'Mục tiêu kép' của ngành thép Việt Nam

Là quốc gia sản xuất và tiêu thụ thép hàng đầu Đông Nam Á, ngành thép Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức, trong đó có sự gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường nhập khẩu sản phẩm này.

Thực tế đó đòi hỏi doanh nghiệp ngành thép phải rốt ráo thực hiện "mục tiêu kép", không chỉ tích cực ứng phó với phòng vệ thương mại tại nước ngoài, mà cần chủ động các giải pháp bảo vệ sản xuất trong nước.

Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànôịmới đã trao đổi với Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam Đinh Quốc Thái.

Kiểm tra thép cuộn xuất khẩu tại Cảng chuyên dùng Hòa Phát Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: Nguyễn Vĩnh

Kiểm tra thép cuộn xuất khẩu tại Cảng chuyên dùng Hòa Phát Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: Nguyễn Vĩnh

- Ông có thể cho biết kết quả sản xuất và xuất khẩu ngành thép trong thời gian qua?

- Ngành công nghiệp thép Việt Nam đã đạt nhiều kết quả khả quan, giữ vững vị thế là quốc gia sản xuất và tiêu thụ thép hàng đầu Đông Nam Á.

Cụ thể, theo số liệu mới nhất của chúng tôi, trong 8 tháng năm 2024 sản xuất và bán hàng thép thành phẩm đạt khoảng 19 triệu tấn (tăng 9% so với cùng kỳ 2023), xuất khẩu thép thành phẩm ước đạt 8,6 triệu tấn (tăng 8,5% so với cùng kỳ 2023). Sản phẩm thép Việt Nam có mặt tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, như khu vực ASEAN (chiếm 26%), Liên minh châu Âu (25%), Hoa Kỳ (15%)…

- Trong bối cảnh tình hình kinh tế nhìn chung có nhiều biến động, đâu là những thách thức của ngành thép, thưa ông?

- Tuy có sự phát triển mạnh mẽ, song ngành thép đối diện với nhiều thách thức.

Thứ nhất là lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam, đặc biệt từ Trung Quốc, tăng cao; hiện ở mức hơn 80%.

Thứ hai là thị trường bất động sản trong nước tuy có dấu hiệu phục hồi, song còn chưa chắc chắn.

Thứ ba là những khó khăn nội tại của ngành ảnh hưởng không ít tới sản xuất thép các loại phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Vấn đề phòng vệ thương mại là một trong những thách thức lớn của ngành hiện nay. Đến nay có 78 vụ việc phòng vệ thương mại tại 30 thị trường xuất khẩu của thép Việt Nam, chiếm khoảng hơn 30% số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2024 ngành thép phải ứng phó nhiều vụ việc phòng vệ thương mại, chỉ trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua đã phát sinh 3 vụ việc phòng vệ thương mại xuất phát từ thị trường Ấn Độ, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ.

- Theo ông, vì sao ngành thép chiếm tới 30% số vụ việc phòng vệ thương mại?

- Ngành thép Việt Nam trong những năm qua đã có sự phát triển nhanh, mạnh. Từ nền công nghiệp phải phụ thuộc hoàn toàn vào thép nhập khẩu 2 thập kỷ qua, các doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ, kỹ thuật, phát triển các nhà máy thép liên hợp, chủ động được sản xuất từ khâu đầu đến khâu cuối và bảo đảm cung cấp nhu cầu cơ bản thép cho thị trường nguyên vật liệu và xuất khẩu.

Với sự vươn mình mạnh mẽ như vậy thì đương nhiên các thị trường nhập khẩu thép, nhất là các thị trường mà Việt Nam có sự tăng trưởng cao về xuất khẩu cũng như có chung các hiệp định thương mại tự do, sẽ gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm thép Việt Nam theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Chúng tôi nhận thức đây là xu hướng tất yếu của thương mại toàn cầu và sẵn sàng có các giải pháp ứng phó phù hợp.

- Hiệp hội đã có những khuyến nghị gì để doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với những khó khăn nêu trên?

- Ngay khi có những thông tin cảnh báo từ cơ quan chức năng là Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp ngành thép đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết, cụ thể để ứng phó kịp thời. Tùy theo tính chất của từng vụ việc các doanh nghiệp sẽ tìm kiếm thông tin, kết nối với luật sư có kinh nghiệm và phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại để nắm bắt thông tin và theo kịp các bước, đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra. Thông qua đó, tìm giải pháp để có thể kháng kiện tốt nhất, nhằm đem lại kết quả có lợi nhất cho doanh nghiệp ngành thép Việt Nam.

Thời gian qua, Hiệp hội thông qua các doanh nghiệp thép của Việt Nam đã khởi xướng 11 vụ việc điều tra liên quan tới các sản phẩm thép nhập khẩu có khối lượng lớn vào Việt Nam. Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp thép Việt Nam tiếp tục cam kết, chủ động, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội và cơ quan chức năng để khởi xướng các vụ việc thép nhập khẩu có dấu hiệu làm thiệt hại đến sản xuất thép trong nước và việc làm của người lao động Việt Nam.

- Ông có kiến nghị gì để ngành thép tiếp tục phát triển?

- Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành hỗ trợ ngành thép Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai quy trình kiểm tra thép nhập khẩu trước khi thông quan, để bảo đảm thép nhập khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng được các quy chuẩn của Việt Nam.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương sớm xây dựng và trình Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” gắn với các cơ chế, chính sách đặc thù để ngành thép Việt Nam phát triển xanh, bền vững, phù hợp với Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, cũng như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP 26).

- Trân trọng cảm ơn ông!

Lam Giang thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/muc-tieu-kep-cua-nganh-thep-viet-nam-681425.html
Zalo