Muốn cách mạng thắng lợi, phải hiệp lực đồng tâm

Thực tế cách mạng Việt Nam đã chứng minh hết sức thuyết phục: Sức mạnh to lớn của đại đoàn kết toàn dân, đồng tâm hiệp lực nhất định đưa cách mạng đến thắng lợi.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tuyệt đối tin tưởng với sức mạnh đồng tâm hiệp lực của cả dân tộc. Ảnh: ST

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tuyệt đối tin tưởng với sức mạnh đồng tâm hiệp lực của cả dân tộc. Ảnh: ST

Ngay từ năm 1927, trong Đường cách mệnh, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này, đã viết: Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại. Còn trong Kính báo đồng bào vào ngày 06/6/1941, Người chỉ ra: Sở dĩ “việc lớn của cách mạng chưa thành không phải vì đế quốc mạnh, nhưng một là vì cơ hội chưa chín, hai là vì dân ta chưa hiệp lực đồng tâm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định sự bất diệt của ý chí quyết tâm, khát khao độc lập dân tộc của người Việt Nam. Tháng 3/1944, trong Báo cáo của phân hội Việt Nam thuộc Hội quốc tế chống xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Tuy đất nước Việt Nam bị giày xéo dưới gót sắt đẫm máu của dị tộc, nhưng tinh thần dân tộc của người Việt Nam vĩnh viễn không vì thế mà bị tiêu diệt. Người Việt Nam luôn đồng tâm hiệp lực để giành độc lập dân tộc và giữ vững độc lập dân tộc của mình. Trong Lời tuyên bố với các nhà báo vào ngày 08/12/1947, Người tuyên bố rõ ràng: “Chính phủ ta, toàn thể đồng bào và toàn thể tướng sĩ ta đã đồng tâm nhất trí, kiên quyết kháng chiến, tranh cho kỳ được thống nhất và độc lập thật sự”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết từ thực tiễn truyền thống tốt đẹp của Nhân dân Việt Nam: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định sự đồng tâm hiệp lực của quần chúng nhân dân phải dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản mới có thể đi đến thắng lợi. Người cho rằng: Cách mạng là cuộc đấu tranh rất phức tạp, muốn khỏi lạc phương hướng thì quần chúng nhân dân cần “phải có Đảng lãnh đạo để nhận rõ tình hình, đường lối, phương châm cho đúng”. Người nhấn mạnh: Cùng với việc có đường lối, chủ trương, chính sách đúng, Đảng phải chú trọng lãnh đạo tư tưởng để làm cho cán bộ và nhân dân thông suốt đường lối, chủ trương, chính sách, đoàn kết nhất trí, quyết tâm đi theo Đảng làm cách mạng thắng lợi. Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chứng minh sinh động về sức mạnh toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn từ khi Đảng ra đời đến năm 1975. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ: Với đường lối chính trị đúng đắn, trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và giai cấp, gắn bó máu thịt với Nhân dân và tinh thần quốc tế thủy chung, trong sáng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quy tụ, đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, các phong trào đấu tranh cách mạng to lớn và rộng khắp, đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tiếp sau đó, Đảng lãnh đạo Nhân dân đồng thời tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Vấn đề quan trọng đặt ra là cần phải có chủ trương, biện pháp tích cực, phù hợp để phát huy được cao nhất sức mạnh đồng tâm hiệp lực của Nhân dân. Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu coi trọng vai trò của công tác tổ chức. Ngay từ năm 1927, Người đã xác định: “Cách mạng thì phải có tổ chức rất vững bền thì mới thành công”. Ngày 21/12/1941, trong bài báo “Thế giới đại chiến và phận sự dân ta” đăng trên Báo Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đưa ra một yêu cầu cấp thiết: “Dân ta phải mau tổ chức lại”. Theo Người, việc tổ chức cần có những hình thức cụ thể, phù hợp để huy động được sự tham gia, hưởng ứng đông đảo của các tầng lớp Nhân dân. Người chỉ rõ: Nông dân phải vào “Nông dân Cứu quốc hội”. Thanh niên phải vào “Thanh niên Cứu quốc hội”. Phụ nữ vào “Phụ nữ Cứu quốc hội”. “Trẻ con vào “Nhi đồng Cứu quốc hội”. Công nhân vào “Công nhân Cứu quốc hội”. Binh lính vào “Binh lính Cứu quốc hội”. Các bậc phú hào và văn sĩ vào “Việt Nam Cứu quốc hội”. Người xác định những hội Cứu quốc ấy do Việt Nam độc lập đồng minh lãnh đạo và các tầng lớp Nhân dân phải đồng tâm hiệp lực, muôn người một lòng, người có tiền giúp tiền, người có sức giúp sức, tất cả để khôi phục lại Tổ quốc và làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh đến việc phát huy truyền thống tốt đẹp đồng tâm hiệp lực của cha ông. Người viết trong Lời kêu gọi dịp 1.000 ngày kháng chiến (ngày 10/6/1948): “Cuộc kháng chiến của ta đã tập trung tất cả tinh thần quật cường yêu nước của giống nòi Hồng Lạc lưu truyền từ mấy ngàn năm. Nó tập trung những kinh nghiệm chiến đấu của các vị anh hùng dân tộc: Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Nguyễn Quang Trung để lại”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên chỉ ra phải thông qua các phong trào thi đua yêu nước để các tầng lớp Nhân dân tham gia, hưởng ứng, đồng tâm hiệp lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tháng 12/1954, Người kêu gọi: Chúng ta phải đoàn kết để thi đua, trong thi đua phải có tổ chức, có kế hoạch, thi đua không phải là ganh đua, giấu nghề và khi thi đua mọi người phát triển tài năng, sáng kiến của mình, đồng thời học hỏi điều hay của nhau, giúp nhau sửa chữa hạn chế khuyết điểm để cùng nhau không ngừng tiến bộ.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã và đang đòi hỏi ngày càng cao sự đồng tâm hiệp lực của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng tâm hiệp lực, đại đoàn kết phải được coi trọng trong tất cả các lĩnh vực, trong chăm lo đời sống Nhân dân, xây dựng chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng tiêu cực, hội nhập quốc tế… với những chủ trương, giải pháp đúng đắn, khả thi, hiệu quả. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam, muôn người như một, phải cùng nỗ lực hưởng ứng với ý chí, tình cảm, hiệu quả cao nhất Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chúng ta cũng đồng thời kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, bệnh mất đoàn kết, hẹp hòi và chống sự chia rẽ của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã và đang tìm mọi cách phá hoại sự đoàn kết của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tuyệt đối tin tưởng với sức mạnh đồng tâm hiệp lực của cả dân tộc, nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi tinh thần mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định: “Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang và kinh nghiệm quý báu của Đảng ta; phát huy cao nhất tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc, ý Đảng và lòng dân; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, trước hết là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; tận tâm, tận lực, tận hiến, phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, vì nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”./.

CÔNG MINH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/muon-cach-mang-thang-loi-phai-hiep-luc-dong-tam-34163.html
Zalo