hơn 80% lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của nước này.

Dù quy mô thực sự của đội tàu này chưa rõ, nhưng theo ING Group, đội tàu có thể lên tới 600 tàu.

S&P Global ước tính quy mô đội tàu Nga là 586 chiếc, cho thấy khoảng 25% đội tàu này đã bị trừng phạt.

“Điều này có thể đẩy khoảng 700.000 thùng/ngày (b/d) dầu thô của Nga vào tình trạng rủi ro. Việc mất khối lượng này sẽ xóa sổ lượng thặng dư mà chúng tôi dự báo cho thị trường dầu toàn cầu năm nay”, ông Patterson nhận định.

Khối lượng dầu mất thực tế có thể nhỏ hơn

Các chuyên gia cho rằng khối lượng dầu thô mất đi do lệnh trừng phạt trên thực tế có thể nhỏ hơn dự kiến.

“Một số người mua có thể chọn phớt lờ các lệnh trừng phạt này, và Nga cũng có thể dựa nhiều hơn vào các tàu bí mật chưa bị trừng phạt để tiếp tục giao dịch”, ông Patterson nói thêm.

Tuy nhiên, tuyến vận chuyển của đội tàu Nga vẫn là một vấn đề lớn.

“Tuyến vận chuyển qua biển Baltic có nguy cơ cao hơn đối với đội tàu này của Nga, vì tàu dễ bị kiểm tra hơn ở đây”, Carsten Fritsch, chuyên gia phân tích hàng hóa tại Commerzbank AG, cho biết.

Ông Fritsch cũng nói rằng dầu có thể đã được chuyển hướng tới các cảng ở Biển Đen hoặc Thái Bình Dương để xuất khẩu từ đó.

Để duy trì xuất khẩu và doanh thu, Nga có thể buộc phải tăng quy mô đội tàu của mình.

Ông Patterson nói thêm: “Nếu các lệnh trừng phạt khiến người mua chính rút lui, giá dầu thô Nga sẽ giảm”.

Theo ông Patterson, nếu có tắc nghẽn trong việc vận chuyển dầu thô Nga, sẽ có nhiều tàu và bảo hiểm phương Tây tham gia vào. Điều này đồng nghĩa với việc dầu xuất khẩu sẽ phải giao dịch dưới mức giá trần 60 USD/thùng do các nước G7 áp đặt vào năm 2022.

Tác động đến giá dầu

Giá dầu đã tăng mạnh kể từ tuần trước khi các lệnh trừng phạt mới bắt đầu có hiệu lực.

Sự không chắc chắn về mức độ ảnh hưởng thực sự của các lệnh trừng phạt này đang tạo ra xu hướng tăng giá trên thị trường dầu mỏ.

“Dầu thô dường như cuối cùng đã phá vỡ xu hướng giảm dài hạn, vốn đã kìm hãm giá kể từ tháng 9/2023, hoặc thậm chí xa hơn là từ tháng 3/2022 khi giá đạt đỉnh sau khi xung đột Nga – Ukraine diễn ra”, David Morrison, chuyên gia phân tích cấp cao tại Trade Nation, cho biết.

Nếu khối lượng dầu bị mất do các lệnh trừng phạt mới lên tới 700.000 thùng/ngày, các tổ chức lớn có thể phải điều chỉnh lại dự báo giá dầu.

Tuy nhiên, ING Group nhận định rằng nếu Nga có thể thực hiện các biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt, khối lượng dầu bị ảnh hưởng sẽ ít hơn.

“Hơn nữa, vẫn chưa rõ liệu chính quyền Trump sắp tới ở Mỹ có duy trì các lệnh trừng phạt này hay không, hoặc chúng có được thực thi nghiêm ngặt hay không”, ông Patterson lưu ý.

Ông Morrison nhận xét: “Về cơ bản, giá dầu thô đang được thúc đẩy bởi thời tiết lạnh giá ở châu Âu và một số khu vực của Mỹ. Ngoài ra, giá còn được hỗ trợ bởi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với hoạt động bán dầu của Nga. Ngành năng lượng hiện đang có sự hồi phục cần thiết, khi giá dầu khí tăng cao sau một thời gian dài trầm lắng”.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/my-ap-trung-phat-moi-len-nga-co-khien-thi-truong-thieu-dau-mo-723130.html
Zalo