Mục tiêu tăng trưởng GDP trên 7%, giải pháp nào cho Việt Nam?

Có cơ sở để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 7% trong năm 2024, song cần ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Nhiều cơ sở để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 7%

Dựa trên kết quả tăng trưởng GDP quý III và 9 tháng, Chính phủ phấn đấu đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6,8 - 7% và kiểm soát lạm phát dưới 4,5%. Nhận định về mục tiêu này, TS Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2024 là có cơ sở. Bởi kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh tháng sau tốt hơn tháng trước và tốc độ tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,87%; quý II/2024 đạt 7,09% và quý III/2024 tăng trưởng 7,4%.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%, tạo đà cho tăng trưởng GDP cả năm. Ảnh ST

Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%, tạo đà cho tăng trưởng GDP cả năm. Ảnh ST

Cùng với đó, các cân đối lớn được đảm bảo, theo TS Lê Duy Bình, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, tạo dư địa để thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, ứng phó với những biến động phát sinh. Lạm phát trong vòng kiểm soát. Thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại giảm 0,86% so với cuối năm 2023. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh...

Cũng tin tưởng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% trong năm 2024, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Với mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý III và 9 tháng năm 2024 ước đạt 7,40% và 6,82%, cao hơn mức kỳ vọng, đặc biệt mức tăng trưởng này được đặt trong bối cảnh nền kinh tế một số địa phương phía Bắc bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cơn bão số 3 đầu tháng 9 vừa qua. Đây là cơ sở quan trọng giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7% trong năm 2024.

Ông Frederic Neumann – Chuyên gia kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng HSBC cũng đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 đạt 7%, cao nhất Đông Nam Á, nhờ Việt Nam cởi mở với thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Cụ thể, ông Frederic Neumann cho rằng, 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 25 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2023. Theo Tổng cục Thống kê, vốn FDI thực hiện ước trên 17,3 tỷ USD, tăng xấp xỉ 9%.

Theo ông Frederic Neumann: "FDI có vai trò tích cực và Việt Nam đã làm rất tốt trong việc thu hút nguồn lực này. Đó là lý do tại sao đây là nền kinh tế phát triển nhanh nhất ASEAN năm nay và tiếp tục đà tăng trưởng này vào 2025".

Cần cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn, thị trường. Ảnh KL

Cần cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn, thị trường. Ảnh KL

Tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển, đóng góp vào tăng trưởng

Mặc dù có nhiều nhận định lạc quan về cơ hội tăng trưởng 7% của Việt Nam trong năm 2024, tuy nhiên bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê vẫn cho rằng: Nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều yếu tố thấp hơn so với kỳ vọng. Có thể kể đến như: Hoạt động du lịch đã chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng, chưa thực sự đáp ứng được như kỳ vọng.

Trong khi đó, đoanh nghiệp vẫn đối mặt với 3 vấn đề lớn về thị trường, vốn và pháp lý; một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, chưa được cắt giảm triệt để. Đặc biệt hiện nay, doanh nghiệp phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững, tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG)… đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, trong khi thời gian để chuyển đổi không còn nhiều, nhiều nước dự kiến áp dụng từ năm 2026.

Một vấn đề nữa là dù thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… đã ổn định hơn, nhưng còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ như: Tăng trưởng tín dụng; xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0 đồng”; tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản, nhất là các dự án lớn; áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp… trong khi đó, tình hình thế giới cũng đang biến động rất bất thường, sẽ có tác động bất lợi với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm vẫn còn những thách thức cho mục tiêu tăng trưởng GDP những tháng cuối năm, TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện VEPR cho rằng: Sự khôi phục của các thị trường trong nước thời gian qua cũng là yếu tố đóng góp cho động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam 9 tháng. Nhưng động lực này vẫn đang được đánh giá chưa thực sự bền vững, và không có sự tăng trưởng mạnh mẽ như kỳ vọng trước Covid – 19. Để thực sự khắc phục bất ổn cầu tiêu dùng trong nước và cầu tiêu dùng thế giới, Việt Nam vẫn cần lưu tâm đến sự phát triển bền vững của thị trường trong nước, trong đó bao gồm cả lĩnh vực du lịch, mua sắm, tăng cường khả năng chi tiêu của người dân.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Hương, bên cạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy xuất nhập khẩu, đầu tư công, Chính phủ cần có những giải pháp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, giảm chi phí sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh, công nghệ sạch nhằm đáp ứng tiêu chuẩn môi trường của các thị trường xuất khẩu lớn như EU và Mỹ. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất thông qua các chính sách về thuế, phí, lãi suất. Cùng với đó, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu các rào cản, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn, thị trường và các chương trình hỗ trợ của chính phủ, từ đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/muc-tieu-tang-truong-gdp-tren-7-giai-phap-nao-cho-viet-nam-354743.html
Zalo