'Mục sở thị' nơi tổ chức 'Ngày hội khởi nghiệp quốc gia HS, SV'
Đến chiều 24/3, ở các nơi diễn ra 'Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên' tại TP Huế đã hoàn tất công tác chuẩn bị.
Trong các ngày 25 và 26/3, tại Đại học Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023” (SV_STARTUP 2023).
Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; lãnh đạo một số Bộ, ngành và tỉnh Thừa Thiên - Huế; đại diện các trường đại học, trường phổ thông, các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến khởi nghiệp sáng tạo và hàng nghìn học sinh, sinh viên.
Theo ghi nhận, hiện các bước chuẩn bị cho Ngày hội khởi nghiệp quốc gia tại Đại học Huế đã hoàn tất. Không gian chính diễn ra Ngày hội là tại Học viện Âm nhạc Huế, số 1 đường Lê Lợi đã được tổ chức chu đáo với hệ thống âm thanh, ánh sáng cho sân khấu chính tại Nhà hát sông Hương thuộc Học viện; và các gian hàng trưng bày của các đội thi ở bên ngoài. Hai trụ sở của Đại học Huế ở số 3 đường Lê Lợi và số 1 đường Điện Biên Phủ cũng đã hoàn tất các khâu chuẩn bị trong chiều 24/3.
Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (SV_STARTUP) là hoạt động thường niên được Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức nhằm thực hiện đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
SV_STARTUP nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Đây cũng là cơ hội để tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên có tính khả thi cao.
Sự kiện còn là dịp để tôn vinh các cá nhân, tập thể có những ý tưởng sáng tạo, giải pháp kinh doanh mới, phù hợp thực tiễn; cũng như ghi nhận sự đóng góp tích cực của các cơ sở giáo dục và đào tạo, các cơ quan, doanh nghiệp, các cá nhân đã quan tâm, đồng hành và hỗ trợ tích cực cho các hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Sau 4 lần tổ chức, SV_STARTUP đã thu hút hơn 20.000 người tham dự với hơn 2500 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đến từ học sinh, sinh viên, 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Ngoài ra, còn có hơn 40 hội thảo, tọa đàm, diễn đàn truyền cảm hứng đã được tổ chức. Ngày hội nhận được sự hưởng ứng của 63/63 Sở GD&ĐT, hơn 400 trường đại học, 150 đơn vị thông tấn báo chí, hơn 50 doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ đồng hành. Đặc biệt, tỉ lệ sinh viên tham gia khởi nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp 5 năm qua được duy trì ở mức cao.
Tiếp nối sự thành công của “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên” những năm trước, SV_STARTUP lần thứ V mang dấu ấn của nhiều hoạt động thiết thực, sôi nổi và sáng tạo. Điểm nhấn của SV_STARTUP lần thứ V là cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Năm nay, cuộc thi được phát động từ tháng 11/2022. Ban Tổ chức đã nhận được 508 dự án thuộc 5 lĩnh vực: Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Nông, lâm, ngư nghiệp; Giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; Y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp; Kinh doanh tạo tác động xã hội.
Từ 508 dự án, Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 80 dự án xuất sắc nhất vào vòng bình chọn và vòng chung kết của cuộc thi. Mỗi lĩnh vực sẽ có 3 dự án tiêu biểu được tham gia thuyết trình tại Ngày hội khởi nghiệp. Sau khi cuộc thi kết thúc, các dự án tiềm năng của khối sinh viên có thể được các cơ sở giáo dục đại học hỗ trợ chuyển giao cho cộng đồng.
Cùng với cuộc thi, các hoạt động đồng hành như: Ẩm thực Huế, hoạt động giao lưu văn nghệ, không gian trưng bày ý tưởng, dự án khởi nghiệp cũng sẽ được tổ chức. Đặc biệt, hoạt động bình chọn cho các dự án tham dự Ngày hội sẽ được thực hiện trên hệ thống truyền thông của Chương trình.