Muôn màu cuộc thi sắc đẹp quốc tế

Các cuộc thi nhan sắc quốc tế được tổ chức hằng năm nhằm tìm kiếm những người đẹp đại diện cho tiếng nói của phụ nữ hiện đại.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cuộc thi sắc đẹp cấp quốc tế đầu tiên là International Pageant of Pulchritude, do Công ty CE Barfield có trụ sở tại Galveston, Texas tổ chức. Cuộc thi bắt đầu từ năm 1926 và là hình mẫu cho các cuộc thi sắc đẹp sau này.

Sau Thế chiến II, sự nổi tiếng của cuộc thi Hoa hậu Mỹ (Miss America) tổ chức lần đầu vào năm 1921, đã thúc đẩy các tổ chức khác tạo ra cuộc thi tương tự. Cuộc thi Hoa hậu Thế giới (Miss World) khởi xướng từ năm 1951, Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) và “đối thủ” của Miss America là Miss USA ra đời từ năm 1952. Cuộc thi Hoa hậu Quốc tế (Miss International) bắt đầu từ năm 1960 và Hoa hậu Trái đất (Miss Earth) lần đầu được tổ chức vào năm 2001 nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Hiện tại, sáu cuộc thi sắc đẹp lớn nhất và uy tín nhất trên thế giới là Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Hòa bình quốc tế (Miss Grand International) và Hoa hậu Siêu quốc gia (Miss Supranational).

Hoa hậu Thế giới

Là cuộc thi sắc đẹp quốc tế lớn nhất thế giới, được sách Kỷ lục Guinness ghi nhận về quy mô và lịch sử lâu nhất, Hoa hậu Thế giới được người dẫn chương trình truyền hình Eric Morley tổ chức lần đầu tiên vào năm 1951, mục tiêu ban đầu là quảng bá cho mẫu áo tắm mới. MWO (Miss World Organisation) là tổ chức sở hữu và tổ chức sự kiện này hằng năm, đã quyên góp hơn 1 tỷ Bảng Anh cho các tổ chức từ thiện dành cho trẻ em khuyết tật.

Cuộc thi Hoa hậu Thế giới nhấn mạnh thông điệp “Sắc đẹp vì mục đích cao cả”, đánh giá cao trí tuệ, nhân cách và kỹ năng ứng xử của thí sinh. Để giành chiến thắng, thí sinh cần có vẻ đẹp nổi bật, trí tuệ, lòng nhân ái và kỹ năng ứng xử. Người đẹp sau khi đăng quang sẽ tham gia nhiều hoạt động từ thiện toàn cầu.

Hoa hậu Hoàn vũ

Cuộc thi sắc đẹp quốc tế lớn thứ hai được chú ý nhất thế giới vì sự hấp dẫn và cạnh tranh khốc liệt. Cuộc thi được Công ty thời trang Pacific Mills ở California khởi xướng năm 1952 và hiện do Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ quản lý.

Các quốc gia có thành tích nổi bật tại Hoa hậu Hoàn vũ bao gồm Mỹ, Venezuela, Puerto Rico và Philippines. Các thí sinh tham gia trình diễn áo tắm, trang phục dạ hội, trang phục dân tộc, phỏng vấn, biểu diễn thời trang và các hoạt động xã hội. Điểm khác biệt của cuộc đua nhan sắc này là không có phần thi tài năng.

Hoa hậu Quốc tế

Cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên ở Long Beach, California (Mỹ) vào năm 1960, sau đó chuyển sang Nhật Bản từ năm 1968 đến 1970. Trong hai năm 1971 và 1972, cuộc thi trở lại Long Beach và sau đó được tổ chức hằng năm tại Nhật Bản.

Các thí sinh được đánh giá không chỉ qua nhan sắc mà còn qua lòng nhân ái, tinh thần hữu nghị, sự thanh lịch, trí tuệ, khả năng chủ động và sự nhạy bén với các vấn đề toàn cầu. Mục tiêu chính của cuộc thi là thúc đẩy hòa bình thế giới, sự thiện chí và hiểu biết lẫn nhau.

Vừa qua, đại diện của Viêt Nam Huỳnh Thị Thanh Thủy vượt qua 70 thí sinh và giành vương miện Hoa hậu Quốc tế 2024. Cô cũng là người đẹp Việt Nam đầu tiên đăng quang tại cuộc thi này.

Hoa hậu Trái đất

Là cuộc thi sắc đẹp lớn thứ tư thế giới, thu hút sự tham gia của khoảng 80 quốc gia, cuộc thi do Tập đoàn Carousel Productions của Philippines tổ chức lần đầu tiên vào năm 2001.

Hoa hậu Trái đất không chỉ đánh giá về sắc đẹp mà còn về trí thức, trách nhiệm và kỹ năng của các thí sinh, với mục tiêu nâng cao nhận thức và hành động vì bảo vệ môi trường. Các thí sinh sẽ trải qua các phần thi truyền thống như áo tắm, trang phục dạ hội, trang phục truyền thống, phỏng vấn cá nhân và phần thi tài năng. Điểm đặc biệt của Miss Earth là yêu cầu các thí sinh phải chuẩn bị một dự án môi trường cụ thể cho quốc gia của mình, tương tự như dự án nhân ái ở Hoa hậu Thế giới và tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.

Nguyễn Phương Khánh là người đẹp đầu tiên của Việt Nam giành được vương miện Miss Earth 2018 - một trong bốn cuộc thi nhan sắc lớn nhất hành tinh.

Hoa hậu Hòa bình quốc tế

Là cuộc thi sắc đẹp quốc tế lớn, được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, với mục tiêu chính là lan tỏa thông điệp “Chấm dứt chiến tranh và bạo lực”. Người đẹp chiến thắng có trách nhiệm thực hiện các chuyến đi quảng bá tinh thần đoàn kết và hòa bình, cũng như thúc đẩy nhân quyền trên khắp thế giới. Cuộc thi được tổ chức lần đầu vào năm 2013 tại Thái Lan với sự tham gia của 71 thí sinh và nhanh chóng giành được uy tín với quy mô tổ chức lớn. Từ năm 2013 đến 2015, cuộc thi được tổ chức tại Thái Lan, sau đó là Mỹ, Việt Nam, Myanmar, Venezuela và Indonesia.

Hoa hậu Hòa bình quốc tế tìm kiếm những người phụ nữ trên các tiêu chí không chỉ về ngoại hình mà cả tài năng và lòng nhân ái để truyền bá thông điệp hòa bình. Người đăng quang sẽ tham gia vào các hoạt động thiện nguyện và tuyên truyền cho cuộc thi.

Vượt qua 69 người đẹp đại diện các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã đăng quang Miss Grand International 2021.

Hoa hậu Siêu quốc gia

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009 tại Ba Lan, Hoa hậu Siêu quốc gia do Hiệp hội sắc đẹp thế giới (World Beauty Association, WBA), có trụ sở ở Panama, điều hành và nằm trong sáu cuộc thi nhan sắc lớn nhất hành tinh.

Việt Nam bắt đầu cử đại diện tham gia đấu trường nhan sắc này từ năm 2009 và gặt hái được nhiều thành tích nổi bật: Daniela Nguyễn Thu Mây - Á hậu 3 năm 2011, Nguyễn Huỳnh Kim Duyên - Á hậu 2 năm 2022, Đặng Thanh Ngân - Á hậu 4 năm 2023.

Ngoài sáu cuộc thi nhan sắc uy tín của thế giới nói trên còn có Hoa hậu Liên lục địa (Miss Intercontinental), được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1971 tại Aruba nhằm quảng bá du lịch toàn cầu. Việt Nam gửi đại diện tham gia cuộc thi này lần đầu tiên vào năm 2003 và năm 2015, Việt Nam lần đầu tiên lọt vào top 17 với sự tham gia của Lê Thị Hà Thu.

Ba năm sau, Lê Âu Ngân Anh, Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017 giành được vị trí Á hậu 4. Năm 2022, Lê Nguyễn Bảo Ngọc từ Việt Nam đăng quang Hoa hậu Liên lục địa tại Ai Cập.

Thành công của nhan sắc Việt trên trường quốc tế những năm qua là kết quả của sự nỗ lực, đầu tư và chiến lược bài bản, khẳng định Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh ở những đấu trường lớn.

(tổng hợp)

HOÀNG TRUNG HIẾU

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/muon-mau-cuoc-thi-sac-dep-quoc-te-299453.html
Zalo