Mùa xuân đang về

Ngôi nhà ấy nằm lưng chừng một ngọn núi, trong cái xóm người Dao chừng hơn chục nóc nhà. Từ dưới thung lũng nhìn lên trông chúng như những cái nấm nâu nâu, hòa vào biếc xanh của xum xuê cây rừng. Trong nhà có một phụ nữ còn khá trẻ, Chương.

Chương có cặp má hồng hào căng mọng, nụ cười tươi rói, ánh mắt lấp lánh. Miệng cười mắt cười. Phụ nữ Dao có một vẻ đẹp riêng rất dễ nhận thấy. Vẻ đẹp của sự khỏe khoắn, nhiệt thành, thông minh.

Minh họa: Việt Hòa

Minh họa: Việt Hòa

Cái xóm người Dao này rất đặc biệt. Nói đặc biệt là bởi vì có khoảng hơn chục hộ gia đình nhưng họ làm nhà liền tù tì với nhau thành một dãy dài dặc. Tất cả các nhà tường riêng, mái riêng nhưng lại chung hè chung sân. Từ nhà nọ sang nhà kia, nếu gặp hôm trời mưa đúng như ngày tôi lên thì đi từ nhà nọ sang nhà kia không hề ướt áo.

Đã cuối năm, trời rét căm căm. Hầu hết người lớn đi làm, trẻ con đi học, chỉ còn người già. Chương là người trẻ duy nhất mà tôi gặp. Cô đang lúi húi gì đó trong căn bếp đầy những chum vại. Tôi cất tiếng chào, cô ngẩng lên. Nụ cười của cô y như một tia sáng lóe lên trong căn bếp chật hẹp đầy bồ hóng.

- Nhà sắp có cỗ hay sao mà ủ nhiều rượu thế? Tôi hỏi.

Chương gật đầu:
- Chuẩn bị để rằm tháng Giêng làm lễ Pút tồng thôi.

Hóa ra trong gia đình, ông nội chồng Chương là trưởng họ, người phải chịu trách nhiệm cho việc thực hiện lễ Pút tồng sắp tới. Trong đời sống tinh thần của người Dao, lễ Pút tồng gắn với truyền thuyết về cuộc di cư vượt biển sang Việt Nam tìm đường sống của 12 họ, sau nhiều tháng lênh đênh trên biển bất ngờ đoàn thuyền của các họ Dao gặp bão, sóng to, gió lớn như muốn nhấn chìm thuyền.

Trong cơn nguy cấp, các họ Dao chắp tay khấn cầu, xin Bàn Vương và tổ tiên giúp đỡ họ vượt qua cơn hoạn nạn, vào đến đất liền an toàn và hứa sẽ làm lễ tạ ơn. Không ngờ, lời cầu nguyện linh ứng, tất cả đều thoát nạn.

Từ đó trở đi, dòng họ người Dao nào cũng tổ chức nghi lễ Pút tồng một lần trong đời để thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên Bàn Vương đã cứu mạng. Còn những người muốn theo nghề thầy mo thì phải làm lễ tới ba lần.

Chương rót cho tôi một chén trà còn bốc khói. Loại trà tự sao, đượm cả mùi khói bếp. Tôi vốn rất thích những thứ được nấu trên bếp củi, đơn thuần vì chúng luôn thấm đẫm mùi vị của ký ức. Nhưng vừa nhấp một ngụm trà thì từ ngoài cửa, một bà lão chống gậy đi vào. Vừa đi vừa nói:

- Mời rượu mới được chứ!

Đấy là bà nội của chồng Chương. Bà có khi đã gần chín mươi tuổi. Răng rụng gần hết. Nói được một ít tiếng Kinh. Nghe bà nói thế, Chương đành phải ghé can rót rượu ra chai, dù tôi đã ra hiệu là mình không uống được.

Bà lão hỏi:

- Ở tỉnh lên à?

Tôi đáp:

- Vâng. Bà năm nay bao nhiêu tuổi ạ?

Bà cười, hở hai cái răng còn sót lại:

- Không nhớ đâu.

Tôi nhấp một ngụm rượu, cay nồng, nóng sực từ họng trôi vào bụng. Rượu trôi đến đâu biết đến đấy.

Tôi hỏi bà cụ:

- Nhà mình ở đây bao lâu rồi hả bà?

Hỏi bà xong tôi chợt nghĩ ra, đến tuổi của mình bà còn chả nhớ nữa là.

Trời vẫn mưa. Những dòng nước trong veo như ngọc nối đuôi nhau chảy xuống theo mái ngói. Tất cả những ngôi nhà ở đây đều trình tường, lợp ngói. Ngô chín vàng treo lúc lỉu trên xà nhà.

Mùi rượu thơm phảng phất. Tôi vốn không uống được rượu, nhất là rượu bà con tự nấu, vì nó rất dễ say. Nhưng tôi thích cái mùi rượu phảng phất trong căn nhà. Nó cho thấy sự no ấm, nó cho thấy người ta đang sống những ngày tháng có rất nhiều việc để làm và để hạnh phúc.

Chương đã biến đi đâu đó và cô xuất hiện ở cửa buồng với một em bé đang ngọ ngoạy. Đứa con thứ hai của Chương, một cậu bé. Cậu bé với cặp má hồng hào, mắt nhắm nghiền, miệng tóp tép. Có vẻ như cậu vừa được mẹ cho bú.

Chương lấy chiếc địu ra, bằng một động tác thuần thục cô vắt đứa bé lên lưng và quấn gọn con trong địu. Cô ngồi xuống cạnh tôi, lấy chiếc giỏ khâu đang khâu dở ra. Chương đính nốt những sợi kim tuyến làm tua rua trên chiếc mũ vải vốn đã đầy màu sắc. Những ngón tay đầy vết sứt sẹo và đen thẫm vì nhựa cây thoăn thoắt đưa kim.

Tôi nhìn Chương rồi lại nhìn sang bà cụ, bà đang gật gù như muốn ngủ. Chiếc gậy trong tay đã chống vẹo sang một bên. Bao lâu nữa nhỉ? Năm mươi, hay sáu mươi năm nữa, Chương sẽ giống như bà? Đôi mắt tinh anh, hóm hỉnh, nụ cười chỉ còn lấp ló vài chiếc răng hiếm hoi. Sống một cuộc đời dài dặc trên núi cao, bà chưa từng đi quá chợ huyện, nhưng cũng chẳng lấy thế làm buồn. Bà đang sống những ngày tháng viên mãn khi đã kịp đón tới ba bốn đứa chắt, dù chắc là bà chẳng nhớ nổi tên chúng là gì.

Cây mận mốc thếch ngoài sân đang rụng nốt những chiếc lá cuối cùng trong ướt át để chuẩn bị bật ra những nụ những mầm đón mùa xuân đang về.

Tản văn: Đỗ Bích Thúy

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/mua-xuan-dang-ve-205776.html
Zalo