Muôn kiểu seeding 'đen'

Trên các nền tảng mạng xã hội, seeding được hiểu là việc tạo ra tài khoản ảo để bình luận, trò chuyện nhằm tạo hiệu ứng, lôi kéo sự quan tâm của khách hàng. Seeding là một phần rất quan trọng trong tiếp thị, được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để thu hút, gây dựng niềm tin với khách hàng.

(KTSG) – Trên các nền tảng mạng xã hội, seeding được hiểu là việc tạo ra tài khoản ảo để bình luận, trò chuyện nhằm tạo hiệu ứng, lôi kéo sự quan tâm của khách hàng. Seeding là một phần rất quan trọng trong tiếp thị, được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để thu hút, gây dựng niềm tin với khách hàng.

Tuy nhiên hiện nay dịch vụ seeding đang bị lạm dụng, đánh tráo khái niệm và kể cả việc nhiều đối tượng lợi dụng seeding để lừa đảo người dùng trên mạng xã hội. Nổi bật nhất là ở mạng xã hội Facebook, tại đây tồn tại vô số tài khoản ảo được “nuôi” chuyên để seeding. Điều đáng nói các tài khoản này như người dùng thực sự: có hình ảnh, công việc, địa chỉ, thường xuyên đăng bài viết, bình luận, kết bạn, tham gia các hội nhóm, lướt newsfeed…

Nói cách khác, nếu bây giờ nhìn vào một tài khoản seeding thì người dùng không thể phân biệt thật hay giả. Điều này xuất phát từ mục đích: Tránh các đợt truy quét tài khoản giả mạo từ nền tảng như TikTok, YouTube, Facebook…

Câu hỏi quan trọng đặt ra: làm sao để tạo được một tài khoản ảo như người thật? Và các cá nhân/tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ seeding này dùng vào mục đích gì? Câu trả lời là: có vô số cách để sở hữu một tài khoản ảo. Nếu cần số lượng tài khoản lớn thì có thể đặt mua. Còn nếu số lượng tài khoản ít hơn thì người dùng có thể tự tạo và “nuôi”. Điều đáng đề cập ở đây là để có các tài khoản ảo bền lâu người dùng cần mua sim rác hoặc thuê sim ảo (một dịch vụ khác được cung cấp trên mạng). Sau đó, họ sẽ dễ dàng nhận mã code và có trong tay nhiều tài khoản trên các trang mạng xã hội.

Chưa hết, để tài khoản ảo như thật thì những cá nhân/tổ chức đứng đằng sau sẽ đi lấy hình ảnh của người dùng thật. Tất nhiên, tùy theo mục đích seeding mà những tài khoản đó sẽ lựa chọn hình ảnh phù hợp với: nông dân, giáo viên, ảnh cô gái trẻ đẹp, dân văn phòng… Và trên các nền tảng mạng xã hội, việc “ăn cắp” hình ảnh, thông tin cá nhân người khác rất dễ dàng. Chính vì điều này mà thỉnh thoảng trên Facebook chúng ta sẽ thấy bạn bè mình than trời về việc bị ai đó giả mạo tài khoản.

Từ thực tế này đặt ra câu hỏi liệu các tổ chức nhận dịch vụ seeding có đang âm thầm lấy hình ảnh người khác để làm tài khoản ảo? Câu trả lời có lẽ là có, như một người bạn của tôi ở Sài Gòn vừa phát hiện ra một người nào đó ngoài Đà Nẵng lấy hình ảnh từ Facebook để tạo ra một tài khoản mới với tên gọi khác, địa chỉ khác… Và câu hỏi quan trọng hơn: các cá nhân/tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ seeding này dùng vào mục đích gì? Bán thuốc online là một ví dụ điển hình. Tôi xem rất nhiều clip của những thầy thuốc tự xưng trên mạng xã hội, phía dưới các clip này luôn đầy những bình luận kiểu seeding: “thuốc dùng rất tốt, 1 tuần là hết bệnh”, “mình đã mua uống, cảm ơn bác sĩ nhé”…

Hoặc gần đây, tôi thấy các tổ chức lừa đảo online bắt đầu sử dụng dịch vụ seeding. Ví dụ, ở các fanpage giả mạo công an, công ty luật nhận hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo luôn đăng tải các clip và bên dưới là hàng ngàn bình luận từ dịch vụ seeding như “mồi nhử” người dùng: “không biết nói gì hơn là cảm ơn các bạn đã cứa mạng gia đình mình, tưởng đã mất số tiền bị lừa rồi, may gặp các bạn đã hỗ trợ”, “tưởng rằng không có tia hy vọng nào nữa nhưng ông trời k tuyệt đường sống của em, em cảm ơn đã lấy lại giúp em số tiền bị treo ạ”…

Bạn chú ý từ “cứa”, “k” ở hai câu seeding trên không? Đó là họ… cố tình viết sai chính tả để giống người dùng thật hơn, để dễ dàng lừa đảo hơn. Ngoài ra, nếu đọc kỹ các bình luận này bạn sẽ thấy có vô số cách seeding “câu” người dùng: giả vờ hỏi vu vơ, tạo các tranh cãi hay luôn trả lời mở để người khác vào bình luận tiếp…

Nói cách khác, các dịch vụ seeding bây giờ đang lên một “tầm cao mới”: giả như thật, có đủ mọi chiêu trò để “câu” người dùng thật.

Đặc biệt, khi các cá nhân/tổ chức chạy seeding nhận làm dịch vụ cho các tổ chức lừa đảo thì càng đáng lo ngại. Bởi trên mạng xã hội có rất nhiều người dùng cả tin, nhẹ dạ và không đủ kiến thức để phân biệt tài khoản thật và giả.

Seeding là gieo hạt, trong tiếp thị có thể hiểu là gieo hạt mầm nội dung để gây dựng niềm tin với khách hàng và chờ ngày hạt nảy mầm, cho ra trái ngọt. Nhưng hiện nay, seeding đang biến tướng, gieo những “hạt độc hại” cho người dùng trên nền tảng mạng xã hội.

Khánh Hưng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/muon-kieu-seeding-den/
Zalo