'Mùi sen' - tập truyện ngắn đậm đà hồn cốt miền Đất Sen hồng
Đây là tập truyện ngắn thứ hai của một trong những cây bút văn xuôi sung sức của Đồng Tháp - Hồ Văn, sau “Đất quê”, xuất bản năm 2018 cũng do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp giấy phép. Tập sách in xong vào tháng 8/2024 gồm 13 truyện ngắn được Hồ Văn viết trong khoảng dăm, sáu năm trở lại đây.
Điều nổi trội trong văn xuôi nói chung, truyện ngắn nói riêng và cụ thể là trong tập “Mùi sen”của Hồ Văn, đó là vốn sống phong phú, đầy đặn, ăm ắp... của tác giả về Đồng Tháp - nơi chôn rau cắt rốn của anh. Hồ Văn là thầy giáo dạy Văn tại huyện Tháp Mười, nhưng là người sinh ra ở TP Cao Lãnh, vì vậy, nghề dạy học và mọi vùng đất từ thành thị đến nông thôn, nhất là nông thôn vùng sâu, vùng xa của Đồng Tháp xuất hiện trong truyện ngắn của anh một cách sống động, thường trực.
Vốn sống, chính là một trong những tiêu chí tiên quyết, nhằm xác lập giá trị một cây bút tự sự. Vốn sống được hun đúc bởi năng lực tiếp cận, quan sát, ghi nhận, sàng lọc... của người viết. Thể hiện sinh động một phương diện tài năng văn chương. Vốn sống cho phép người viết tha hồ lựa chọn cốt truyện, nhân vật... nhất là hệ thống chi tiết đắt giá - vốn có sẵn trong thực tiễn, qua đó, tự tin và thoải mái lựa chọn, đưa vào tác phẩm của mình.
Phi vốn sống bất thành tự sự! Với “Mùi sen”, người đọc không khó để bắt gặp điều đó ở Hồ Văn. Mà đó là vốn sống mang đậm hồn cốt, tinh hoa của miền Đất Sen hồng, rất đỗi độc đáo, đặc trưng.
Đó là bàn tay bà Hai Trầu rất “truyền thống”, cố níu giữ nếp xưa nơi thôn dã, say mê đốt lá để nấu ăn mỗi ngày, qua đó, kết hợp lấy tro bón cây, khi trong nhà có sẵn hai, ba cái bếp ga (“Đốt lá”) hay tấm lòng của lão Tư Xỉn, vốn là bợm nhậu một thời, đã giải thoát và cưu mang con chó Lai, suýt vào nồi, trong câu chuyện cực kỳ nhân văn và cảm động (“Con chó của lão Tư Xỉn”). Đó là: “Những giọt mưa long lanh như giọt máu rơi, tuôn ra từ đám dưa hấu mùa nghịch của anh Sáu năm nào. Nó có vị phèn chua đất quê và mùi biển mặn, loang thành dòng xuống đồng ruộng, đìa sen” (“Dưa hấu mùa nghịch“) hay: “Trong thân thể của Thu cũng toát ra một thứ hương thơm có khác gì mùi sen ngấm vào từng mạch máu, từng thớ thịt của Khánh” (“Mùi sen”)...
Tuy nhiên, đầy đặn vốn sống mới chỉ là một thành tố làm nên văn chương tự sự. Để chuyển hóa vốn sống thành truyện ngắn, mà là truyện ngắn hay thì cần tài năng của người viết. Tài năng ấy bộc lộ bằng những kỹ năng thường thấy như: xây dựng cốt truyện, xác lập tuyến nhân vật và ngôi kể, lựa chọn chi tiết và hình ảnh, cách hành văn và hệ thống từ ngữ, cũng như vận dụng thủ pháp nghệ thuật... Trong “Mùi sen”, Hồ Văn cho thấy, mình đã thể hiện rõ những kỹ năng trên và đã gặt hái thành công đáng ghi nhận. Điều này, càng rõ hơn, khi đọc cả tập truyện ngắn đầu tay của anh - “Đất quê”.
Cốt truyện và nhân vật của cả 13 truyện ngắn trong “Mùi sen” đều xoay quanh những câu chuyện và con người thường gặp trong cuộc sống nơi miền đất Đồng Tháp - rất đỗi gần gũi, mộc mạc, thân thương. Hồ Văn không thuộc tạng thích “lạ hóa” cốt truyện và nhân vật theo cái cách “gây sốc”, bí hiểm... Truyện của anh là câu chuyện giản dị, hồn hậu của lúa, sen, dưa hấu, đồng bưng, mùa cấy...; của con trùn, con ốc bươu vàng, con tắc kè...; của những người nông dân như bà Hai Trầu, lão Tư Xỉn, lão điên... hay của một lớp trẻ nông thôn từng bước vươn lên khởi nghiệp, làm giàu như Khánh, Thu... Có thể nói, đọc các truyện ngắn (và cả tản văn) của Hồ Văn, người đọc đã cảm nhận, tiếp cận một cách cụ thể, sâu sắc quê hương Đồng Tháp, không chỉ bằng những hình ảnh sinh động của đất và người, mà hơn thế, còn lay động bởi chiều sâu hồn cốt và tâm linh của một miền đất.
Bên cạnh đó, với ưu thế là người dạy Văn đã hơn 20 năm, lối hành văn, cách đặt câu, dùng từ, vận dụng thủ pháp nghệ thuật... ở 13 truyện ngắn trong “Mùi sen” của Hồ Văn đã đạt đến độ trong sáng và cuốn hút cần thiết.
Trong bài viết mang tính giới thiệu sách với dung lượng không cho phép viết dài, chỉ xin nhấn mạnh đến một thế mạnh, sở trường của Hồ Văn, đó là kỹ năng lựa chọn chi tiết đặc sắc, đắc địa, qua đó giúp truyện ngắn của anh cuốn hút, thú vị. Tất cả những ai làm văn chương tự sự, nhất là truyện ngắn, đều có chung một đúc rút “máu thịt”, rằng: một truyện ngắn hay, trước hết phải là một tập hợp hệ thống chi tiết đặc sắc, mới mẻ, phù hợp, logic... Phi chi tiết bất thành truyện ngắn!
Hồ Văn là một trong không nhiều cây bút truyện ngắn ở Đồng Tháp quan tâm và đạt được thành công ở kỹ năng và thao tác này. Đọc 13 truyện ngắn trong “Mùi sen” (dày 220 trang), gần như lần lật giở nào, ta cũng bắt gặp những chi tiết “đáng giá”, mới lạ. Thử minh họa bằng mấy trang đầu và cuối sách. Đây là trang đầu tiên: “Bà Hai miệng ngậm cục thuốc rê, nước trầu ướt đỏ chảy dài hai bên mép, vai vắt khăn rằn, một tay xách ấm nước, tay còn lại kéo sền sệt cái bao lá”. Trang thứ hai: “Chị nghe sống mũi cay cay bởi mùi tanh tanh toát ra từ da thịt của một người đàn bà suốt cả đời quần quật với vườn tược, sông nước, nuôi cả bầy con khôn lớn”. Trang thứ ba: “Phía bên kia, phố hoa Sa Đéc đã nổi đèn. Có một dòng chảy của con sông Tiền vội vã xoáy mạnh vô xóm nhỏ ven đô, xốc ngược trở ra, lượn lờ, thư thả vuốt ve cái cồn An Hiệp”. Trang 214: “Đêm nay chỉ thấy bàng bạc màu trăng, màu nước mắt của niềm vui sum họp. Nổi bật trên nền đó có ba bóng người chảy xuyên qua bờ lau, ngọn cỏ. Thoảng trong gió, trong sương là mùi sen của đồng quê ngan ngát”. Trang áp chót: “Sen có nguồn gốc ở đâu thì mặc kệ. Nhưng nó sống được với đất này, lăn lóc với bùn sình, hút sương gió, hứng nắng mưa của vùng đồng bưng hoang dại, thì nó đích thực là sen Tháp Mười”. Trang chót: “Hay tin Thu mang bầu, Khánh chạy đôn chạy đáo đi tìm sen trắng cho bà xã chưng cất ăn, để bồi dưỡng bào thai”...
Hồ Văn là một cây bút thành công trên nhiều thể loại như: lý luận - phê bình, ký (tản văn, tùy bút...), văn nghệ dân gian... Nhưng nổi bật nhất ở anh vẫn là thể loại truyện ngắn. Nếu không quá cực đoan, tôi cho rằng, hiện nay, ở Đồng Tháp, đang nổi lên 2 cây bút truyện ngắn, vừa viết khỏe, vừa đạt đến độ hay đáng ghi nhận, đó là Kim Thắm và Hồ Văn. Rất mong Hồ Văn tiếp tục sáng tạo và vươn tới những đỉnh cao.