'Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước'

Để công tác dân vận đạt hiệu quả cao, một trong những phương thức hiệu quả là phải nêu gương. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, người cán bộ dân vận phải gương mẫu, nếu không gương mẫu thì không làm dân vận được. Người cho rằng, 'tuyên truyền miệng nói tay phải làm, phải tùy hoàn cảnh mà giúp đỡ nhân dân thực sự, không chỉ phải dân vận bằng diễn thuyết. Muốn vậy cán bộ phải làm gương mẫu'.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc nêu gương là hết sức quan trọng với mọi tổ chức, mọi lực lượng cách mạng và mọi cá nhân, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong các bài nói, bài viết của mình, Bác sử dụng từ “nêu gương,” “làm gương” với tần suất lớn, điều đó cho thấy Bác rất coi trọng việc “nêu gương,” “làm gương”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nêu gương có vai trò to lớn và là một giá trị trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, bởi như Người nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, "… Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

 Để công tác dân vận đạt hiệu quả cao, một trong những phương thức hiệu quả là phải nêu gương.

Để công tác dân vận đạt hiệu quả cao, một trong những phương thức hiệu quả là phải nêu gương.

Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên, Người yêu cầu: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Trong tác phẩm “Đường Cách mệnh” (năm 1927), Người nêu ra 23 điều về “Tư cách một người cách mệnh”, trong đó có điều: “Nói thì phải làm”. Người còn nhấn mạnh: “Cán bộ xung trước,/Làng nước theo sau,/Việc khó đến đâu,/Cũng làm được hết”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương trước hết là phải làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt. Thứ hai, cần nêu gương trên ba mối quan hệ: với mình, với người, với việc. Đối với mình, người cán bộ, đảng viên không được tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, mà phải luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình như rửa mặt hằng ngày. Đối với người, cán bộ, đảng viên luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào, cán bộ, đảng viên cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng” (đặt việc công lên trên, lên trước việc tư). Thứ ba, muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm. Trong tác phẩm “Đời sống mới” (tháng 3/1947), Người viết: “Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”.

Bác luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải “ghi nhớ, học tập, noi gương các đồng chí: Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai...," vì các đồng chí đó “đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập." Bản thân Bác, trong suốt cuộc đời mình, đã tuôn tâm niệm "Tôi xin thực hành trước”.

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo của Đảng bằng nêu gương, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, như Quy định số 47 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 101 của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55 của Bộ Chính trị khóa XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và nội dung này cũng đã được đề cập ở nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Đảng; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”....

Trên cơ sở quy định của Đảng, cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp cần quán triệt, cụ thể hóa, xây dựng thành những quy định cụ thể về “tự giác nêu gương” phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Nêu gương không chỉ là một trong những biện pháp để cán bộ, đảng viên thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình mà còn là một phương thức hữu hiệu có ý nghĩa quyết định trong công tác dân vận hiện nay.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/muon-huong-dan-nhan-dan-minh-phai-lam-muc-thuoc-cho-nguoi-ta-bat-chuoc-post316879.html
Zalo