Mức phạt cao có khiến giao thông Việt Nam văn minh như Singapore?

Mức phạt tăng mạnh với nhiều lỗi vi phạm, trong đó có hành vi vượt đèn đỏ, chạy xe máy lên vỉa hè có thể sẽ giúp cải thiện ý thức tham gia giao thông trong ngắn hạn.

Từ đầu năm nay, mức phạt với nhiều hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được điều chỉnh tăng mạnh theo nội dung Nghị định 168.

Mức phạt dành cho lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu với xe máy hiện từ 4 triệu đến 6 triệu đồng. Khi người điều khiển ôtô không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, mức phạt tăng lên thành 8-20 triệu đồng, thay vì 4-6 triệu đồng như các quy định trước đây.

Bỗng dưng hình ảnh xe máy và ôtô xếp hàng ngay ngắn trước vạch dừng tại các ngã tư xuất hiện phổ biến từ ngày 1/1. Đây là điều hiếm có trước đây tại Việt Nam, mà thường thấy ở các nước có giao thông "văn minh" như Singapore hay Trung Quốc.

Không còn "3 đỏ thì đi"

Theo quan sát của Tri thức - Znews trong sáng các ngày đầu năm, nhiều tuyến đường ở TP.HCM đã không còn ghi nhận trường hợp xe máy rẽ phải khi đèn đỏ ở các giao lộ không có biển phụ cho phép rẽ, hoặc đèn tín hiệu ưu tiên.

Chia sẻ với phóng viên, chị Hoàng Anh (30 tuổi, TP.HCM) cho biết mức phạt cao là lý do khiến chị không còn điều khiển xe máy rẽ phải khi đèn đỏ tại giao lộ gần nhà.

"Ngã tư trước nhà tôi thường xuyên đông xe, việc rẽ phải khi đèn đỏ ở đây cũng ít khi bị CSGT xử phạt nên tôi và khá nhiều người cứ rẽ như một thói quen. Khi biết lỗi rẽ phải có thể bị phạt vài triệu từ 1/1, tôi đã không dám 'tiết kiệm' thời gian theo cách đó nữa", chị Hoàng Anh cho biết.

 Xe 2 bánh chỉ được chạy thẳng hoặc rẽ phải ở đèn đỏ khi có biển phụ hoặc đèn tín hiệu ưu tiên.

Xe 2 bánh chỉ được chạy thẳng hoặc rẽ phải ở đèn đỏ khi có biển phụ hoặc đèn tín hiệu ưu tiên.

Tại TP.HCM, nhiều ngã 3, ngã 4 có bố trí đèn tín hiệu giao thông nhưng không phải tất cả vị trí đều có biển phụ hoặc đèn ưu tiên cho phép phương tiện xe 2 bánh, ôtô được phép đi thẳng hoặc rẽ phải khi đèn đỏ.

Trên các diễn đàn mạng, nhiều bài đăng xuất hiện với nội dung nhắc nhở không được vượt đèn đỏ tại các giao lộ này, kèm theo thông tin về mức phạt đã tăng mạnh đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu.

"Chỗ này không có đèn phụ báo cho xe máy chạy thẳng khi đèn đỏ đâu, phải dừng lại. Tiền phạt 5 triệu đồng có khi bằng chiếc xe cũ để đi làm, đi học rồi. Mọi người tham gia giao thông nên chú ý đèn tín hiệu nha", một người dùng đăng tải thông tin nhắc nhở kèm hình ảnh của một ngã 3 tại khu vực quận 7 (TP.HCM).

Trước khi Nghị định 168 có hiệu lực, không ít người tham gia giao thông tại TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước vẫn có thói quen "3 xanh thì bỏ, 3 đỏ thì đi" như khẩu quyết mà cánh tài xế hay truyền miệng với nhau.

Câu này có nghĩa khi đèn tín hiệu ở trạng thái xanh và còn 3 giây, tài xế nên dừng xe để tránh vượt đèn đỏ. Ngược lại khi đèn đỏ đang đếm ngược còn 3 giây, đây là lúc... nên bắt đầu xuất phát để khi đèn chuyển sang xanh sẽ kịp đưa phương tiện vượt qua giao lộ.

Trong một số trường hợp đường vắng, ít phương tiện qua lại, "3 đỏ thì đi" có thể ít ảnh hưởng tới giao thông, nhưng với tình hình đông đúc tại các thành phố lớn của Việt Nam như hiện nay, việc nhiều người chọn bắt đầu di chuyển khi đèn đỏ còn 3 giây dễ khiến giao thông rơi vào cảnh hỗn loạn.

 Khẩu quyết truyền miệng "3 đỏ thì đi" có thể khiến giao thông tại các giao lộ có đèn tín hiệu rơi vào cảnh hỗn loạn.

Khẩu quyết truyền miệng "3 đỏ thì đi" có thể khiến giao thông tại các giao lộ có đèn tín hiệu rơi vào cảnh hỗn loạn.

Bởi lẽ khi tất cả đều "3 đỏ thì đi" sẽ dễ gây ra tình trạng xung đột giao thông với chiều còn lại, vốn vẫn còn đèn xanh hoặc vàng.

Với tâm lý di chuyển còn khá vội vàng của phần đông người tham gia giao thông, việc phải dừng xe lại trước vạch kẻ đường khi đèn vàng chuyển sáng gần như bất khả thi và sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn tại giao lộ, tạo ra "tác dụng ngược" khi tất cả đều phải chậm lại thay vì được đi nhanh hơn.

Bên cạnh đó, khẩu quyết "3 đỏ thì đi" nếu thực hiện vào lúc này có thể sẽ khiến tài xế phải "ngậm đắng" bởi trong một số trường hợp, phương tiện sẽ vượt qua vạch kẻ trước khi đèn tín hiệu kịp bật xanh, dẫn đến mức phạt 4-6 triệu đồng với xe máy và 8-20 triệu đồng trong trường hợp vi phạm khi đang cầm lái ôtô.

TP.HCM cũng đang thí điểm bỏ đếm giây với đèn đỏ tại một số giao lộ. Kết hợp với mức phạt cao do lỗi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, nhiều khả năng ý thức tham gia giao thông của người dân sẽ được cải thiện theo thời gian.

 TP.HCM thí điểm bỏ đếm giây đèn đỏ ở một số giao lộ.

TP.HCM thí điểm bỏ đếm giây đèn đỏ ở một số giao lộ.

Phần lớn ý kiến trên các diễn đàn, mạng xã hội cho rằng mức phạt 4-6 triệu đồng với xe máy và 8-20 triệu đồng với ôtô khi vượt đèn đỏ là tương đối "nặng", nhưng sẽ là giải pháp hữu hiệu để nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.

"Dần dà sẽ chẳng ai vội vàng vượt đèn đỏ để tránh bị mất một ngày chấm công, nhưng đổi lại có thể bị phạt đến cả tháng lương", tài khoản Duc Pham nhận định.

Kỳ vọng sự cải thiện toàn diện

Mức phạt tăng cao hàng triệu đồng với các lỗi vi phạm vượt đèn đỏ, chạy xe lên vỉa hè được kỳ vọng sẽ cải thiện ý thức tham gia giao thông của người dân.

Tuy nhiên bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng hạ tầng giao thông cũng nên có sự cải thiện để người dân không phải "nhắm mắt đưa chân" dù biết rõ đang vi phạm và có thể bị phạt nặng.

"Ủng hộ tăng nặng mức phạt cho hành vi vượt đèn đỏ, nhưng hệ thống đèn tín hiệu cũng cần được nâng cấp, bảo dưỡng thường xuyên để hoạt động chính xác hơn", tài khoản Thanh Hung bình luận và nhận được nhiều sự đồng tình.

 Nhiều người dân kỳ vọng hệ thống đèn tín hiệu sẽ được nâng cấp, bảo dưỡng thường xuyên để hoạt động ổn định.

Nhiều người dân kỳ vọng hệ thống đèn tín hiệu sẽ được nâng cấp, bảo dưỡng thường xuyên để hoạt động ổn định.

Tương tự, hành vi điều khiển môtô, xe máy lên vỉa hè, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan sẽ bị xử phạt 4-6 triệu đồng theo nội dung Nghị định 168.

Mức phạt này cũng được nhiều người đồng tình, trước tiên nhằm bảo vệ không gian tham gia giao thông cho người đi bộ, mặt khác đảm bảo chất lượng vỉa hè ở các tuyến đường.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc người Việt đi xe máy có thói quen chạy xe trên vỉa hè bởi lòng đường gần như không còn chỗ cho xe 2 bánh di chuyển.

Quan sát tại TP.HCM vào các khung giờ cao điểm, dễ thấy tình trạng ôtô, xe bus dàn hàng ngang chiếm hết diện tích lòng đường là khá phổ biến. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến nhóm phương tiện xe 2 bánh không còn không gian di chuyển, buộc người điều khiển phải cho xe chạy lên vỉa hè, nhất là tại các ngã tư, điểm giao cắt.

 Tình trạng xe 4 bánh dàn ngang, chiếm hết diện tích lòng đường thường xuyên xuất hiện vào giờ cao điểm tại các thành phố lớn.

Tình trạng xe 4 bánh dàn ngang, chiếm hết diện tích lòng đường thường xuyên xuất hiện vào giờ cao điểm tại các thành phố lớn.

Vì vậy, mức phạt cao với hành vi điều khiển xe 2 bánh lên vỉa hè nhận khá nhiều đồng tình, nhưng đi kèm là những băn khoăn, kỳ vọng về việc người cầm lái các phương tiện xe 4 bánh sẽ có ý thức hơn, không chèn ép và lấn làn với xe máy.

"Hy vọng trong tương lai, hệ thống đường sá tại các thành phố lớn ở Việt Nam sẽ được mở rộng, quy hoạch phân làn hợp lý hơn. Mong rằng ý thức tham gia giao thông của cộng đồng cũng cải thiện để không còn tình trạng vượt đèn đỏ hay ôtô chèn ép, lấn làn khiến xe máy phải leo lề", tài khoản Anh Thu chia sẻ.

Giao thông văn minh rõ ràng là điều mà cả cơ quan quản lý và người dân đều hướng tới, bởi lái xe đúng quy định sẽ giúp tình trạng giao thông tốt hơn và người lái xe tiết kiệm được thời gian trên đường hơn, phần nào thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế.

Những biện pháp mạnh từ phía cơ quan chức năng đang bước đầu giúp giao thông tại các thành phố lớn nề nếp hơn, ý thức tham gia giao thông một cách đúng luật của người dân, cả ôtô và xe máy, sẽ là điều kiện còn lại để Việt Nam có một môi trường giao thông hiện đại và an toàn.

Mặt khác, những hạ tầng như đèn giao thông, vạch kẻ đường và vạch phân làn cũng cần được nâng cấp hay thay đổi để phù hợp nhất với điều kiện giao thông từng khu vực, qua đó giúp đỡ người dân tối đa trong việc đi đúng luật mà vẫn đảm bảo an toàn, tiện lợi.

Phúc Hậu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/muc-phat-cao-co-khien-giao-thong-viet-nam-van-minh-nhu-singapore-post1522013.html
Zalo