Mường Pồn in đậm màu xanh
Suốt nhiều tháng qua, những giọt mồ hôi của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) đã đổ xuống vùng lũ Mường Pồn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Thấp thoáng trên những diện tích đất bị lũ quét vùi lấp vừa được cải tạo và phía sau những ngôi nhà mới đang dần hoàn thiện, là nụ cười rạng rỡ của bà con các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú...
Quân phục nhuộm xanh cánh đồng
Bất chấp cái lạnh như cắt vào da thịt, mới sáng sớm trên cánh đồng Na Ké, thuộc bản Lĩnh, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã dồn dập tiếng bước chân cùng tiếng cười rôm rả của hàng trăm con người. Trong không gian mờ đục và cái lạnh của mùa đông Tây Bắc, màu áo xanh của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị LLVT tựa như ngọn lửa làm ấm lòng người dân mà mấy tháng trước là vùng rốn lũ.
Có mặt tại cánh đồng Na Ké, chúng tôi thấy cả một vùng không gian rộng lớn, đất đá, củi, rác vẫn còn ngổn ngang với màu đất vàng suộm. Không ai nhận ra đâu là kênh mương, đâu là đồng ruộng và đất canh tác. Thế nhưng, chỉ sau ít phút triển khai, cả một vùng không gian rộng lớn đều rộn ràng tiếng cuốc, xẻng, máy xúc hòa lẫn tiếng nói cười, trò chuyện.
Tay vẫn thoăn thoắt xúc đất, đá vùi lấp đoạn kênh dẫn nước, Thiếu tá Lê Hồng Việt, Phó chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 82, Sư đoàn 355 (Quân khu 2) trò chuyện vui vẻ với đồng đội và người dân. Thấy chúng tôi bước đến, anh Việt gạt vội những giọt mồ hôi đang chảy đầm đìa trên trán và cất lời: “Với khối lượng công việc lớn, cần rất nhiều sức lực và thời gian để giải quyết. Vì thế, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công rõ ràng, tỉ mỉ cho từng bộ phận. Bên cạnh đó, thường xuyên bám sát, kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đặt ra”.
Trò chuyện với anh Việt, chúng tôi được biết, Trung đoàn 82 đã huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ, giúp nhân dân tái thiết lại ruộng đồng và các khu vực đất sản xuất. Trước mắt, đơn vị tập trung làm những phần việc khó, nặng nhọc cần nhiều sức người, như: Nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; thu dọn đất đá, củi rác, cải tạo lại các khu vực bị lũ quét để trả lại đất canh tác cho người dân.
Cùng bộ đội cải tạo lại khu vực đất canh tác của gia đình, bà Quàng Thị Phích, ở bản Lĩnh, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên bộc bạch: “Gia đình tôi có hơn 8.000m2 đất trồng lúa và hoa màu, nên bình quân mỗi năm đều thu về 80 bao thóc, ít cũng được khoảng 60 bao. Số thóc này là lượng lương thực đủ cho 4 nhân khẩu cho cả năm. Vậy mà, trận lũ vừa qua gần như... cướp trắng đi tất cả...”.
Bà Phích cũng cho biết thêm, trước mắt người dân không lo về lương thực, bởi ngay sau khi lũ quét xảy ra, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm đã kịp thời hỗ trợ. Tuy nhiên, về lâu dài, người dân rất lo lắng, bởi nếu để ruộng vườn bỏ không ngày nào, thì nguy cơ thiếu đói sẽ kéo dài ngày đó.
Hướng về phía thửa ruộng nơi các cán bộ, chiến sĩ đang thu gom đất đá, dọn rác, be bờ, ánh mắt của bà Phích có phần rạng rỡ hơn.
Trò chuyện với chúng tôi, người dân xã Mường Pồn đều bày tỏ nỗi vui mừng khi thấy bộ đội về giúp đỡ dọn dẹp mặt bằng, cải tạo đất sản xuất. Nhờ có bàn tay của bộ đội, rất nhiều diện tích đất sản xuất đã được dọn sạch. Thậm chí, nhiều người còn tự tin khẳng định, việc gieo cấy sẽ được tiến hành đúng thời vụ và họ sẽ lại có những vụ mùa bội thu…
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện vẫn còn gần 70ha đất sản xuất vẫn đang bị đất đá vùi lấp chưa thể khôi phục được. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, xã Mường Pồn đã khôi phục được hơn 70ha đất phục vụ cho người dân sản xuất, canh tác.
Luôn là điểm tựa của nhân dân
Gần 20 phút ì ạch leo dốc, chiếc xe cũng đưa chúng tôi lọt thỏm vào một không gian rộng rãi giống như một đại công trường xây dựng. Vừa bước xuống xe, Thượng tá Nguyễn Đình Thuận, Chính ủy Trung đoàn 741 (Bộ CHQS tỉnh Điện Biên) đã chỉ tay về phía những căn nhà đang trong quá trình hoàn thiện và hồ hởi kể, ngay sau khi được cấp trên giao nhiệm vụ giúp nhân dân xã Mường Pồn xây dựng lại nhà cửa, Đảng ủy, chỉ huy đơn vị đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ, giúp nhân dân xã Mường Pồn tái thiết lại cuộc sống.
Trong số hơn 100 cán bộ, chiến sĩ, hầu hết là những người đã từng tham gia khắc phục hậu quả trận lũ quét xảy ra vào rạng sáng ngày 25-7. Đặc biệt, đơn vị ưu tiên lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm về xây dựng, hàn xì, làm mộc... Sau hơn 3 tháng triển khai với hơn 2.300 ngày công, hiện đơn vị đang hoàn thiện 58/71 ngôi nhà (13 hộ còn lại chưa được địa phương cấp đất xây dựng). Dự kiến, đến ngày 20-12, đơn vị hoàn thành kế hoạch được giao.
Quả thật, khi đến mỗi ngôi nhà hay con đường bê tông đang hoàn thiện, chúng tôi đều bắt gặp những khuôn mặt quen thuộc. Trò chuyện với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Trọng Tuân, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 741 Bộ CHQS tỉnh Điện Biên bảo mọi đường đi, lối lại trên địa bàn xã Mường Pồn, anh đều thuộc như trong lòng bàn tay. Sở dĩ anh Tuân nói vậy là bởi khi trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 25-7, anh đã cùng đồng đội có mặt giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Vừa qua, khi chỉ huy Trung đoàn triển khai kế hoạch giúp nhân dân xã Mường Pồn xây dựng nhà cửa, anh đã không ngần ngại xung phong.
Nói về công việc của mình, anh Tuân bộc bạch: “Thực hiện nhiệm vụ xa sự chỉ huy, khối lượng công việc nhiều, điều kiện sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi luôn đoàn kết, động viên nhau sớm hoàn thành nhiệm vụ trước thời gian được giao”.
Đứng trước ngôi nhà khang trang vừa hoàn thiện xong, ông Sùng A Di (59 tuổi), ở điểm bản Huổi Ké thuộc bản Lĩnh, xã Mường Pồn chỉ biết xuýt xoa. Khi thấy chúng tôi hỏi thăm, ông Di rơm rớm nước mắt: “Nếu không có bộ đội giúp đỡ, ít nhất phải 2 tháng chúng tôi mới dựng xong nhà. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và các chú bộ đội đã làm nhà, làm đường cho bà con…”.
Cách nhà ông Di chưa đầy hai bước chân là ngôi nhà của anh Giàng A Đông (sinh năm 1996) cũng đang đi vào hoàn thiện. Nghe tiếng chúng tôi trò chuyện, không giấu được niềm vui, anh Đông góp lời: “Ở trên bản đất đai rộng thật, nhưng xuống đây thì gần đường giao thông hơn, trẻ con đi học tiện hơn, còn hàng xóm thì gần nhau, nên cũng vui hơn…”.
Là một trong những cán bộ luôn có mặt cùng các đơn vị LLVT tái thiết lại Mường Pồn, ông Nguyễn Tiến Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: “Không chỉ là điểm tựa cho người dân trong thiên tai, hoạn nạn, mà LLVT còn là những người trực tiếp giúp chính quyền và người dân tái thiết cuộc sống. Với sự đồng hành của LLVT, chúng tôi tin rằng, cuộc sống của người dân Mường Pồn sẽ sớm ổn định”.
Mặc dù vết tích của thiên tai vẫn còn hiện hữu, nhưng cuộc sống ở vùng lũ Mường Pồn đang dần hồi sinh trong những ngôi nhà tái định cư kiên cố. Phía dưới chân núi, nhiều diện tích trồng màu cũng dần xanh trở lại. Đằng sau mỗi ngôi nhà vừa được xây mới và trên mỗi con đường bê tông sạch đẹp, thông thoáng, mỗi thửa ruộng dần hình thành đều có công sức không nhỏ của Bộ đội Cụ Hồ.
Bài và ảnh: HÀ KHÁNH