Mường Chà triển khai ứng dụng quản lý tín dụng chính sách
Bắt đầu từ tháng 11/2024, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Mường Chà triển khai ứng dụng quản lý tín dụng chính sách. Bước đầu triển khai cho thấy việc đưa ứng dụng vào quản lý tín dụng chính sách vừa góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng vừa thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số tại địa phương.

Cán bộ NHCSXH huyện Mường Chà hướng dẫn khách hàng sử dụng ứng dụng quản lý tín dụng chính sách.
Chỉ với chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, anh Quàng Văn Việt, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Na Sang, xã Na Sang không chỉ giới thiệu chi tiết, cụ thể về các chương trình tín dụng của NHCSXH, mà còn hướng dẫn, hỗ trợ hội viên làm thủ tục vay vốn nhanh gọn, thuận tiện mà không cần mang theo cả xấp tài liệu dày cộp như trước.
Anh Việt cho hay: Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Na Sang hiện có 31 khách hàng với dư nợ gần 2,2 tỷ đồng. Nhờ được tham gia tập huấn “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn sử dụng ứng dụng quản lý tín dụng chính sách nên 100% khách hàng thực hiện thành thạo thao tác chuyển tiền và truy cập, kiểm soát thông tin liên quan đến nguồn vốn vay, lãi suất, thời gian thanh toán… Việc thu lãi, gửi tiết kiệm trên ứng dụng được tổ thực hiện đồng loạt từ ngày 16 - 20 hằng tháng, giúp tôi quản lý, theo dõi nguồn vốn tốt hơn.

Người dân xã Na Sang sử dụng vốn vay NHCSXH đầu tư trồng dứa để phát triển kinh tế.
Được biết, ứng dụng quản lý tín dụng chính sách là một phần mềm hoạt động trên các thiết bị điện tử thông minh sử dụng hệ điều hành Android hoặc IOS nhằm cung cấp thông tin về các phương án tín dụng chính sách xã hội, cơ sở dữ liệu cho vay, trả lãi và gốc của khách hàng, kết quả kiểm tra đối chiếu cho vay và các văn bản hướng dẫn tín dụng… Từ đó giúp giảm thiểu thời gian giao dịch, ngân hàng quản lý chặt chẽ công tác đối chiếu dư nợ, số dư tiền gửi, giảm tỷ lệ rủi ro trong hoạt động tín dụng.
Sau hơn một tháng thực hiện cài đặt và cấp tài khoản cho người dùng ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mường Chà đã cấp 391 tài khoản cho: Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị và thành viên Ban đại diện; lãnh đạo và chuyên viên hội đoàn thể cấp huyện, cấp xã; cán bộ giúp việc cho chủ tịch UBND cấp xã theo dõi hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn; 100% tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn; 88 tài khoản là trưởng thôn, bản.
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giao dịch tín dụng chính sách xã hội, đến ngày 21/11/2024 toàn huyện Mường Chà đã có 172/174 tổ tiết kiệm và vay vốn, chiếm 98,8% số tổ trên địa bàn huyện, thực hiện giao dịch thu lãi, thu tiền gửi qua ứng dụng quản lý tín dụng chính sách. Số khách hàng thực hiện thu lãi, thu tiền gửi qua ứng dụng quản lý tín dụng chính sách là 7.051/7.143 khách hàng, chiếm 98,7% với số tiền lãi thu trên 2,6 tỷ đồng, thu tiền gửi tiết kiệm đạt 251 triệu đồng.

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mường Chà tuyên truyền về tiện ích của việc sử dụng ứng dụng quản lý tín dụng chính sách.
Không chỉ phát huy hiệu quả trong hoạt động quản lý hội viên của các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, ứng dụng quản lý tín dụng chính sách là một công cụ, “trợ thủ” đắc lực cho cán bộ làm công tác quản lý. Khi cài đặt, sử dụng ứng dụng, Ban đại diện huyện, lãnh đạo xã, thị trấn sẽ theo dõi được số liệu kết quả giao dịch trong tháng, tổng dư nợ từng địa bàn, dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội nhận ủy thác, dư nợ của từng tổ tiết kiệm và vay vốn; doanh số cho vay, thu nợ, theo dõi và quản lý chất lượng tín dụng như lãi tồn, nợ quá hạn… Tuy nhiên, với đặc thù huyện vùng cao Mường Chà vẫn gặp một số khó khăn trong quản lý tín dụng chính sách. Trên địa bàn huyện còn 13 bản thuộc 7 xã: Mường Mươn, Na Sang, Mường Tùng, Sá Tổng, Ma Thì Hồ, Hừa Ngài, Huổi Mí chưa có sóng 4G; một số tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn lớn tuổi việc sử dụng ứng dụng chưa thành thạo… dẫn đến chưa phát huy hiệu quả ứng dụng.
Ông Vùi Văn Nghĩa, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mường Chà cho biết: Để đạt mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện có 100% tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện giao dịch thu lãi, thu tiền gửi qua ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tiện ích của việc sử dụng ứng dụng; chú trọng việc kiểm tra, giám sát việc triển khai, sử dụng ứng dụng. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn người dùng, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khi tiếp cận ứng dụng công nghệ trong quản lý, sử dụng tín dụng chính sách.