Muôn hình vạn trạng của rồng trên bia Tiến sĩ

Sự biến đổi của hoa văn rồng qua những niên đại lịch sử khác nhau có dịp tiếp cận gần hơn với công chúng qua triển lãm Hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Trưng bày kéo dài từ nay đến hết ngày 26.8.

Rồng từ chốn cung đình bước ra thế giới dân gian

Trước khi bắt tay vào thực hiện triển lãm, nhà thiết kế Trương Quốc Toàn – đại diện nhóm thiết kế đã ghi nhận, trong số 82 bia Tiến sĩ được lưu giữ đến thời điểm hiện tại tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, có 39 bia có hình tượng rồng. Đáng nói, cả 39 tấm bia này đều có sự hiện diện của hình tượng rồng trên trán bia. Đặc biệt trong số đó, có 2 tấm bia có hình tượng rồng điêu khắc tại đường diềm.

Nhà thiết kế Trương Quốc Toàn nhận xét: “Có thể xem vị trí trên trán bia là vị trí thiêng liêng, cao quý, trang trọng nhất”. Vì vậy, “khi trưng bày, chúng tôi tập trung vào sự biến chuyển của hoa văn rồng được tạo tác trên vị trí đặc biệt này”, ông Toàn cho biết.

Triển lãm Hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ thu hút được lượng lớn người xem trong ngày đầu ra mắt.

Triển lãm Hình tượng rồng trên bia Tiến sĩ thu hút được lượng lớn người xem trong ngày đầu ra mắt.

Tấm bia đầu tiên đề danh Tiến sĩ được khởi dựng vào giai đoạn năm 1484, dưới thời Lê Thánh Tông. Nhưng chưa xuất hiện bất kỳ hình ảnh nào liên quan tới rồng. TS. Trần Hậu Yên Thế, giảng viên Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, giải thích dù chưa có văn bản chính thức nào, nhưng theo điển chế của nhà nước phong kiến Trung Hoa, rồng chỉ được sử dụng trong các vật phẩm gắn với nhà vua, hoàng tộc.

Tư tưởng này được áp dụng chung trên các quốc gia thuộc khối đồng văn với Trung Hoa. Nhằm tăng tính thẩm mỹ cho bia đá, nghệ nhân xưa đã đưa vào những hoa văn như thực vật hay vầng sáng nhật – nguyệt. Kinh sách dưới thời Trần có ví von ngọc mani trong Phật giáo tựa như mặt trăng, mặt trời. Loại ngọc này tinh khiết đến mức những thứ uế nhơ không thể xâm nhập vào được.

Qua 25 tấm bia được tạo tác vào năm 1653, có 15 tấm bia xuất hiện hình tượng rồng tả thực chưa từng có. Rất ấn tượng với sự biến chuyển đặc biệt này, song đội ngũ thiết kế của ông Toàn vẫn đang đi tìm lời giải cho việc tạo tác của các nghệ thuật thuở đó. Lý giải cho điều này, góc nhìn của TS. Trần Hậu Yên Thế đã liên hệ tới thời điểm quyền lực giữa hai thế lực ở Đàng Ngoài – vua Lê và chúa Trịnh xung đột căng thẳng. “Khi đó, đích thân chúa Trịnh đã đốc thúc phường thợ điêu khắc ở làng Kính Chủ (Hải Dương) làm cùng lúc 25 văn bia ghi danh Tiến sĩ trong cùng một năm”, TS. Trần Hậu Yên Thế chia sẻ.

Sự xuất hiện “vô tiền khoáng hậu” của hình tượng rồng tả thực, theo TS. Trần Hậu Yên Thế, rõ ràng thể hiện ý đồ của nhà chúa. Dường như, chúa Trịnh muốn thao túng quyền lực mềm trên phương diện mỹ thuật, nhân buổi thực quyền của nhà vua trên đà suy yếu. Từ đó, rồng không còn cư trú ở cung vua nữa, mà bắt đầu lan tỏa hình bóng tới các thôn quê.

Tổ hợp Rồng giữa thiên hà với hình tượng rồng đa sắc hơn qua thiết kế của đội ngũ thực hiện.

Tổ hợp Rồng giữa thiên hà với hình tượng rồng đa sắc hơn qua thiết kế của đội ngũ thực hiện.

Níu giữ hình tượng rồng ở lại trong nghệ thuật dân gian

Sang tới đợt tạo tác từ năm 1717 cho đến năm 1780 – là năm tạo bia cuối cùng trong hệ thống bia Tiến sĩ của Thăng Long, có 21 tấm bia được làm ra có đồ án rồng. Tuy nhiên, thoát ly khỏi những chuẩn mực thông thường về rồng, rồng có sự “thiên biến vạn hóa” theo nhiều phong cách khác nhau. Đó có thể là rồng hóa mây, rồng hóa mây lửa, rồng hóa lá.

Giải thích cho sự biến đổi này, theo TS. Trần Hậu Yên Thế, bước qua nhiều biến động của thời cuộc trong thế kỷ 17, quyền lực nhà vua dần được củng cố vững chắc hơn. Đây cũng là lúc có sự quay trở lại với điển lệ xưa của triều đình. Nên không được phép xuất hiện rồng thật – yếu tố đại diện cho nhà vua, hoàng tộc. Dân gian muốn níu giữ hình tượng rồng, đã phải biến đổi loài vật này.

Cồng Long môn phỏng theo hoa văn trên bia Tiến sĩ khoa thi 1667 được dựng năm 1717.

Cồng Long môn phỏng theo hoa văn trên bia Tiến sĩ khoa thi 1667 được dựng năm 1717.

Ghi nhận những đồ án trang trí của phương Tây xuất hiện dày đặc những chạm khắc hình hoa lá, nhà thiết kế Trương Quốc Toàn đặt giả thiết, rồng hóa lá phải chăng là sự tiếp thu từ mỹ thuật của những người châu Âu. Bởi thế kỷ XVIII là giai đoạn đoạn có nhiều người châu Âu đặt chân lên nước ta giao thương, khiến cho việc giao thoa văn hóa Đông – Tây trở nên mạnh mẽ. Do đó, những cách thức biểu đạt của người phương Tây phần nào đã ảnh hưởng ít nhiều tới nghệ thuật hình họa Việt Nam.

Song, TS. Trần Hậu Yên Thế lại cho rằng, rồng hóa lá là sự tiếp thu những hình tượng linh vật biến hóa thành cỏ cây trong văn hóa Ấn Độ. Còn với rồng hóa mây, theo TS. Trần Hậu Yên Thế, là sự học hỏi từ những điển tích của Trung Hoa. Vào đời Hán, lưu truyền câu chuyện từ Lữ Hậu – vợ Hán Cao Tổ Lưu Bang rằng Lưu Bang đi đến đâu là ở đó hiện lên dải mây ngũ sắc. Từ câu chuyện về vị vua đầu triều Hán, mây trở thành điềm báo cho bậc đế vương. Cùng với đó, người Trung Hoa xưa còn truyền lại tích cổ “Long tòng vân, hổ tòng phong”, tức rồng bay đến phương trời nào, mây theo tới đó, hổ bước tới mảnh đất nào, gió thổi tới đó.

Cồng Long mon phỏng theo hoa văn trên bia Tiến sĩ khoa thi 1748 được dựng cùng năm.

Cồng Long mon phỏng theo hoa văn trên bia Tiến sĩ khoa thi 1748 được dựng cùng năm.

Thế nhưng, không phải cho đến thời kỳ này mới xuất hiện đồ án rồng hóa mây. Bởi từ trước đó, hình tượng này đã được thể hiện qua bức điêu khắc đó trên bậc thềm dẫn lên Điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long được tạo tác vào thế kỷ 15. Trên bậc thềm, ngoài đôi rồng trong tư thế vuốt râu ở giữa được công nhận là Bảo vật quốc gia, ta không thể rời sự chú ý vào đôi rồng hóa mây được đặt ở hai bên ngoài. Nhìn chung, việc rồng hóa thành thực vật qua việc giao thoa với văn hóa Ấn Độ hay rồng hóa thành hiện tượng tự nhiên tựa theo văn hóa Trung Hoa, đều phản ánh nghệ thuật tạo hình của Việt Nam có sự tiếp biến từ hai nền văn hóa lớn của phương Đông.

Đa dạng trong ngôn ngữ biểu đạt

Với mong muốn đánh thức cảm nhận của khán giả về hình tượng rồng, đội ngũ thiết kế không chỉ dừng lại ở những bản rập đơn thuần, mà muốn tìm kiếm những cách thức biểu đạt mới, để tăng tính trải nghiệm của du khách. Đó có thể là trình chiếu bản phục dựng màu, hay tạo hình văn bia thành những cổng long môn,… Nhà thiết kế Trương Quốc Toàn giới thiệu, đến với Hội ngộ với rồng, người xem được tương tác với tác phẩm mình đang chiêm ngưỡng. Vầng mặt trời ở giữa đôi rồng chầu được tạo hình từ một tấm gương. Nhờ vậy, khi người xem thấy mình trong tác phẩm cũng là lúc gặp gỡ với rồng.

Người xem thích thú với trải nghiệm tương tác tại tổ hợp Hội ngộ với rồng

Người xem thích thú với trải nghiệm tương tác tại tổ hợp Hội ngộ với rồng

Cùng với đó là tổ hợp Rồng giữa thiên hà, một sản phẩm cũng rất được đội ngũ thiết kế tâm đắc. Trong tổ hợp này, hình tượng rồng đơn sắc được phối lại với nhiều màu sắc. Đồng thời, kết hợp hình ảnh chuyển động, âm thanh và hiệu ứng ánh sáng, nhóm thiết kế muốn tạo ra khoảng không mênh mông của vũ trụ - nơi rồng có thể tung hoành. Từ đó, người xem có thể chìm vào thế giới của rồng, không phải trên mặt đất mà trong vũ trụ.

Cồng Long môn phỏng theo hoa văn trên bia Tiến sĩ khoa thi 1670 được dựng năm 1717.

Cồng Long môn phỏng theo hoa văn trên bia Tiến sĩ khoa thi 1670 được dựng năm 1717.

Cơ duyên thực hiện triển lãm xuất phát từ việc nhà thiết kế Trương Quốc Toàn nhận thấy, lâu nay, khía cạnh mỹ thuật ít được giới nghiên cứu “để tâm” hơn so với những văn tự mang giá trị lịch sử trên những tấm bia Tiến sĩ. Vì vậy, thông qua triển lãm này, ông Toàn cùng đội ngũ thiết kế mong muốn, những yếu tố mỹ thuật, đặc biệt là rồng trên văn bia Tiến sĩ sẽ được tiếp thêm luồng sinh khí mới, để đến gần hơn với những người yêu di sản, yêu nghệ thuật truyền thống.

Đoan Túc

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/muon-hinh-van-trang-cua-rong-tren-bia-tien-si-44669.html
Zalo