Mùa xuân an yên sau những ngày giông bão

Sau một năm đầy biến động, Xuân đang về với mỗi làng quê, góc phố. Sức sống mới của mùa xuân lan tỏa nơi nơi sau một cái Tết an yên.

Khép lại một năm nhiều biến động

Tết Nguyên đán là thời điểm chúng ta luôn mong muốn được trở về đoàn tụ với với gia đình, với người thân sau một năm làm việc vất vả. Thế nhưng năm 2024 quá nhiều biến động, sẽ có những người không thể trở về nhà hoặc không còn gia đình để về trong dịp Tết vừa qua.

Trong đó có những người dân ở làng Nủ (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), những người đã phải gánh chịu quá nhiều những mất mát, đau thương trong đợt lũ quét, sạt lở đất sau bão Yagi.

Cơn lũ dữ ập xuống thôn Làng Nủ vào sáng 10/9, cuốn theo rất nhiều người dân còn chưa kịp tỉnh giấc sau đêm ngủ. Và, nhiều người trong số đó mãi mãi không bao giờ được đón bình minh nữa. Những người may mắn sống sót nhưng cơ thể bầm dập, tinh thần bị sang chấn, tổn thương nặng nề. Ngôi làng của họ đã bị vùi lấp, cả người thân cũng đã không còn. Tết này sẽ là một cái Tết rất đặc biệt đối với họ.

Hình ảnh khu tái định cư Làng Nủ (Ảnh: Trí thức trẻ)

Hình ảnh khu tái định cư Làng Nủ (Ảnh: Trí thức trẻ)

Sau 4 tháng bão lũ đi qua, người dân làng Nủ cũng đã bắt đầu tái thiết lại cuộc sống. Một khu tái định cư mới với hơn 40 ngôi nhà đã được chính quyền địa phương cùng nhiều đơn vị gấp rút thực hiện để tặng cho những hộ dân bị mất nhà trong đợt lũ vừa rồi. Tất cả được hoàn thành trước Tết âm lịch.

Trong những ngày cuối năm, dù công việc nhà cửa còn bộn bề lo toan, mất mát, nhưng người dân thôn Làng Nủ vẫn tập trung cùng nhau căng cờ, biểu ngữ, dọn dẹp đường xá, trồng rau, trồng hoa… chuẩn bị đón Tết. Nỗi buồn nào cũng rồi cũng qua đi, nỗi đau nào cũng sớm lành. Mùa xuân mới đến, những con người nơi đây cũng đang dần hồi sinh mảnh đất này với những hy vọng về tương lai tốt đẹp, một năm mới bình an.

Không chỉ người dân làng Nủ, những người dân chịu thiệt hại sau bão Yagi ở Lào Cai, Thái Nguyên, Yên Bái, Hải Phòng, Quảng Ninh… cũng đã và đang tái thiết lại cuộc sống sau những mất mát về người và tài sản.

Chị Lương Thị Hiền quê ở Yên Bái, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chia sẻ: “Sau một năm đầy biến cố, giờ đây, mỗi sớm mai thức dậy, lòng tôi cảm thấy rất an yên. Vì biết rằng, chốc nữa đây gọi về cho mẹ, cho anh chị, gia đình sẽ không còn hốt hoảng báo tin dữ như mọi khi. Những câu chuyện về người thân, chòm xóm chẳng may gặp nạn sau lũ lụt, sạt lở đất đã qua đi. Trong những câu chuyện kể của mẹ đã thấm đẫm dư vị Tết”.

Mẹ chị kể chuyện Tết xưa, Tết nay. Qua lời mẹ, chị biết rằng, người dân quê cũng đã trở về cuộc sống bình thường, cũng đang chuẩn bị cho một cái Tết bình an. Ai cũng cầu mong sang năm mới, thiên tai, bệnh dịch được tiêu trừ để hạnh phúc, ấm no hiện diện trên từng gương mặt xinh tươi.

Tết ở trong lòng mỗi người

Những ngày gần Tết, chị Lê Thị Nguyệt (Hà Nội) có người thân bị thiệt mạng sau vụ cháy xảy ra tại khu nhà trọ làm 14 người thiệt mạng trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng đã gói ghém những chuyện cũ, chờ đón một năm mới tốt đẹp hơn. Chị chia sẻ, sau khi trải qua những biến cố, những cảm xúc hỗn lộn trong năm vừa rồi, chị đã có thể an lòng hơn khi ngồi nhìn lại những gì đã diễn ra trong một năm với một tâm thế chấp nhận và buông bỏ.

Ảnh: Công Đạt

Ảnh: Công Đạt

“Qua bao gian khó, chúng ta khắc ghi bao bài học nhân sinh về tinh thần tương thân tương ái, về khả năng thích nghi, tinh thần trân trọng và yêu quý từng khoảnh khắc cuộc sống bình yên. Hơn thế, chúng ta còn có cơ hội được nhìn lại bản thân mình và cuộc đời. Cuộc đời tưởng dài mà hóa ngắn, tưởng ổn định nhưng lại dâu bể khó lường, trong gặp gỡ đã ẩn tàng mầm ly biệt. Ranh giới sống và chết, bình an và bệnh tật thật mỏng manh.

Thay vì sống trong nỗi sợ hãi về một tương lai bất định, tại sao ta không chọn một thái độ sống tích cực, lạc quan và vui vẻ? Sống trọn vẹn, toàn tâm toàn ý từng ngày, xây dựng cho mình ý thức luyện tập, chăm sóc bản thân và gia đình. Bởi lẽ khỏe mạnh về thể chất, vững vàng về tinh thần là điều nên ưu tiên hàng đầu ngay lúc này”, chị Nguyệt bày tỏ.

Xuân về đánh dấu một chặng đường mới. Xuân về mang chồi non lộc biếc, như một liều thuốc tinh thần hữu hiệu xoa dịu những vết thương của năm cũ và khép lại những muộn phiền đã qua. Không khí Tết đã tràn ngập các miền quê, các khu chợ hoa khoe sắc thắm và trở nên nhộn nhịp, vui tươi.

Tết có nghĩa là hi vọng. Và không lý gì chúng ta không hy vọng. Hy vọng về những dự tính cho hôm nay và mai sau. Hy vọng còn cho ta niềm tin để cùng nhau gây dựng lại cuộc sống, từ những bông hoa, luống rau được reo trồng lại sau bão, từ những ngôi nhà được dựng lại trên xơ xác tan hoang, từ những cánh đồng tất bật vào vụ mới, từ tiếng trống gọi các cháu đến trường, từ nụ cười phục sinh trên những gương mặt khổ đau...

Thảo Nhi

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/mua-xuan-an-yen-sau-nhung-ngay-giong-bao-d204185.html
Zalo