Muôn nẻo Euro: Người Đức 'trong ấm, ngoài lạnh'

Nếu được hỏi điều gì khiến tôi ấn tượng nhất trong chuyến tác nghiệp tại Euro 2024 lần này, tôi chẳng do dự trả lời: Người Đức. Họ khiến tôi đi hết từ bất ngờ này đến ngạc nhiên, thú vị khác.

Những ngày đầu mới đặt chân tới Đức, tôi luôn cảm thấy người Đức lạnh lùng, không thân thiện. Tôi muốn phỏng vấn người dân địa phương cảm xúc của họ về Euro, về quá trình nước Đức chuẩn bị cho giải đấu như thế nào... Tuy nhiên, tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu. Họ không muốn hoặc chưa muốn trả lời.

Với người Đức, điều quan trọng nhất là cuộc sống riêng tư được bảo vệ, mọi hình ảnh cá nhân không được đăng công khai lên các phương tiện truyền thông, dù dưới bất cứ hình thức nào. Tóm lại, họ không muốn bị làm phiền. Bạn hãy làm việc của bạn và tôn trọng sự riêng tư của họ.

“Anh ơi, đừng có đăng mấy tấm ảnh chụp sếp em đi ăn cùng nhé. Ông mà thấy mặt ông trên nền tảng xã hội, hay trên các trang báo là chết em đấy. Không chừng ông còn kiện anh đấy”, cậu em gọi điện và nhắn tin cho tôi sau khi chúng tôi vừa dùng bữa cùng ông sếp tại Dortmund.

 Người Đức rất tôn trọng sự riêng tư cá nhân.

Người Đức rất tôn trọng sự riêng tư cá nhân.

Vốn sếp của em tôi là người Đức chính hiệu. Khi tôi ngỏ ý muốn đến thăm Viện Bảo tàng bóng đá Đức ở Dortmund thì chính vị sếp này đưa tôi đi, làm “tour guide” cho tôi. Đến chỗ hẹn trước 5 phút chờ tôi, sau đó, ông nhiệt tình dẫn tôi tới bảo tàng, làm hướng dẫn viên cho tôi 4 tiếng, giải đáp mọi thắc mắc của tôi bằng tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, đôi khi chêm vài từ tiếng Việt, có lẽ học từ em tôi.

Sếp em tôi là ví dụ điển hình về người Đức “ngoài lạnh, trong ấm”.

Chưa hết, khi đến Cologne, tôi lỡ bỏ quên chiếc mũ lưỡi trai (hiệu Adidas, là quà kỷ niệm) ở quầy mua đồ uống tự động. Đi một vòng nửa ngày trời, tôi về lại điểm xuất phát ban đầu để... tìm lại đồ bỏ quên. Chắc các bạn sẽ tặc lưỡi “làm gì còn mà quay lại tìm”? Trước đó, bạn bè tôi có nhấn mạnh, nếu lỡ quên đồ thì cứ quay lại chỗ cũ, hoặc đồ sẽ còn nguyên ở đấy, hoặc sẽ được để vào thùng/kho để đồ bị bỏ quên cho khách thất lạc đồ tìm lại dễ hơn.

Đúng như những gì bạn tôi đã nói, người Đức không cầm thứ gì không phải của họ. Tôi thấy chiếc mũ yêu quý của mình ở đúng kệ để đồ lúc tôi dừng lại mua đồ uống. Trên đó cũng có một số đồ của du khách hoặc chính người Đức bỏ quên. Có lẽ một vài ngày nữa cũng sẽ có người tới nhận lại đồ thất lạc giống tôi.

Còn rất nhiều mẩu chuyện về người Đức, mà qua đó cho thấy rõ tính cách của con người nơi đây. Họ sẽ hướng dẫn bạn rất nhiệt tình khi bạn gặp rắc rối, sẽ dẫn bạn tới tận ga tàu mà bạn muốn đến, sẽ kiên nhẫn giúp bạn ở quầy gửi đồ tại nhà ga, mua vé tự động ra sao cho đúng cách khi bạn chưa hiểu quy trình, có thể đi cả một đoạn dài cùng bạn để tìm đường giúp bạn... Người Đức quả là văn minh và đáng mến.

Bài và ảnh: GIA BÌNH (từ Dortmund, Đức)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/euro-2024/muon-neo-euro-nguoi-duc-trong-am-ngoai-lanh-783365
Zalo