Mường Lạn nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2024, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, đã hoàn thành 11/19 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 21 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 34%. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
Về xã Mường Lạn hôm nay, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống của nhân dân nơi đây đang đổi thay, trường học, trạm y tế, đường trục xã, nội bản, liên bản được đầu tư khang trang; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Lò Trọng Đại, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trước khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân của nhân dân trong xã mới đạt 5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo trên 70%. Với quan điểm xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, xã xác định thế mạnh phát triển kinh tế là sản xuất nông nghiệp. Với hướng đi đó, xã tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đa canh, đa sản phẩm. Từ lợi thế có trên 3.400 ha đất sản xuất nông nghiệp, bà con đã tích cực thâm canh 770 ha ngô lai, năng suất hơn 6 tấn/ha; 23 ha lúa mùa, năng suất 5,5 tấn/ha; hơn 640 ha sắn, năng suất bình quân đạt hơn 18 tấn/ha, bảo đảm lương thực tại chỗ và làm hàng hóa.
Từ năm 2015 đến nay, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng cây ăn quả, nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng cây ăn quả có múi. Đến nay, bà con trồng, chăm sóc 368 ha cam, quýt, cam đường canh, bưởi da xanh; trong đó, trên 250 ha cho thu hoạch, sản lượng bình quân trên 1.350 tấn quả/năm.
Năm 2016, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 30a, gia đình chị Vì Thị Tình, bản Cống, xã Mường Lạn, đã chuyển đổi 1,5 ha đất trồng cây trên nương sang trồng cây ăn quả. Chị Tình chia sẻ: Sau hơn 8 năm cải tạo và mở rộng diện tích; đến nay, gia đình có trên 250 gốc cam, 100 gốc nhãn, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, xã còn định hướng cho nông dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng gia trại, trang trại tập trung. Hiện nay, bà con duy trì chăn nuôi hơn 7.300 con trâu, bò; 3.800 con lợn trên 2 tháng tuổi và 30.800 con gia cầm các loại. Xã vận động nhân dân trồng 37 ha cỏ, tạo nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò; chỉ đạo cán bộ thú y thường xuyên hướng dẫn các hộ chăn nuôi kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nhân dân. Ngoài ra, ở khu vực trung tâm xã có 20 hộ tiểu thương tham gia kinh doanh, buôn bán với đầy đủ các mặt hàng phục vụ đời sống người dân, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Đồng hành cùng nhân dân phát triển kinh tế, các hội, đoàn thể xã đã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho trên 800 hộ dân vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, với tổng dư nợ hơn 53 tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm 2023 đến nay, xã phối hợp với Đoàn 326 hỗ trợ 2 dự án trồng 36 ha tre bát độ cho 45 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số tại bản Nà Vạc, bản Mường Lạn, bản Phiêng Pen; hỗ trợ hơn 500 kg cá giống cho 40 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số tại bản Khá, bản Mường Lạn.
Cùng với phấn đấu đạt các tiêu chí còn lại, xã Mường Lạn tập trung thực hiện các giải pháp, phát huy nguồn lực của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án, huy động sự đóng góp của nhân dân để hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đồng thời, quan tâm chính sách an sinh xã hội cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện cho họ vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình để thoát nghèo bền vững.