Mỹ áp thuế 25% với nhôm, thép nhập khẩu trên góc nhìn kinh tế toàn cầu
Việc Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% với nhôm, thép không chỉ có tác động trực tiếp tới ngành mà còn ảnh hưởng lan rộng tới các ngành sản xuất khác, để lại hệ quả tiêu cực cho nền kinh tế toàn cầu.
Kể từ khi nhậm chức vào ngày 20/1/2025 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành các sắc lệnh mới nhằm thay đổi lại chính sách khí hậu mà người tiền nhiệm - Joe Biden đã theo đuổi trước đó. Ngoài việc rút lui khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris, Tổng thống Trump còn đưa ra quyết định áp thuế cao đối với mặt hàng kim loại nhập khẩu vào nước Mỹ, cụ thể là nhôm và thép. Ngay khi được công bố, sắc lệnh này đã gây ra tranh cãi vì có thể tác động lớn đến ngành kinh tế toàn cầu.
Những ngành công nghiệp then chốt bị ảnh hưởng
![Mỹ đã tăng thuế lên 25% cho cả thép và nhôm vào đầu tháng 2 vừa qua.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_590_51462591/2b5bdedcee9207cc5e83.jpg)
Mỹ đã tăng thuế lên 25% cho cả thép và nhôm vào đầu tháng 2 vừa qua.
Để bảo vệ nền kinh tế Mỹ và an ninh quốc gia, trong nhiệm kỳ Donald Trump 1.0, cụ thể từ tháng 3/2018, Tổng thống Trump đã áp thuế với các quốc gia xuất khẩu mặt hàng thép và nhôm vào Mỹ. Theo đó, thép phải chịu 25% và nhôm chịu 10% thuế. Thời gian đầu, các quốc gia xuất khẩu thép và nhôm lớn trên thế giới như Canada, Mexico, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Brazil…đều bị áp mức thuế này.
Tuy nhiên, sau đó thông qua thỏa thuận song phương, Mỹ đã miễn trừ hoặc điều chỉnh giảm thuế với một số nước như Canada, Mexico, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Brazil, Argentina, Úc. Đến thời chính quyền Joe Biden, mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm vẫn được duy trì. Bên cạnh đó, để mở rộng hợp tác thương mại với các quốc gia khác, Cựu Tổng thống Biden đã có những điều chỉnh nới tay hơn.
Bước sang nhiệm kỳ 2.0, Tổng thống Trump đã mạnh tay hơn khi tăng thuế lên mức 25% với cả 2 mặt hàng kim loại nhập khẩu chính là thép và nhôm. Có thể thấy lợi ích trước mắt của sắc lệnh này giúp bảo vệ ngành sản xuất nhôm, thép nội địa, đồng thời tăng ngân sách của Mỹ. Tuy nhiên, trên góc nhìn vĩ mô về toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, các ngành tiêu thụ nhiều nhôm, thép như ô tô, hàng không, xây dựng, thực phẩm, đặc biệt là năng lượng có thể gặp phải thách thức lớn.
Người tiêu dùng chịu thiệt do chi phí, giá thành tăng cao
![Năng lượng và ô tô là hai trong số những ngành công nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng trực tiếp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_590_51462591/706c89ebb9a550fb09b4.jpg)
Năng lượng và ô tô là hai trong số những ngành công nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng trực tiếp.
Với ngành ô tô, thuế nhôm, thép tăng cũng đồng nghĩa với chi phí sản xuất xe ô tô tăng. Hiện nay, cấu trúc của mỗi chiếc ô tô chiếm 60% là thép và 10% là nhôm. Khi giá nhôm, thép tăng, mỗi chiếc xe ô tô có thể tăng trung bình từ 200 - 600 USD. Những hãng xe lớn cũng có thể thiệt hại hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Hay với ngành hàng không, thuế nhôm thép tăng cũng có thể khiến chi phí sản xuất máy bay tăng từ 2 - 5% bởi 80% vật liệu làm nên máy bay là từ nhôm. Như một hệ quả tiếp nối, chi phí vận tải hàng không tăng cũng sẽ kéo theo giá vé máy bay tăng nhẹ.
Đặc biệt với ngành năng lượng vốn chiếm vai trò then chốt trong đời sống và sản xuất hiện nay, nhôm và thép hiện đang là vật liệu quan trọng trong xây dựng đường ống, giàn khoan dầu, nhà máy điện, tấm khung pin mặt trời hay tuabin điện gió… Chi phí cơ sở hạ tầng tăng sẽ kéo theo giá hóa dầu, giá điện tăng theo, đồng thời khiến các dự án năng lượng mới bị trì hoãn.
Ngoài ra, xây dựng cũng là một trong những ngành bị ảnh hưởng bởi giá nhôm, thép. Phần lớn các công trình xây dựng đều cần trung bình từ 50 - 70% vật liệu thép. Giá thép tăng sẽ khiến giá bất động sản tăng từ 2 - 5% do chi phí nguyên vật liệu bị đội lên. Khi các công ty bất động sản buộc phải tăng giá bán thì người chịu thiệt cuối cùng vẫn là khách hàng.
Nguy cơ một lượng lớn người lao động mất việc trên toàn cầu
![Rủi ro thất nghiệp tăng cao trên toàn thế giới.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_590_51462591/0fc3f544c50a2c54751b.jpg)
Rủi ro thất nghiệp tăng cao trên toàn thế giới.
Có thể thấy, nhôm - thép là vật liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực hiện nay từ ô tô, máy bay, năng lượng, xây dựng, đồ gia dụng cho tới đóng tàu… Khi thuế và giá nhôm, thép tăng cũng kéo theo chi phí sản xuất tăng. Điều này đã buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động để hạ bớt chi phí.
Đáng lo ngại nhất là việc làm trong các ngành sản xuất bị ảnh hưởng, nhà máy giảm công suất hoặc đóng cửa sẽ kéo theo tỷ lệ mất việc tăng cao trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Các ông lớn trong ngành xe ô tô như Ford, GM hay Tesla cũng từng lo sợ thuế thép có thể khiến hàng tỷ USD rơi ra khỏi túi của họ và để ngăn chặn rủi ro này, họ buộc phải cắt giảm bớt lao động.
Chi phí sản xuất tăng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp đa quốc gia phải thu hẹp sản xuất lại. Vì thế, rủi ro người lao động mất việc làm không chỉ xảy ra tại Mỹ mà còn trên quy mô toàn cầu.
Đặc biệt với các quốc gia xuất khẩu nhôm, thép như Canada, Mexico, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thì việc Mỹ giảm nhập khẩu sẽ khiến các nhà máy sản xuất mất đi một lượng lớn đơn hàng, sụt giảm doanh thu và buộc phải sa thải bớt công nhân. Không chỉ vậy, các ngành xây dựng, vận tải, logistic cũng không nằm ngoài sức ảnh hưởng của thuế nhôm, thép.