Mỹ áp thuế cao đối với lốp xe Thái Lan, kỳ vọng Cao su Đà Nẵng (DRC) hưởng lợi lớn

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ấn định mức thuế chống bán phá giá đối với lốp xe tải và xe buýt (TBR) nhập khẩu từ Thái Lan lên tới 48,39%.

Với vị thế nhà xuất khẩu lốp TBR hàng đầu Việt Nam, Cao su Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ gia tăng thị phần tại Mỹ trong thời gian tới.

Với vị thế nhà xuất khẩu lốp TBR hàng đầu Việt Nam, Cao su Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ gia tăng thị phần tại Mỹ trong thời gian tới.

Vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố quyết định cuối cùng về cuộc điều tra chống bán phá giá đối với lốp xe tải và xe buýt (TBR) nhập khẩu từ Thái Lan.

Theo đó, mức thuế chống bán phá giá cuối cùng là 48,39% đối với sản phẩm của Tập đoàn Bridgestone và 12,33% đối với sản phẩm của Prinx Chengshan Tire và các công ty sản xuất lốp xe tải và xe buýt (TBR) của Thái Lan.

Mức thuế trên cao hơn đáng kể so với mức thuế chống bán phá giá sơ bộ được DOC công bố hồi tháng 5/2024 là 0% đối với Prinx Chengshan Tire và 2,35% đối với Tập đoàn Bridgestone và các công ty khác.

Mức 48,39% cũng cao hơn mức cáo buộc là 47,81% do Liên đoàn lao động quốc tế của ngành thép Mỹ (United Steelworkers, USW) đưa ra khi kiến nghị khởi xướng điều tra.

Hiện tại, Thái Lan đang chiếm thị phần xuất khẩu lốp TBR vào Mỹ lớn nhất với khoảng 28% tương ứng 6,8 triệu lốp TBR/năm và Việt Nam chiếm 12% thị phần tương đương 5,9 triệu lốp TBR/năm.

Nhiều tổ chức tài chính kỳ vọng, với việc lốp xe Thái Lan bị áp thuế chống bán phá giá ở mức cao, sản phẩm lốp TBR của Việt Nam sẽ tăng sức cạnh tranh và có khả năng gia tăng thị phần. Với vị thế nhà xuất khẩu lốp TBR hàng đầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC - sàn HoSE) được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trực tiếp và sản lượng tiêu thụ TBR sẽ tăng trưởng tích cực.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DRC của Cao su Đà Nẵng từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DRC của Cao su Đà Nẵng từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Thị trường Mỹ hiện đang chiếm 14% tổng doanh thu của Cao su Đà Nẵng và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, sau Brazil. Theo SSI Research, đơn hàng từ nhập khẩu từ Thái Lan sẽ mất khoảng 45 ngày hoặc hơn (tùy vào tình hình vận tải biển). Do đó, các đại lý tại Mỹ sẽ hạ dần các đơn hàng từ Thái Lan, chuyển sang các nguồn cung mới, bao gồm Cao su Đà Nẵng, trước khi quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức được áp dụng.

Đáng chú ý, Cao su Đà Nẵng và Oceanside One Trading - doanh nghiệp kinh doanh lốp hàng đầu tại Brazil vừa ký kết hợp đồng với mục tiêu tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Brazil lên gấp đôi, đạt mức 150 triệu USD/năm. Được biết, Oceanside One Trading là đối tác truyền thống của Cao su Đà Nẵng trong 15 năm qua.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/my-ap-thue-cao-doi-voi-lop-xe-thai-lan--ky-vong-cao-su-da-nang--drc--huong-loi-lon-128277.htm
Zalo