Mực nước con sông dài nhất Ba Lan xuống thấp kỷ lục
Trong khi nhiều nước Châu Á phải chống chọi với lũ lụt và lở đất thì nhiều con sông ở khu vực Trung và Đông Âu lại đang cạn kiệt sau một mùa hè nắng nóng. Mực nước sông Vistula, con sông dài nhất Ba Lan với chiều dài hơn 1.000 km đã giảm xuống mức kỷ lục gây ảnh hưởng tới môi trường và hoạt động du lịch trên sông.
Đối với ông Andrzej Stanski, người điều hành Vistula, công ty tổ chức các chuyến du ngoạn trên sông Vistula của Ba Lan, mực nước thấp kỷ lục đồng nghĩa với việc ông phải thay đổi lộ trình của những chiếc thuyền.
Ông Andrzej Stanski, Giám đốc công ty Vistula cho biết: “Chúng tôi phải thay đổi lộ trình vì nước cạn, thuyền có thể va phải đá. Trong khi đó động cơ của thuyền có giá khá cao và chúng tôi cần đảm bảo an toàn cho hành khách”.
Sông Vistula là tuyến đường thủy có tầm quan trọng lớn đối với các quốc gia Đông Âu và là con sông dài nhất và quan trọng nhất đối với Ba Lan.
Theo dữ liệu của Viện Khí tượng và Quản lý Nước Ba Lan thì tại thủ đô Warsaw, mực nước một số đoạn sông chỉ còn 20 cm vào ngày 11 tháng 9, thấp hơn mức thấp kỷ lục 26 cm vào năm 2015. Trong khi đó mực nước bình thường hàng năm tại các địa điểm này là 105-250 cm.
Jaroslaw Suchozebrski, nhà thủy văn học từ Đại học Warsaw, cho biết Ba Lan đang trong tình trạng hạn hán, vì vậy người dân và các doanh nghiệp cần điều chỉnh việc tiêu thụ nước hợp lý hơn, đặc biệt là các ngành năng lượng vốn dựa trên các quy trình làm mát bằng nước. Nước sông cạn cũng ảnh hưởng tới chất lượng nước sinh hoạt bởi mức độ pha loãng các chất ô nhiễm bị giảm đi.
Viện Khí tượng và Quản lý Nước Ba Lan dự báo mực nước sông có thể tăng trong những ngày tới do có mưa lớn, nhưng điều này cũng có thể dẫn tới nguy cơ lũ lụt.
Trong khi nhiều nước châu Á phải chống chọi với lũ lụt và lở đất thì nhiều con sông ở khu vực Trung và Đông Âu lại đang cạn kiệt sau một mùa hè nắng nóng.