Muốn Thông tư 29 được thực thi hiệu quả, cơ quan quản lý cần kiểm tra, làm nghiêm

Luật sư nhận định, các cơ quan chức năng cần phối hợp tăng cường, kiểm tra xử lý hoạt động dạy thêm 'chui'.

.t1 { text-align: justify; }

Vào tháng 5, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết: "Học sinh THPT Ngô Thì Nhậm kể học thêm GV trên lớp ở nơi ghi biển Tri Thức Việt"; "Khi Tạp chí phản ánh, cơ sở dạy thêm gỡ biển, GV THPT Ngô Thì Nhậm báo cáo gì?".

Theo đó, bài viết ghi nhận chia sẻ của học sinh về việc học thêm với một số giáo viên chính khóa Trường trung học phổ thông Ngô Thì Nhậm tại địa chỉ ngõ 15B/15 đường Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội, bên ngoài cổng nơi dạy thêm này có gắn biển Tri Thức Việt. Đáng nói, sau khi Tạp chí đăng bài phản ánh thì lãnh đạo công ty sở hữu tên miền được ghi trên bảng biển có chữ Tri Thức Việt cho biết, công ty không có cơ sở dạy thêm ở Tả Thanh Oai. Vị này cho biết, công ty có ký hợp đồng hợp tác với một số giáo viên Trường trung học phổ thông Ngô Thì Nhậm nhưng chưa triển khai cơ sở tại địa chỉ đường Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội).

Cùng với đó, theo thông tin từ ông Đặng Trần Xuân - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo) được Tạp chí nêu trong bài viết: "Tạp chí phản ánh GV dạy thêm HS chính khóa: Sở GD Hà Nội được trường báo cáo ra sao?" thì cũng không rõ thông tin báo cáo của Trường trung học phổ thông Ngô Thì Nhậm liên quan đến vấn đề được Tạp chí phản ánh cụ thể như thế nào.

Phóng viên đã đề nghị được cung cấp báo cáo của trường với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, phóng viên chưa nhận được văn bản này . Điều này gây nhiều băn khoăn về việc thực hiện Thông tư 29 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Xử lý nghiêm giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa và dạy tại cơ sở "chui"

Theo Luật sư Phạm Quang Biên, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về việc tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường phải tuân thủ các điều kiện về đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, và đáp ứng các yêu cầu về đội ngũ giáo viên, các thông tin của cơ sở, địa điểm tổ chức dạy thêm.

Cơ sở dạy thêm "chui" là địa điểm tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm mà không tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là không có đăng ký hoạt động.

Trường hợp cơ sở dạy thêm ở ngõ 15B/15 Tả Thanh Oai bị Công ty phủ nhận là đơn vị trực thuộc, và cơ sở tự tháo bảng hiệu cho thấy dấu hiệu né tránh kiểm tra, không minh bạch.

"Cần sự vào cuộc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc xác minh cơ sở dạy thêm tại ngõ 15B/15 Tả Thanh Oai có phải là cơ sở dạy thêm chui hay không.

Trước hết, có thể thực hiện một số biện pháp như: tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở này; hỏi các hộ gia đình, cá nhân sinh sống tại khu vực để nắm bắt thông tin ban đầu.

Đồng thời, cần phải xử lý nghiêm giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa và dạy tại cơ sở chui", luật sư Phạm Quang Biên nêu quan điểm.

Cần tăng cường kiểm tra xử lý dạy thêm vi phạm Thông tư 29

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội), Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động này. Qua đó, tránh việc lạm dụng dạy thêm, học thêm để gây ảnh hưởng đến uy tín của hoạt động giáo dục, gây khó khăn cho phụ huynh học sinh trong việc buộc phải chi trả các khoản chi phí từ việc con học thêm theo "phong trào", hoặc sợ con không theo kịp các bạn đi học thêm...

Quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm học thêm là hợp lý và phù hợp với thực tiễn giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện thì nhiều địa phương phát sinh những vấn đề bất cập như vẫn có hiện tượng "dạy chui", không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, không đăng ký kinh doanh và báo cáo theo quy định.

 Luật sư Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC

Luật sư Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC

Theo luật sư, thực tế hiện nay vẫn có một số cá nhân, tổ chức không tuân thủ pháp luật, tìm cách né tránh, cố tình hợp thức hóa hoạt động dạy thêm trái quy định hoặc tổ chức dạy thêm mà không tuân thủ quy định về báo cáo với ủy ban nhân dân cấp xã, phường.

Trước tình trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với chính quyền địa phương nhằm kịp thời kiểm tra phát hiện và xử lý đối với các tổ chức vi phạm hoạt động kinh doanh, vi phạm hoạt động về giáo dục đào tạo. Qua đó đảm bảo công bằng, minh bạch, quyền lợi của giáo viên và học sinh.Tránh việc học thêm theo "phong trào" trở thành gánh nặng cho phụ huynh, hoặc tác động tiêu cực đến quá trình học tập của học sinh.

Cần

Thực tế hiện nay, một số công ty kinh doanh về lĩnh vực dạy thêm, có nhu cầu mở thêm cơ sở, chi nhánh, họ chỉ cần đăng ký với Sở Tài chính để được cấp phép địa điểm kinh doanh.

Theo quy định hiện hành, dạy thêm học thêm không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì thế, các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình giảng dạy… không được kiểm soát. Và chỉ khi cơ sở bị phản ánh hoặc có dấu hiệu vi phạm, cơ quan chức năng mới thanh, kiểm tra. Như vậy, có đảm bảo quyền lợi của người học?

Phân tích dưới góc độ pháp lý về nội dung nêu trên, luật sư Phạm Quang Biên (Hãng luật IMC, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, kinh doanh hoạt động dạy thêm thuộc mã ngành 8559 và theo Luật Đầu tư, đây không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nên việc quản lý chủ yếu là hậu kiểm. Hiện nay, cũng không có quy định về mức thu học thêm như Thông tư 29 nêu thì mức thu là thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với cơ sở dạy thêm.

 Luật sư Phạm Quang Biên. Ảnh: NVCC

Luật sư Phạm Quang Biên. Ảnh: NVCC

Tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có quy định về thời lượng, thời gian, địa điểm và hình thức tổ chức dạy thêm, học thêm phải phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi, bảo đảm sức khỏe của học sinh; tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm. Các quy định này đang nằm rải rác ở các thông tư khác nhau.

"Với quy định về việc cấp phép hoạt động đối với các cơ sở dạy thêm hiện tại, đang tạo ra khoảng trống trong quản lý, tiềm ẩn nguy cơ các cơ sở dạy thêm hoạt động không đảm bảo tiêu chuẩn ngay từ đầu.

Vì vậy, cần thắt chặt điều kiện về cơ sở vật chất, người dạy thêm,… để ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm, thiệt hại có thể xảy ra trong tương lai cũng như nâng cao chất lượng của cơ sở dạy thêm, học thêm", luật sư Phạm Quang Biên chia sẻ.

Thông tư 29 quy định về trách nhiệm quản lý dạy thêm, học thêm như sau:

Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Chịu trách nhiệm quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm tại địa phương.

2. Ban hành quy định về dạy thêm, học thêm của địa phương, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan quản lí giáo dục và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm;

b) Việc quản lí và sử dụng kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm;

c) Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm.

3. Chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lí; xử lí vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm của địa phương.

2. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm cho các nhà trường, các tổ chức và cá nhân liên quan thuộc phạm vi quản lí trên địa bàn.

3. Tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lí; xử lí theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lí vi phạm.

Điểm e, khoản 3, điều 42 Nghị định 142 quy định về phân định thẩm quyền của Chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan quản lý việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Mạnh Đoàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/muon-thong-tu-29-duoc-thuc-thi-hieu-qua-co-quan-quan-ly-can-kiem-tra-lam-nghiem-post251583.gd
Zalo