Mùi của ký ức

Có những buổi sáng, tôi thức giấc giữa tiếng chim lảnh lót và thoảng hương cà phê vương nhẹ từ căn bếp nhà hàng xóm. Không phải lý trí tỉnh dậy đầu tiên, mà là ký ức – nhẹ nhàng vuốt mái tóc rối bằng những mảnh ghép thân quen. Tôi chui sâu vào chăn, khẽ bật cười khi hình ảnh mẹ hiện lên, lúi húi pha cà phê trong gian bếp mờ sương, khi em gái còn vùi đầu trong chăn ấm và bố thì đang tất tả tìm chiếc vớ lạc mất từ hôm qua.

Ảnh minh họa: Pixabay

Ảnh minh họa: Pixabay

Mùi hương luôn đến rất khẽ. Không gõ cửa, không báo trước. Chỉ lặng lẽ lướt qua đời sống bận rộn, chạm nhẹ vào cánh mũi rồi bất ngờ thổi bung cả một góc trời ký ức. Như mùi áo len cũ đã nằm im trong tủ từ năm lớp Sáu. Như mùi giấy sách giáo khoa mới tinh trong buổi sáng đầu tiên đến trường. Như mùi dầu gội mẹ dùng chỉ một lần duy nhất, rồi chẳng bao giờ quay lại. Mỗi mùi hương là một đoạn băng cũ, tua ngược không cần màn hình, chỉ cần trái tim còn biết rung lên đôi chút.

Và có một mùi tôi chưa từng kể với ai: mùi cháy khét của chiếc bánh mì bị nướng quá tay trong chiếc lò than méo mó ở quê. Nó không dễ chịu. Nhưng tôi nhớ nó, như người ta nhớ một lời nhắc nhở không bao giờ thành tiếng: dai dẳng, âm thầm, và ở lại rất lâu. Vậy nên, mỗi lần ngửi thấy mùi gì đó cháy từ quán xiên nướng đầu ngõ, hay bếp gas nhà ai quên vặn nhỏ, tôi lại nhớ về bà nội. Bà thường quên bánh trên bếp, rồi mắng yêu chính mình: “Già rồi, đầu óc như tro bay.” Tôi chẳng hiểu sao lúc ấy tôi lại bật cười, thấy cái “tro bay” ấy ấm áp đến vậy. Bây giờ, tôi chỉ thấy tro bay là thứ lặng lẽ phủ bụi lên thời gian, và không ai còn gọi tên tôi từ căn bếp ấy nữa.

Và rồi có mùi của nước mưa, không phải cơn mưa của hôm nay, mà là mùi mưa của một thời rất xa. Mùi đất ẩm sau cơn mưa đầu mùa, thứ mùi vừa lạ vừa quen, bất chợt đưa tôi trở về một buổi chiều cuối năm. Khi ấy, tôi mặc chiếc áo mưa rộng lùng thùng, đạp xe len lỏi qua con đường lầy lội bùn đất để về nhà. Bố đứng đợi sẵn trước cổng, tay cầm một chiếc khăn khô. Không có lời nào được nói. Chỉ có một cái xoa đầu thật khẽ, và một cái ôm ngắn đến mức chưa kịp ấm người đã phải buông ra. Nhưng chính khoảnh khắc ấy, với mùi mưa vương vất trong không khí, đã in vào trí nhớ tôi một cách dịu dàng và vĩnh viễn.

Và còn một mùi đặc biệt khác, nhỏ bé thôi, ấy là mùi của lớp giấy bạc bọc ngoài viên kẹo đậu phộng. Không thơm, không sang, chỉ là thứ giấy mỏng, lấp lánh như vừa mượn chút ánh nắng mùa xuân. Lúc bóc ra, nó kêu một tiếng nhỏ “soạt” và theo sau là mùi đường, mùi vừng, và một cảm giác vô cùng trang trọng của một đứa trẻ vừa được ăn kẹo không cần xin phép. Tôi không nhớ rõ những người lớn nói gì năm đó, không còn nhớ mình mặc áo gì, đi chơi mấy nhà. Nhưng tôi nhớ cái cảm giác khi tay lục lọi trong rổ kẹo, cố tìm viên giấy màu vàng vì mẹ bảo “màu vàng tượng trưng cho may mắn”. Tôi nhớ có lần lỡ tay bóc trúng viên dính chặt, giấy rách nát, viên kẹo biến dạng, tôi buồn cả buổi chiều. Tưởng như năm mới sẽ xui luôn từ đó. Giờ lớn rồi, kẹo ngon hơn, giấy bạc đắt tiền hơn, nhưng chẳng có mùi nào khiến tôi muốn cười toe như khi bóc một viên kẹo cũ ngày xưa. Mùi của giấy, của đường, của trẻ thơ và của một mùa Tết không bao giờ trở lại.

Ký ức là thế - lặng lẽ, không ồn ào, chẳng bao giờ báo trước, và cũng chưa từng rời đi thật sự. Nó chỉ chọn cách nằm yên, âm thầm trong một góc rất nhỏ của đời sống: trong làn khói bếp buổi chiều, trong mùi gối ngủ đã quen hơi, trong hương thơm của một người từng bước bên bạn qua những năm tháng không lặp lại. Rồi vào một sáng nào đó, giữa thành phố xa lạ, giữa những bước chân vội vã và ngã tư đầy gió, bạn bỗng dừng lại, quay đầu chỉ vì một mùi hương bất chợt lướt qua, gợi lại tất cả những điều tưởng chừng đã cũ kỹ, nhưng hóa ra chưa từng phai mờ.

Linh Châu

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/mui-cua-ky-uc-a28766.html
Zalo