Muộn nhất đến 31/12/2031 đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành
Hồi âm ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc về mục tiêu hoàn thành Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, vận hành vào năm 2030, Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công Thương) nói muộn nhất 31/12/2031sẽ vận hành dự án.

Phiên thảo luận tổ về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ chín, sáng nay 17/2 Quốc hội thảo luận tại hội trường về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Trước đó, nội dung này đã được thảo luận tại tổ vào ngày 14/2 với 44 lượt ý kiến phát biểu, nhiều ý kiến đồng tình với sự cần thiết của việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Nhưng, cũng có ý kiến để nghị cân nhắc về mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2030. Bởi, qua theo dõi, tìm hiểu và theo kinh nghiệm của các quốc gia, một dự án chuẩn bị rất chu đáo, rất cẩn thận nhưng khi đưa vào vận hành cũng phải cần nhanh nhất là 8 năm, nếu không phải cần đến 10,12 năm để hoàn thành. Đây là dự án lần đầu tiên thực hiện nên cần xem xét lại lộ trình phù hợp, tính toán cho kỹ lưỡng sát đúng với thực tế, không nên ép tiến độ sẽ ảnh hưởng chất lượng cũng như tính an toàn, bển vững.
Gửi báo cáo giải trình ý kiến của các vị đại biểu, Bộ Công thương cho hay, các cơ chế chính sách ban hành cho riêng Dự án có tính cấp thiết và cần thiết phải triển khai ngay để áp dụng cho dự án, từ đó Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Thuận và chủ đầu tư các dự án mới có cơ sờ triển khai nhằm đáp ứng mục tiêu phấn đấu đưa dự án vào vận hành năm 2030, muộn nhất ngày 31/12/2031.
“Chính phủ cam kết có các giải pháp, chủ động đàm phán với các đối tác để đảm bảo xây dựng cảc dự án điện hạt nhân ở mức độ an toàn nhất, có lợi nhất cho phía Việt Nam để giảm thiểu tối đa các rủi ro đối với dự án”, theo báo cáo.
Thảo luận tại tổ, có ý kiến cho rằng, cần phải xác định rõ phạm vi và đối tượng áp dụng, Quốc hội sẽ thông qua chủ trương trên cơ sở trình bày của Chính phủ. Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng chính phủ, do vậy không nên đưa tên cụ thể chủ đầu tư dự kiến (các Tập đoàn) vào Nghị quyết của Quốc hội để đảm bảo minh bạch, công bằng cho các doanh nghiệp có tiềm lực thực hiện.
Tiếp thu ý kiến, cơ quan soạn thảo cho biết trong dự thảo Nghị quyết đã có nội dung “Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư thực hiện các dự án”, do vậy, phạm vi công việc giao cho EVN và PVN (nếu được giao) sẽ được thực hiện ở bước tiếp theo.
Về chọn nhà thầu, có ý kiến đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách cơ chế về chỉ định gói thầu “chìa khóa trao tay" được quy định tại điểm c khoản 2 Điểu 3 dự thảo Nghị quyết. Mặc dù đây là cách để đẩy nhanh tiến độ, nhưng nếu không kiểm soát chặt chẽ thì có thể ảnh hưởng đến tính minh bạch, tiến độ và chất lượng của dự án. Các nước có kinh nghiệm như Pháp, Nhật đều có hệ thống giám sát độc lập và đấu thầu công khai, minh bạch. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung việc tăng cường giám sát đấu thầu, công khai danh sách nhà thầu, thành lập Hội đồng giám sát độc lập để đảm bảo tính minh bạch.
Bên cạnh đó, còn có ý kiến cho rằng, việc chỉ định gói thầu chìa khóa trao tay thì có thể đẩy nhanh tiến độ, nhưng cần có quy định rõ ràng về điều kiện áp dụng, có tiêu chí lựa chọn nhà thầu và cơ chế giám sát chặt chẽ lựa chọn nhà thầu để tránh tình trạng cạnh tranh và diễn ra nguy cơ lợi ích nhóm.
Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình rằng, Dự án điện hạt nhân có yêu cầu đặc thù về công nghệ. Quá trình lập dự án đầu tư, thực hiện đầu tư dự án đi kèm với yêu cầu về chuyển giao công nghệ từ nhà sản xuất thuộc quốc gia sở hữu công nghệ. Một số thông tin về thiết kế, phương thức vận hành, phương án bảo đảm an toàn hạt nhân mang tính chất bí mật kính doanh, nên việc tiếp cận của các nhà thầu, đơn vị tư vấn đối với các thông tin này thường hạn chế.
Thực tế, khi triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong giai đoạn trước, chủ đầu tư đã phải làm việc với đối tác sở hữu công nghệ để có thể ký thỏa thuận 3 bên cho phép tư vấn lập dự án đầu tư có thể tiếp cận, sử dụng một số thông tin bảo mật của đối tác sở hữu công nghệ. Vì vậy, cơ chế cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu gói thầu chìa khóa trao tay cho nhà thầu được quốc gia sở hữu công nghệ đề xuất trong Hiệp định, thỏa thuận liên Chính phủ là cần thiết nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng và thành công của dự án.
Trên cơ sở kinh nghiệm đã thực hiện trong quá trình triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn 2009 -2016 trước đó, việc xác định nhà thầu cụ thể được giao thực hiện gói thầu chìa khóa trao tay sẽ được Chính phủ, các Bộ liên quan vả chủ đầu tư từng dự án đánh giá và đàm phán chi tiết với phía đối tác trong quá trình ký kết các thỏa thuận quốc tế cho dự án và đảm bảo đơn vị được lựa chọn có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện tốt dự án.
Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Ninh Thuận, các chủ đầu tư dự án xây dựng các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát bảo đảm không xảy ra lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí, tiêu cực, đồng thời chú trọng đến các vấn đề liên quan đến ngân sách, đất đai, khoáng sản và bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, theo cơ quan chủ trì soạn thảo.