MWG báo doanh thu tăng 13%, giữ nguyên kế hoạch năm bất chấp lo ngại thuế Mỹ
Thế Giới Di Động tự tin vào sự hợp tác chặt chẽ với các nhãn hàng, nhà cung cấp nên có nhiều lợi thế kinh doanh.
Tóm tắt nội dung
• MWG ghi nhận doanh thu 48.635 tỷ đồng trong bốn tháng đầu năm 2025, tăng 13% so với cùng kỳ.
• Chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh đều tăng trưởng tốt, đặc biệt ngành điện lạnh và tươi sống.
• Doanh nghiệp mở rộng mạnh hệ thống bán lẻ, với hơn 5.600 cửa hàng.
• MWG không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế Mỹ và giữ nguyên kế hoạch kinh doanh năm nay.
Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh bốn tháng đầu năm 2025 với tổng doanh thu đạt 48.635 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ và hoàn thành 32% kế hoạch năm.
Hai chuỗi chủ lực là Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh mang về 32.600 tỷ đồng doanh thu, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong tháng 4/2025, doanh thu của hai chuỗi đạt 8.300 tỷ đồng, tăng 13% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ, nhờ ngành hàng điện lạnh và làm mát tăng 30 - 100% do thời tiết nắng nóng và các chính sách dịch vụ vượt trội.
Ngành hàng điện thoại, máy tính bảng tăng nhẹ theo tháng và tăng hơn 20% so với cùng kỳ.
Doanh thu từ kênh trực tuyến trong bốn tháng đạt gần 1.900 tỷ đồng, chiếm khoảng 6% tổng doanh thu Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh.
Chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh ghi nhận gần 15.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 21% so với cùng kỳ. Các ngành hàng tươi sống và tiêu dùng nhanh (FMCG) đều tăng trưởng đồng đều.
Doanh thu trung bình của các cửa hàng đã vận hành ổn định trên 6 tháng duy trì ở mức 2,1 tỷ đồng/tháng. Trong 4 tháng đầu năm, Bách Hóa Xanh mở mới 359 cửa hàng, với gần 50% tại khu vực miền Trung. Các cửa hàng mới đã đạt lợi nhuận hoạt động dương sau khi trừ chi phí vận hành ở cấp độ cửa hàng.
Tính đến cuối tháng 4/2025, MWG đang vận hành tổng cộng 1.017 cửa hàng Thế Giới Di Động, 2.025 cửa hàng Điện Máy Xanh, 2.129 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 326 nhà thuốc An Khang, 62 cửa hàng AVAKids và 99 cửa hàng Era Blue.
Không có kế hoạch điều chỉnh mục tiêu kinh doanh
Năm nay, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu doanh thu thuần ở mức 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 4.850 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 30% so với mức thực hiện của năm 2024.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động tiếp tục tái khẳng định, công ty tự tin hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay bất chấp các lo ngại về sức cầu, áp lực cạnh tranh, và tình trạng bão hòa trong một số nhóm ngành hàng chính.
Cụ thể, trước lo ngại của các nhà đầu tư về thuế đối ứng của Mỹ sẽ tác động đến triển vọng kinh doanh, ông Vũ Đăng Linh, Tổng giám đốc Thế Giới Di Động khẳng định hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều và công ty không có kế hoạch điều chỉnh mục tiêu kinh doanh năm nay.
Lý do là hàng hóa đầu vào của công ty đều được mua từ thị trường trong nước và khu vực châu Á và tiêu thụ toàn bộ tại Việt Nam.
“Trong trường hợp xấu nhất, sức cầu với các mặt hàng của công ty chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp, không chịu tác động trực tiếp như các doanh nghiệp xấu khẩu nên tác động của các chính sách thuế quan mới là không đáng ngại ”, ông Linh nói.
Tổng giám đốc Thế Giới Di Động cũng chia sẻ, hiện nay trong bối cảnh nguy cơ của thuế đối ứng, các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường hoặc tăng cường khai thác thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn nỗ lực thúc đẩy đầu tư công, thực hiện các biện pháp kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp như duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tháo gỡ các nút thắt pháp lý… Những động thái này sẽ giúp cho sức cầu của nền kinh tế nhìn chung ít bị ảnh hưởng.
“Cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ hai năm qua của Thế Giới Di Động đã tạo ra khả năng thích ứng tốt cho doanh nghiệp hơn trước những biến động”, ông Linh nói thêm.
Không coi sàn thương mại điện tử là đối thủ
Bên cạnh đó, trước lo ngại của các nhà đầu tư về việc các sàn thương mại điện tử phát triển mạnh với sức ép cạnh tranh “khốc liệt” về giá đối với Thế Giới Di Động, ông Linh cho rằng các chuỗi bán lẻ của doanh nghiệp vẫn là các kênh bán hàng tốt nhất nhờ có sự hợp tác chặt chẽ với các nhãn hàng, nhà cung cấp nên có nhiều lợi thế kinh doanh và đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ đối với khách hàng.
“Thế Giới Di Động tạm thời chưa xem các sàn thương mại điện tử là đối thủ chính”, ông Linh chia sẻ.