Muốn bán hàng ở Việt Nam, sàn thương mại điện tử nước ngoài phải có đại diện pháp lý

Dự thảo Luật Thương mại điện tử yêu cầu nền tảng nước ngoài có hoạt động thực tế tại Việt Nam phải có đơn vị đại diện trong nước để chịu trách nhiệm khi có vi phạm.

Nền tảng thương mại điện tử nước ngoài sẽ phải có đại diện trong nước. Ảnh: Gia Nghi

Nền tảng thương mại điện tử nước ngoài sẽ phải có đại diện trong nước. Ảnh: Gia Nghi

Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Luật Thương mại điện tử, trong đó đáng chú ý là quy định chặt chẽ hơn với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Dự thảo quy định nền tảng nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam như dùng tên miền “.vn”, có từ 100.000 giao dịch mỗi năm hoặc giao diện tiếng Việt phải ủy quyền hoặc lập pháp nhân trong nước, chịu trách nhiệm khi vi phạm.

Một số doanh nghiệp cho rằng cần xem xét lại tính khả thi và công bằng của quy định, đặc biệt là thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự, và đề xuất chỉ yêu cầu xác thực tối thiểu, trao quyền linh hoạt cho nền tảng.

Đại diện Shopee cũng đề xuất nền tảng xuyên biên giới nên được đánh giá và giám sát theo cùng tiêu chuẩn như doanh nghiệp nội địa, nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng, không “đánh thuế lệch tay” giữa các chủ thể kinh doanh.

Dự thảo cũng làm rõ trách nhiệm của các nền tảng, đặc biệt là sàn trung gian, như yêu cầu công khai thông tin giao dịch, sản phẩm, chủ thể kinh doanh và lưu trữ dữ liệu hoạt động, kể cả livestream, trong ít nhất ba năm.

Các nền tảng phải xử lý vi phạm trong vòng 24 giờ sau khi nhận yêu cầu từ cơ quan chức năng. Một số doanh nghiệp, gồm cả Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đề xuất áp dụng hậu kiểm thay vì tiền kiểm để tăng tính linh hoạt và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Dự thảo phân định rõ trách nhiệm từng loại nền tảng. Nền tảng bán hàng trực tiếp phải công khai quy trình giao dịch, giá cả, chính sách đổi trả và nội dung trên nhãn sản phẩm.

Sàn trung gian phải xác thực người bán, kiểm duyệt nội dung trước khi hiển thị và hiển thị đúng đánh giá của người tiêu dùng. Với nền tảng lớn, còn phải kiểm soát việc dùng trí tuệ nhân tạo trong đề xuất sản phẩm.

Dự thảo bổ sung định hướng phát triển thương mại điện tử xanh, giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Bộ Công Thương sẽ ban hành tiêu chí đánh giá mức độ “xanh” của nền tảng. Doanh nghiệp được khuyến khích dùng công nghệ thân thiện môi trường, bao bì tái chế và năng lượng sạch.

Nhà nước đảm nhận vai trò chính trong phát triển thương mại điện tử, từ xây dựng chiến lược, hỗ trợ doanh nghiệp đến đầu tư hạ tầng, khuyến khích mô hình mới và phát triển nhân lực số.

Dự thảo cũng quy định rõ các hành vi bị cấm như ưu tiên hiển thị sản phẩm bằng thuật toán mà không công khai tiêu chí, che giấu hoặc chỉnh sửa phản hồi của người tiêu dùng không có lý do chính đáng. Quảng cáo sai lệch, giao hàng không đúng mô tả hay vi phạm an toàn dữ liệu đều sẽ bị xử lý.

Gia Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/muon-ban-hang-o-viet-nam-san-thuong-mai-dien-tu-nuoc-ngoai-phai-co-dai-dien-phap-ly/
Zalo