Muốn bán tín chỉ carbon, doanh nghiệp phải có 'nguồn nhân lực xanh'

Việt Nam đang hình thành thị trường tín chỉ carbon nhưng vấn đề hiện nay là thiếu 'nguồn nhân lực xanh'. Vì vậy, muốn bán được tín chỉ carbon, tham gia sâu hơn vào thị trường này, doanh nghiệp phải phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn.

(KTSG Online) – Việt Nam đang hình thành thị trường tín chỉ carbon nhưng vấn đề hiện nay là thiếu ‘nguồn nhân lực xanh’. Vì vậy, muốn bán được tín chỉ carbon, tham gia sâu hơn vào thị trường này, doanh nghiệp phải phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn.

Doanh nghiệp nào chủ động được nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon sẽ có những ưu thế trong thời gia tới khi tham gia vào lĩnh vực kinh tế xanh. Ảnh: NH

Doanh nghiệp nào chủ động được nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon sẽ có những ưu thế trong thời gia tới khi tham gia vào lĩnh vực kinh tế xanh. Ảnh: NH

Đây là thông tin được đưa ra tại tọa đàm Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon, do Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, báo Nông nghiệp Việt Nam, công ty TNHH Hệ sinh thái VOS HOLDINGS tổ chức hôm 16-8.

Theo các chuyên gia, năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm hình thành một sàn giao dịch tín chỉ carbon. Vì thế, các doanh nghiệp cần có kế hoạch để đào tạo nhân lực nếu muốn tham gia vào thị trường này.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Trung Đông, Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn hiện tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam rất lớn nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn vì mỗi lĩnh vực, mỗi thị trường sẽ có những điểm khác biệt nhất định. Do vậy, cần có hoạt động đào tạo để đáp ứng đúng quy định của từng thị trường, khai thác có hiệu quả năng lực giảm phát thải.

Theo ông Võ Xuân Vinh, Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Đại học Kinh tế TPHCM, để đạt được các mục tiêu giảm phát thải, việc phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực tín chỉ carbon là yếu tố quyết định.

Theo, các chương trình đào tạo và dịch vụ hỗ trợ thị trường tín chỉ carbon không chỉ trang bị kiến thức và kỹ năng mà còn giúp đảm bảo sự tham gia hiệu quả của Việt Nam vào thị trường này. Vì vậy, việc tiếp tục đầu tư vào đào tạo, mở rộng hợp tác quốc tế và phát triển các dịch vụ liên quan là cần thiết để Việt Nam vừa thực hiện được các cam kết quốc tế, vừa khai thác hiệu quả các cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải toàn cầu và thúc đẩy phát triển bền vững.

Đối với TPHCM, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và môi trường TPHCM cho rằng, hiện tại thành phố phải chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu như nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa, ngập lụt, nước biển dâng… Để đạt được những mục tiêu giảm khí thải và phát triển bền vững, TPHCM cần những chuyên gia ở các lĩnh vực như đánh giá và báo cáo phát thải, quản lý năng lượng, công nghệ giảm phát thải, tài chính xanh, chính sách và pháp luật.

Ông Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty The VOS, là một chuyên gia trong lĩnh vực tín chỉ carbon cho biết, Việt Nam có khoảng 5 tỉ tín chỉ carbon vì lợi thế địa hình trải dài qua 16 độ vĩ tuyến. Qua thống kê, hiện Việt Nam cần khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên sâu về cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon. Trong đó, việc đào tạo thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là một mắt xích quan trọng giúp vận hành thị trường tín chỉ carbon.

Đánh giá về ‘nguồn nhân lực xanh’ cho doanh nghiệp hiện nay, ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho rằng, để phát triển nguồn nhân lực phục vụ thị trường tín chỉ carbon, nhà trường đang liên kết với một số đơn vị để đào tạo nguồn nhân lực về tín chỉ carbon. Tuy nhiên, số lượng chuyên gia về tín chỉ carbon còn khiêm tốn so với nhu cầu lớn của Việt Nam.

Nguyên nhân là do Việt Nam mới tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, các nguồn lực, công nghệ liên quan đa số phụ thuộc hoàn toàn vào quốc tế. Vì thế, trong thời gian tới, doanh nghiệp nào chủ động được nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon sẽ có những ưu thế khi tham gia vào lĩnh vực kinh tế xanh nói chung, bán tín chỉ carbon nói riêng.

Trong khuôn khổ tọa đàm trên, đại diện Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Intertek Việt Nam và Công ty TNHH hệ sinh thái VOS HOLDINGS cùng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon. Dự kiến, chương trình đào tạo cấp độ đầu tiên sẽ khai giảng trong thời gian tới.

Ngọc Hùng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/muon-ban-tin-chi-carbon-doanh-nghiep-phai-co-nguon-nhan-luc-xanh/
Zalo