Muốn tạo 'kỳ lân' cần làm tốt thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Sáng 25/10, Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam (VCCA) tổ chức diễn đàn doanh nghiệp về bảo vệ bản quyền và tri thức tại Việt Nam. Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh 20 năm Việt Nam gia nhập Công ước Berne bảo vệ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường nhận thức và thực thi các biện pháp bảo vệ bản quyền tác giả nói riêng, quyền sở hữu trí tuệ nói chung…

Diễn đàn có sự tham gia của đại diện các bộ ngành và chuyên gia về sở hữu trí tuệ.

Diễn đàn có sự tham gia của đại diện các bộ ngành và chuyên gia về sở hữu trí tuệ.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả đã, đang là điều kiện bắt buộc trong hội nhập kinh tế quốc tế của mỗi quốc gia. Việt Nam đã từng bước ban hành và sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ song tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra, nhất là trên môi trường số, internet.

Điều này đã gây ra thiệt hại không nhỏ đối với các nhà đầu tư sáng tạo và là thách thức với hoạt động phát triển công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa của đất nước….

VI PHẠM BẢN QUYỀN RẤT PHỨC TẠP

Theo bà Lâm Thị Oanh, giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ Sáng tạo và Bản quyền Việt Nam, thị trường nội dung số phát triển mạnh mẽ, vừa tạo ra các cơ hội song cũng đem lại các thách thức lớn. Số liệu từ Hội Truyền thông số Việt Nam cho thấy ước tính số lượng người tiêu thụ nội dung video xâm phạm bản quyền năm 2022 là 15,5 triệu người, đến năm 2017 ước tính có thể tăng lên hơn 19 triệu, làm thất thoát hơn 450 triệu USD.

Còn ông Phạm Hoàng Hải, giám đốc Trung tâm đo kiểm phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết ở Việt Nam có khoảng hơn 200 website phim lậu thu hút khoảng 120 lượt xem/tháng và khoảng 70 website bóng đá vi phạm bản quyền với hơn 1,5 tỷ lượt view.

Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh 20 năm Việt Nam gia nhập Công ước Berne bảo vệ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.

Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh 20 năm Việt Nam gia nhập Công ước Berne bảo vệ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.

Thị trường nội dung số cạnh tranh khốc liệt, song hiện nay rào cản là thiếu cơ chế, chính sách.

Đề cập đến thực trạng hiện nay, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan chưa cao. Các thành phần sáng tạo chưa quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng. Sự phát triển nhanh chóng, phức tạp của công nghệ, đặc biệt trên môi trường số dẫn đến việc xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng phức tạp.

Ngoài ra, chưa có bộ phận chuyên trách về bảo hộ và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan đến các tài sản trí tuệ tại các cơ quan quản lý ở địa phương. Việc xử lý các vụ việc xâm phạm còn chậm, chưa rõ ràng…

Do đó, theo ông Tuấn thời gian tới cần tập trung vào các nhóm giải pháp như hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tuyên truyền, nâng cao nhận thức; thu hút và hỗ trợ đầu tư, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ…

MUỐN TẠO “KỲ LÂN” CẦN LÀM TỐT VIỆC THỰC THI QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Nhắc đến vụ việc “sói Wolfoo và Peppa Pig”, TS. Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết quyền sở hữu trí tuệ là một trong những đối tượng có thể trở thành rào cản đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

“Nếu không có những đánh giá cụ thể, chúng ta phải trả giá đắt. Doanh nghiệp sẽ phải tốn nhiều tiền, thời gian để giữ được hoạt động kinh doanh bình thường”, TS. Trần Lê Hồng nhấn mạnh.

Do đó, tiến sĩ Hồng cho rằng Việt Nam đang chuyển dần từ một nước sử dụng sang nước tạo ra tài sản trí tuệ để phát triển sản xuất, kinh doanh và với các tiêu chuẩn mới, doanh nghiệp buộc phải thích nghi, nỗ lực và “nếu thành công sẽ rất lớn, tạo ra các kỳ lân trong đổi mới sáng tạo”.

Theo tiến sĩ Trần Lê Hồng, pháp luật sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo các yêu cầu của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam và EU (EVFTA) đã nâng cao mức bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vượt bậc so với chuẩn mực quốc tế phổ biến hiện nay là Hiệp định Trips của WTO.

Mặt khác, yêu cầu cao và nghiêm ngặt đối với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ thông qua các chế tài xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính, hình sự.

Do đó, trong xây dựng luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 cần tập trung vào các chính sách như đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả/quyền liên quan; đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng, cân bằng giữa quyền lợi chủ thể quyền và quyền sử dụng, quyền tiếp cận của xa hội; tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ; nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…

TS Lê Doãn Hợp (nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định bản quyền rất quan trọng, bản quyền là đạo đức, văn hóa, trí tuệ và đã là người tài thì phải có cơ chế đặc cách.

"Có thực trạng là người tạo ra sản phẩm lại nghèo nhưng người buôn lại giàu. Nhận thức là chìa khóa của hành động. Chuyển đổi nhận thức, chuyển đổi hành động để làm bài học lớn hơn.

Dù biết là việc thực hiện rất khó khăn song khó thì càng phải làm vì không làm thì chất xám của Việt Nam chảy ra nước ngoài còn chất xám của nước ngoài không thể vào được nước ta”, ông Hợp nói thêm.

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/muon-tao-ky-lan-can-lam-tot-thuc-thi-quyen-so-huu-tri-tue.htm
Zalo